Bầu cử Tổng thống Pháp: “Lấy độc trị độc”?

Google News

(Kiến Thức) - Trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, ứng viên trung hữu Francois Fillon có thể trở thành “hòn đá tảng cản đường” đối với ứng viên cực hữu Marine Le Pen.

Bằng cách chọn Francois Fillon, các cử tri trung thành với Đảng Cộng hòa đã đề cử một ứng viên có tiếng là bảo thủ truyền thống tham gia cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017. Cựu Thủ tướng Fillon từng tuyên bố rằng ông có ý định tái kết hợp chính trị với gia đình truyền thống. Ông muốn hạn chế số lượng người tị nạn vào nước Pháp và gây khó khăn cho những người nước ngoài trong việc truy cập vào hệ thống phúc lợi xã hội. Ông Fillon cũng muốn đặt cộng đồng Hồi giáo và nhà thờ Hồi giáo dưới sự kiểm soát của chính phủ. Ngoài ra, Thủ tướng Fillon cũng chủ trương tái dân tộc hóa chương trình giảng dạy ở nhà trường.
Đột nhập “lãnh thổ truyền thống” của phe cực hữu
Chương trình nghị sự của ứng viên tổng thống Francois Fillon có thể trở thành một vấn đề đối với ứng viên tổng thống của Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu. Một số nội dung tranh cử của ông xem ra khá giống với cương lĩnh truyền thống của phe cực hữu: chống sự thống trị của nước ngoài và tình trạng đánh mất bản sắc cũng như chủ nghĩa khủng bố và tội phạm.
Bau cu Tong thong Phap: “Lay doc tri doc”?
Rất có thể, bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 sẽ là cuộc đấu tay đôi giữa ứng viên trung hữu Francois Fillon và ứng viên cực hữu Marine Le Pen.  Ảnh Daily Express 
Nhà phân tích Henrik Uterwedde của Viện Đức-Pháp (DFI) nhận xét: "Trong một thời gian dài, Mặt trận Quốc gia (FN) là lực lượng chính trị duy nhất ỏ Pháp nêu ra những vấn đề nói trên. Bây giờ một chính trị gia trung hữu (Francois Fillon) nhập cuộc và cũng đề cập đến những quan ngại đó, sử dụng một ngôn ngữ khác và biến chúng thành đề xuất chính trị”.
Ông Fillon đang nhận được sự ủng hộ của các nhóm Công giáo truyền thống, những người trong nhiều năm qua đã tập hợp đám đông biểu tình chống lại hôn nhân đồng tính. Trong chiến dịch vận tranh cử, ông Fillon chủ yếu đến các làng mạc và thị trấn nhỏ ở Pháp, khu vực mà lãnh đạo FN Marine Le Pen đã gọi là “nước Pháp bị lãng quên” và là lãnh địa quan trọng nhất của phe cực hữu.
Ông Andreas Jung, Chủ tịch nhóm nghị viện Đức-Pháp tại Quốc hội Đức nói với đài truyền hình RBB-Inforadio: "Fillon đã giành được lợi thế trong một môi trường mà bà Marine Le Pen cũng đang thu hút phiếu bầu. Ông ấy không đại diện cho tầng lớp thượng lưu chính trị ở Paris, mà là một chính khách địa phương. Fillon cam kết bảo vệ những giá trị truyền thống như gia đình. Vì vậy, ông ấy không chỉ có khả năng đánh bại bà Marine Le Pen, mà còn dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên (của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp)”.
“Đối thủ nguy hiểm nhất của Mặt trận Quốc gia”
Về phần mình, Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu cảm thấy vô cùng lo ngại, khi biết ông Francois Fillon sẽ đại diện cho Đảng Cộng hòa trung hữu ra tranh chức Tổng thống Pháp trong năm tới. Marion Marechal Le Pen, cháu gái nhà lãnh đạo FN, nói với các nhà báo: “Ông Fillon gây ra cho chúng ta một vấn đề chiến lược. Ông ấy là ứng cử viên nguy hiểm nhất đối với Mặt trận Quốc gia”.
Kết quả thăm dò dư luận dường như cũng hỗ trợ cho lo ngại của bà Marion Marechal Le Pen, khi cho thấy cựu Thủ tướng Francois Fillon là ứng cử viên nặng ký nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017.
Tuy nhiên, ứng viên tổng thống Francois Fillon cũng vấp phải sự chống trả dữ dội của các đối thủ.
Bằng việc tố cáo Francois Fillon là một trong những chính khách thuộc tầng lớp thượng lưu chính trị ở Paris, Mặt trận Quốc gia sẽ cố gắng giành lá phiếu của các cử tri bất mãn với thể chế hiện hành và với các chính trị gia nói chung. Đặc biệt, không ít cử tri vẫn chống đối kế hoạch kinh tế tự do của ông Fillon. Cựu Thủ tướng Fillon muốn xóa bỏ chế độ một tuần làm việc 35 giờ và tăng tuổi nghỉ hưu ở Pháp lên 65 tuổi. Ngoài ra, ông còn muốn cắt giảm 500.000 việc làm trong khu vực công và cải cách luật công nghiệp. Ông Fillon được biết đến là một người hâm mộ cựu Thủ tướng Anh “Bà đầm thép” Margaret Thatcher.
Nhà phân tích Henrik Uterwedde nói: "Những vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế tự do luôn luôn gây tranh cãi ở Pháp. Đối thủ của ông Fillon đã nêu rõ lập trường của họ, phê phán những gì mà ở Pháp gọi là ‘siêu tự do’. Đó là một trong những từ bị coi là xấu xa nhất trong nền chính trị Pháp”.
Ông Fillon cần ve vãn các cử tri thiên tả
Ông Fillon muốn tăng thuế GTGT (VAT) thêm 2%. Điều này chủ yếu sẽ làm tổn thương các hộ gia đình có thu nhập thấp. Đây chính là tầng lớp cử tri mà Mặt trận Quốc gia đang ra sức lôi kéo bằng một chương trình “vay mượn” của cánh tả. Các phần tử cực đoan cánh hữu ở Pháp đang theo đuổi đường lối chống toàn cầu hóa, có ý định cô tách bạch nền kinh tế Pháp với nước ngoài và ra khỏi Liên minh Châu Âu. Phe cực hữu đã cố gắng bôi nhọ Fillon là biểu tượng của sự hỗn loạn, của chủ nghĩa tư bản “siêu tự do”.
Ông David Rachline – phụ trách chiến dịch tranh cử của Chủ tịch FN Marine Le Pen – viết trên Twitter: "Francois Fillon thậm chí sẽ còn đi xa hơn đòi hỏi của EU về chính sách thắt lưng buộc bụng và chủ nghĩa tự do”.
Theo các cuộc thăm dò hiện tại, rất có khả năng ông Fillon sẽ phải đối mặt với bà Marine Le Pen trong vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 5/2017.
Một nguy cơ nữa đối với ứng viên tổng thống trung hữu Francois Fillon đến từ các cử tri ủng hộ cánh tả vốn phản đối đường lối kinh tế tự do của ông.
Về vấn đề này, Henrik Uterwedde của Viện Đức-Pháp (DFI) nhận xét: "Francois Fillon sẽ phải bắt đầu thu hút các cử tri ôn hòa và ủng hộ đường lối trung dung. Chậm nhất, trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, ông Fillon phải có những đề xuất làm vừa lòng các cử tri cánh tả mà không làm thay đổi đường lối vốn có của mình”.
Minh Châu (Theo Deutsche Welle)

>> xem thêm

Bình luận(0)