Ả-rập Xê-út đánh Qatar sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao?

Google News

(Kiến Thức) - Theo giám đốc viện nghiên cứu các vấn đề Vùng Vịnh, Ả-rập Xê-út cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar để chuẩn bị xâm lược quốc gia láng giềng này.

Sputnik dẫn lời giáo sư Ali al-Ahmed, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề vùng Vịnh, cho biết quyết định cắt đứt toàn bộ mối quan hệ ngoại giao với Qatar của Ả-rập Xê-út có thể là bước chuẩn bị cho hành động xâm lược quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có này.
“Tôi cho rằng Ả-rập Xê-út đang chuẩn bị xâm lược Qatar. Tôi đã nhận được báo cáo về những động thái của quân đội Ả-rập Xê-út gần biên giới với Qatar”, giáo sư al-Ahmed nhận định ngày 5/6.
A-rap Xe-ut danh Qatar sau khi cat dut quan he ngoai giao?
 Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abdulaziz (trung tâm) tiếp đón Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani tại thủ đô Riyadh, Ả-rập Xê-út, ngày 10/11/2015. Ảnh: Reuters.
Cũng theo giáo sư al-Ahmed, một cuộc xâm lược Qatar trên quy mô toàn diện có thể diễn ra sớm hơn nhiều so với dự đoán.
“Hãy kiểm tra tần suất các vụ ném bom ở Yemen. Liệu số vụ không kích của Ả-rập Xê-út nhằm vào quân nổi dậy ở Yemen có dừng lại hay giảm thiểu đáng kể? Điều đó có thể là dấu hiệu cho thấy Ả-rập Xê-út đang tập trung lực lượng cho một cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Qatar”, al-Ahmed nói thêm.
Theo al-Ahmed, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đều bí mật ủng hộ cuộc xâm lược Qatar của Ả-rập Xê-út.
“Tôi tin rằng Tổng thống Trump đã nói với Ả-rập Xê-út rằng ông ấy sẽ không phản đối”, giáo sư al-Amed cho hay.
Nếu Ả-rập Xê-út xâm lược Qatar, Riyadh cũng sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và đặc biệt là Vương quốc Bahrain.
“Ả-rập Xê-út rất tức giận với Qatar. Bahrain cũng không ưa gì quốc gia này”, ông nhấn mạnh.
Giáo sư al-Ahmed nhận định, Ả-rập Xê-út có hai mục đích: Thứ nhất, buộc Qatar rơi vào tình thế phụ thuộc. Thứ hai, Ả-rập-Xê-út đang nhòm ngó nguồn dự trữ tiền mặt khổng lồ của Qatar và họ muốn có số tiền ấy.
“Ả-rập Xê-út là một quốc gia được hình thành từ những cuộc chiến và cướp bóc. Và giờ đây, họ đang rất cần tiền”, ông al-Ahmed nói.
Giáo sư al-Ahmed phân tích thêm, Tổng thống Donald Trump nói rõ ràng với Ả-rập Xê-út rằng Washington hy vọng Riyadh sẽ trả khoản tiền lớn, bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp, cho Mỹ. Chính điều này càng làm gia tăng gánh nặng về tài chính lên Riyadh.
Cuối cùng, vị giáo sư kết luận, Ả-rập Xê-út vẫn xác định để một người hoàn toàn phục nước này làm lãnh đạo Qatar.
Thiên An (Theo Sputnik)

>> xem thêm

Bình luận(0)