Ai được lợi khi châm ngòi chiến tranh ở Ukraine?

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Poroshenko tuyên bố rằng Nga sắp xâm lược Ukraine, nhưng “tia lửa đốt cháy cánh đồng” lại được tìm thấy ở vấn đề trong nước.

Tổng thống Petro Poroshenko nói trước quốc hội rằng Ukraine đang phải đối mặt với "mối đe dọa to lớn" sắp xảy ra và đó là cuộc xâm lược tổng lực của Nga.
Ai duoc loi khi cham ngoi chien tranh o Ukraine?
Tổng thống Petro Poroshenko: Ukraine đang phải đối mặt với "mối đe dọa to lớn" sắp xảy ra. 
Trên thực tế, không hẳn là như vậy. Trong khi nguy cơ chiến tranh tái bùng phát là rất thực tế do bạo lực leo thang ở miền đông Ukraine, nhưng kẻ chủ mưu châm ngòi chiến tranh ở Ukraine nhiều khả năng ngồi ở Kiev hoặc ở miền đông Ukraine, chứ không phải ở Moscow hay ở các thủ đô phương Tây.
Các chuyên gia nói rằng cả hai phía tham gia nội chiến Ukraine đều cảm thấy đang bị các thế lực ủng hộ bên ngoài lãng quên. Trong trường hợp này, cách tốt nhất để đạt được mục tiêu là tái chiến để tránh thực tế khó khăn về chính trị-kinh tế mà hai bên đều muốn người ta bỏ qua.
Chán ngấy chiến tranh
Trong thông điệp trước quốc dân đồng bào, Tổng thống Poroshenko nói trước Quốc hội Ukraine: "Quân đội của Ukraine cần phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó một cuộc tấn công mới của kẻ thù cũng như một cuộc xâm lược quy mô lớn dọc theo toàn tuyến biên giới với Nga”. Ông Poroshenko cho biết có ít nhất 9.000 binh lính Nga đã ở trong lãnh thổ Ukraine và có những dấu hiệu cho thấy quân thường trực Nga đang tập trung sát biên giới với Ukraine.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này và nói rằng ông Poroshenko đang mưu toan gây ảnh hưởng đến Hội nghị thượng đỉnh G-7 tổ chức vào cuối tuần này cũng như một cuộc họp sắp tới của Liên minh Châu Âu để thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới chống lại nước Nga.  Ông nói:  "Chúng ta thường thấy Kiev làm gia tăng căng thẳng vào lúc sắp diễn ra các sự kiện quốc tế lớn và trường hợp hiện nay cũng vậy".
Các cuộc  đấu khẩu như thế này đã diễn ra nhiều lần, đặc biệt  kể từ khi Tổng thống Poroshenko lên nắm quyền năm ngoái.
Người ta có cảm giác rằng các cường quốc lớn và các nhà tài trợ  như Nga, Đức, Pháp và Mỹ đang ngày càng cảm thấy mệt mỏi với cuộc xung đột ở Ukraine. Rất có thể, các nước này đã đồng ý với nhau rằng cuộc xung đột Ukraine cần được "đóng băng" vào thời điểm này.
Có còn giấc mơ Novorossiya?
Chiến tranh ở miền đông Ukraine đang leo lên đến đến mức chưa từng có kể từ khi thông qua thỏa thuận ngừng bắn gọi là Thỏa thuận Minsk-II. Giao tranh ác liệt nổ ra ở xung quanh thị trấn Maryinka do quân chính phủ kiểm soát và gần “thủ đô nổi loạn” Donetsk. Các nhà quan sát quốc tế trên thực địa báo cáo rằng cả hai bên đều đưa vũ khí hạng nặng của họ trở lại tiền tuyến - bất chấp các điều khoản ngừng bắn của Thỏa thuận Minsk-II.
Phóng viên thường trú Sergei Strokan của nhật báo Kommersant (Nga) nhận xét: "Áp lực nối lại chiến tranh đang đến từ Kiev và các nước cộng hòa nổi loạn Donetsk, Lugansk, chứ không phải đến từ bên ngoài. Cả hai bên đều phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của bên ngoài. Cả hai cảm thấy các nhà tài trợ đang thúc đẩy họ đi theo con đường mà họ chẳng muốn đi. Một con bài mà hai bên có thể chơi là tăng cường giao tranh để thu hút trở lại sự chú ý của thế giới và tiếp tục gây chia rẽ mối quan hệ giữa Nga và phương Tây”.
Quân nổi dậy cảm thấy rằng điện Kremlin dường như đã từ bỏ hỗ trợ việc thành lập Novorossiya, một nhà nước bao gồm miền nam và miền đông Ukraine nói tiếng Nga.
Cụm từ  "Novorossiya" đã không còn nằm trong kho từ vựng của các quan chức hàng đầu ở Nga. Moscow coi  ý tưởng thành lập Nhà nước Novorossiya là một sự vi phạm các Thỏa thuận Minsk, trong đó dự kiến các cuộc đàm phán giữa phe  ly khai và Kiev để khôi phục lại một nhà nước Ukraine toàn vẹn lãnh thổ.
Nhà báo Strokan nói: "Những người nổi dậy biết rằng Điện Kremlin không thể bỏ rơi họ, nếu chiến tranh toàn diện tái bùng phát. Thay vì là một cuộc xung đột ‘đóng băng’ và bị thế giới lãng quên, tình hình miền đông Ukraine sẽ đột nhiên lại trở nên nóng bỏng và cấp bách. Công chúng Nga sẽ không chấp nhận việc bán đứng quân nổi dậy. Vì vậy, tất cả mọi thứ - kể cả  Novorossiya - đều có thể trở lại với chương trình nghị sự”.
Đánh lạc hướng khỏi vấn nạn tham nhũng và cải cách
Đối với Kiev, chiến tranh mang lại một cái cớ tuyệt vời để bao biện cho sự sụp đổ kinh tế Ukraine và cải cách yếu kém. Các cuộc thăm dò cho thấy sự giảm sút niềm tin vào các chính trị gia hàng đầu: gần 60% người Ukraine được hỏi không hài lòng với “thành tích cầm quyền” của Tổng thống Poroshenko.
Uy tín của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk thậm chí còn thấp một cách tệ hại trong các cuộc thăm dò dư luận, với gần 70% không hài lòng với ông này. Chuyên gia quốc tế Anton Grushetsky của Viện Xã hội học Kiev nói: "Yatsenyuk đã mất uy tín nhiều hơn so với Poroshenko, vì dân chúng gắn liền ông ta với  khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, lương thấp và chi phí sinh hoạt tăng vọt”.
Các chuyên gia nói rằng một cuộc chiến tranh hạn chế  ở miền đông Ukraine cũng có thể dập tắt những lời chỉ trích ngày càng tăng ở trong nước, kết liễu mọi cuộc thảo luận ở Châu Âu về cắt giảm các biện pháp trừng phạt Nga và có lẽ củng cố thêm quyết tâm của phương Tây trong việc  hỗ trợ tài chính và thậm chí cả quân sự cho Ukraine.
Nhà phân tích Vadim Karasyov, giám đốc Viện Chiến lược toàn cầu ở Kiev, cho biết:  "(Tổng thống) Poroshenko có mọi lý do để chuyển hướng sự chú ý khỏi các tranh cãi khỏi cải cách kinh tế và đấu tranh chống tham nhũng. Chừng nào ông ta được xem như người ‘đứng mũi chịu sào’ chống lại cuộc  xâm lăng của Nga ở phía đông, Poroshenko có thể né tránh được rất nhiều lời chỉ trích về những thứ khác”.
Minh Châu (Theo Christian Science Monitor)

Bình luận(0)