Brexit: Chia tay gọn ghẽ và khởi đầu mới?

Google News

(Kiến Thức) - Liên quan đến Brexit, Thủ tướng Theresa May muốn chia tay gọn ghẽ: Rời khỏi Thị trường chung Châu Âu và tìm kiếm thỏa thuận tự do thương mại mới với EU.

Rốt cuộc, người Anh và người Châu Âu lục địa đã có thể chứng kiến Brexit “bằng xương bằng thịt” và cách thức Vương quốc Anh chia tay Liên minh Châu Âu (EU).
Brexit: Chia tay gon ghe va khoi dau moi?
Bài phát biểu về Brexit của Thủ tướng May Theresa vừa tự hào, vừa mang tính chất thách thức. Ảnh Business Insider 
Trong vài tháng qua, mối quan tâm chính là liệu Vương quốc Anh có thể ở lại Thị trường chung Châu Âu, mặc dù đã rời khỏi EU. Câu trả lời của EU là rất rõ ràng: Không! Những trái anh đào chín mọng không dành cho những kẻ "chân trong, chân ngoài".
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker thậm chí đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc trước cuộc trưng cầu về Brexit: “Những kẻ đào ngũ sẽ không được chào đón với vòng tay rộng mở!"
Những tuyên bố từ Brussels phản ánh một sự ác ý, đặc biệt khi đề cập đến sự sụp đổ của đồng bảng Anh, hoặc mong muốn trừng phạt người Anh. Mục tiêu của lập trường cứng rắn này là để duy trì trật tự trong số 27 nước thành viên EU còn lại. Nhưng đường lối này chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” chủ nghĩa ly khai và gây tổn hại cho các doanh nghiệp Châu Âu.
Bây giờ, người Anh cảm thấy bị ép buộc phải đi theo con đường mới và họ chuyển sang phản công. Họ muốn rời khỏi Thị trường chung Châu Âu và đề xuất với EU một thỏa thuận tự do thương mại, trong đó duy trì càng nhiều càng tốt các thỏa thuận liên quan đến Thị trường chung Châu Âu.
Bài phát biểu của Thủ tướng May Theresa vừa tự hào, vừa mang tính chất thách thức. Vương quốc Anh không muốn đi ăn xin ở Brussels. Thay vào đó, London muốn tự mở cửa để làm ăn với thế giới bên ngoài.
Có một điều khá trùng hợp là Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump - một người ngưỡng mộ Brexit - đã đề xuất một thỏa thuận thương mại tự do song phương với London. Khi nhìn vào tất cả những rắc rối khi Liên minh Châu Âu đàm phán các hiệp định thương mại tự do, thật không khó để tưởng tượng rằng các nước khác như Trung Quốc và Brazil sẽ ký hiệp định thương mại tự do song phương riêng với Vương quốc Anh.
Việc bỏ phiếu cho Brexit qua và đã đến lúc Đức và Liên minh Châu Âu phải suy nghĩ lại. Lời cảnh báo của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cho thấy có một sự bối rối nhất định. Brexit đã đặt câu hỏi nghi vấn tất cả mọi thứ giáo điều đã được chấp nhận trong EU. Nhưng đó không phải là nguy hiểm mà còn là lành mạnh.
Ý tưởng Châu Âu thống nhất quả là điều tuyệt vời. Nhưng ý tưởng tuyệt với đó không thể được duy trì bằng việc gây sức ép và trừng phạt, mà phải thuyết phục mọi người thông qua sức hấp dẫn riêng của nó.
Minh Châu (Theo Deutsche Welle)

>> xem thêm

Bình luận(0)