Căng thẳng ASEAN-Trung Quốc trước thềm phán quyết của PCA

Google News

(Kiến Thức) - Ngày Tòa án Trọng tài Quốc tế phán quyết về vụ Manila kiện Bắc Kinh ngang ngược thâu tóm Biển Đông càng đến gần thì căng thẳng ASEAN-Trung Quốc càng gia tăng.

Chuyên viên khoa học chính trị Nga Grigory Lokshin nhận xét rằng Bắc Kinh đang hết sức cố gắng hạ uy tín của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, mặc dù tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông sẽ tác động rất tiêu cực đến kế hoạch xây dựng “Con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc.
Cang thang ASEAN-Trung Quoc truoc them phan quyet cua PCA
Hội nghị đặc biệt các bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ở Côn Minh. Ảnh Reuters
Đồng thời, các nước ASEAN cũng khó đạt được đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không phải là một khối quân sự hay liên minh đồng thuận hoàn toàn. ASEAN bao gồm 10 quốc gia với những chế độ chính trị, tôn giáo và lịch sử khác nhau. Tất cả 10 nước thành viên ASEAN có mối quan hệ khác nhau với Trung Quốc. Lập trường chung của ASEAN là cần phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cần phải giải quyết tất cả các vấn đề một cách hòa bình trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cần phải hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đây sẽ là một văn kiện có giá trị pháp lý ràng buộc với một cơ chế cụ thể để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực Biển Đông.
Đây là lập trường chung của tất cả các nước ASEAN. Tuy nhiên, có những khác biệt nhất định về một số vấn đề cụ thể. Về vấn đề này, ôg Grigory Lokshin cho biết: "Những khác biệt đó có thể được thấy rõ qua kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc gần đây. Các vị bộ trưởng ngoại giao chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao tháng 9 ở Lào nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Trung Quốc. Các bên đã đạt được thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến hội nghị cấp cao. Nhưng sau đó các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về những diễn biến trong khu vực Biển Đông, cụ thể nói về việc xây dựng và quân sự hóa các  đảo nhân tạo, về quyết định bố trí các máy bay chiến đấu và bệ phóng tên lửa ở đó. Xin lưu ý rằng, theo truyền thống, trong các tài liệu của ASEAN không nêu tên Trung Quốc một cách trực tiếp”.
Ngay sau khi công bố bản tuyên bố này với báo giới, một số nước thành viên ASEAN đã yêu cầu rút lại văn kiện này. Tình hình này rất giống những gì đã xảy ra trong năm 2012 khi Campuchia, khi đó là nước Chủ tịch ASEAN, không thông qua một Tuyên bố chung. Chỉ nhờ vào những nỗ lực của Indonesia, ASEAN mới khôi phục được sự thống nhất trong chừng mực nhất định. Lần này các bên đã thông qua quyết định rút lại bản tuyên bố chung, nhưng mỗi quốc gia vẫn có thể bày tỏ quan điểm của mình.
Theo chuyên gia Grigory Lokshin, Trung Quốc có lý do để lo ngại về sự an toàn của họ ở Biển Đông, nơi thường xuyên hiện diện các tàu chiến Mỹ. Nhưng việc bảo vệ lợi ích quốc gia bằng cách xâm phạm lợi ích hợp pháp của các nước láng giềng là điều không thể chấp nhận được. Sau khi tất cả các bên nhận thức được điều đó thì quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông mới có thể thoát khỏi sự bế tắc.

Minh Châu (Theo Sputnik)

Bình luận(0)