Bật mí mục tiêu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Google News

(Kiến Thức) - Mục tiêu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là gì? Phải chăng Ankara chỉ nhằm đánh đuổi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ra xa biên giới?

Khi chiến dịch “Lá chắn Euphrates” bước sang ngày thứ 100, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng với quân nổi dậy Syria được Ankara hậu thuẫn đã kiểm soát gần 2.000 km2 ở miền bắc Syria.
Nhà phân tích Serhat Erkmen, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Ahi Évran, dự đoán về diễn biến của chiến dịch “Lá chắn Euphrates” và bật mí mục tiêu quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Bat mi muc tieu quan su cua Tho Nhi Ky o Syria
Xe tăng của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào lãnh thổ Syria. Ảnh NBC News 
Theo nhà phân tích Serhat Erkmen, khi phát động chiến dịch “Lá chắn Euphrates”, Ankara đã tuyên bố hai mục tiêu cơ bản: Xua đuổi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ra xa biên giới và ngăn chặn Đảng Công nhân người Kurd (PKK) tấn công khủng bố chống Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ngăn chặn sự hình thành của một khu vực phía Bắc Syria nằm dưới sự kiểm soát của Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).
Thị trấn al-Bab: Chiến trường mới giữa người Thổ, người Syria và người Kurd?
Hiện thời, chiến dịch “Lá chắn Euphrates” tập trung vào việc đánh chiếm thị trấn al-Bab. Sau khi nhóm nổi dậy mang tên Quân đội Syria Tự do (FSA), được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đã tiếp cận al-Bab vào ngày 13/11, đã có nhiều cuộc đụng độ đẫm máu xung quanh thị trấn al-Bab.
Lực lượng người Kurd ở Syria (YPG) biết rõ rằng nếu để cho FSA giành quyền kiểm soát thị trấn al-Bab, họ sẽ không bao giờ có thể kết nối hai vùng lãnh thổ riêng rẽ thành một thực thể thống nhất ở Syria , giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy mà dân quân người Kurd đã tiến về thị trấn al-Bab từ hai hướng: ở phía Tây từ khu tự trị Afrin và phía Đông qua thị trấn Menbij.
Đã xảy ra các cuộc giao tranh dữ dội giữa ba bên là phiến quân IS, FSA và YPG trên cả hai mặt trận. Một số ngôi làng đã liên tục “đổi chủ” trong một khoảng thời gian ngắn. Trong những ngày đầu, các cuộc đụng độ đã diễn ra tại khu vực cách xa Quân đội Syria. Gần đây, giao tranh đã đến gần hơn và Quân đội Syria buộc phải nhập cuộc.
Lúc đầu, Nga ngấm ngầm hỗ trợ việc Ankara không kích phiến quân IS ở miền Bắc Syria, thông qua việc không ngăn chặn chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập không phận Syria.
Tuy nhiên, cuộc tấn công bằng máy bay chiến đấu Syria vào một đơn vị Thổ Nhĩ Kỳ gần thị trấn al-Bab của máy bay chiến đấu Syria đã phát đi một tín hiệu khác. Nếu xem xét ảnh hưởng của Nga đối với chính quyền Syria, có vẻ như Không quân Syria khó có thể thực hiện vụ không kích nói trên mà không được phía Nga “bật đèn xanh”. Đó là lý do vì sao một số người ở Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là một thông điệp gián tiếp mà Moscow gửi đến Ankara.
Quân đội Thổ vào Syria để “kết liễu chế độ Assad”?
Về tuyên bố mới đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria để “kết liễu chế độ Assad”, nhà phân tích Serhat Erkmen cho rằng đây là một tuyên bố mang lại rất nhiều rủi ro.
Xét về khía cạnh quốc tế, với tuyên bố này, Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể hợp pháp hóa các chiến dịch của quân đội nước này trong chiến “chống khủng bố” ở Syria. Đồng thời, ở trong nước, Thổ Nhĩ Kỳ khó duy trì nổi tỷ lệ ủng hộ đến 70% của dân chúng dành cho “cuộc chiến chống khủng bố”. Nếu mục tiêu và phạm vi chiến dịch thay đổi – đặc biệt nếu Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng sang lật đổ chế độ ở Syria – ban lãnh đạo ở Ankara sẽ không thể nhận được sự hậu thuẫn rộng rãi ở trong nước cũng như trên thế giới.
Nhà phân tích Serhat Erkmen hy vọng rằng rất có thể, tuyên bố nói trên của Tổng thống Erdogan chỉ là một phản ứng tức giận trước việc không quân Syria ném bom binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và không phải là một nỗ lực nhằm thay đổi các mục tiêu chiến lược của chiến dịch “Lá chắn Euphrates”.
Có một điều rõ ràng, sau khi giành quyền kiểm soát thị trấn al-Bab, chiến dịch “Lá chắn Euphrates” sẽ tập trung vào mục tiêu đánh chiếm thị trấn Menbij từ tay dân quân người Kurd. Nếu giành quyền kiểm soát thị trấn al-Bab mà không gây ra đụng độ với Quân đội Syria, FSA và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có mục tiêu mới là đánh chiếm thị trấn Manbij.
Trong trung và dài hạn, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và FSA cũng có thể đánh chiếm Afrin, tấn công một khu vực có đa số người Kurd sinh sống và nằm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiến dịch “Lá chắn Euphrates” là một chiến dịch dài hơi. Nếu tương quan lực lượng không thúc đẩy chiến dịch này đi theo một hướng mới, nó có thể sẽ kéo dài thêm một vài tháng.
Minh Châu (Theo Deutsche Welle)

>> xem thêm

Bình luận(0)