5 sự kiện trong chính sách ngoại giao Mỹ tại châu Á

Google News

(Kiến Thức) - Tạp chí The Diplomat đã đăng tải bài bình luận liệt kê 5 sự kiện chính làm ảnh hưởng tới vị thế của nước Mỹ ở châu Á.

Bài viết đăng trên The Diplomat được viết bởi Tiến sĩ Robert E. Kelly, Giáo sư danh dự ngành Quan hệ Quốc tế thuộc trường Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc. Ông đã nêu 5 thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách ngoại giao của Washington ở châu Á.
1. Cuộc chiến không mong đợi chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS)
Những mục tiêu mà Mỹ đặt ra trong chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương làm nhiều lãnh đạo thế giới cũng như cộng đồng các chuyên gia quốc tế không khỏi hoài nghi.
5 su kien trong chinh sach ngoai giao My tai chau A 2014
Các chiến binh thánh chiến IS diễu phố.
Tuy nhiên, trong năm qua, sự hoành hành của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở dải đất rộng lớn dọc biên giới Syria và Iraq đã gây nên nhiều mối nguy cho các nước trong khu vực Trung Đông nói chung và thế giới nói riêng. Trước những quan ngại sâu sắc đó, Mỹ đã vận động các nước tham gia liên minh quốc tế chống lại IS thông qua những cuộc không kích dữ dội vào hang ổ nhóm Hồi giáo dòng Sunni này.
Tác giả Robert E. Kelly nghi ngại, Mỹ sẽ khó lòng “xoay trục” sang khu vực khác. Điều này một phần sẽ khiến chính quyền Washington giảm sự tập trung của họ đối với việc theo đuổi chính sách xoay trục châu Á-Thái Bình Dương mà đương kim Tổng thống Obama khởi xướng thời gian qua.
2. Những nỗ lực ngăn chặn lại sự quyết đoán ngày càng lớn của Trung Quốc
Các cuộc tranh luận về hành vi của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh hải có phải là hiếu chiến hay không đã thu hút nhiều chuyên gia phân tích. Trong số đó, một vài vị lưu ý rằng, các tuyên bố ngang ngược của Bắc Kinh về chủ quyền của họ đối với các vùng tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông vốn không còn là điều mới mẻ. Tuy nhiên, sự hung hăng và quyết đoán của Bắc Kinh mới là điều cần đáng lưu tâm.
5 su kien trong chinh sach ngoai giao My tai chau A 2014-Hinh-2
Ảnh minh họa.
Do vậy, nếu Mỹ xoay trục sang châu Á, nhiều quốc gia Đông Nam Á mong đợi về một giải pháp hiệu quả hơn trước cách thức “chết bởi hàng ngàn vết cắt nhỏ” mà Trung Quốc thường vận dụng trong cuộc tranh chấp kéo dài nhiều năm qua trên Biển Đông.
3. Mỹ-Hàn Quốc dùng dằng việc chuyển giao quyền tổng chỉ huy thời chiến (OPCON)
Theo đó, chính quyền Seoul đã trao cho Washington quyền chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Phối hợp hồi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Sau đó, năm 1994, Seoul đã đòi lại quyền chỉ huy lực lượng thời bình. Sau các lần trì hoãn, Mỹ và Hàn Quốc đi đến nhất trí rằng, quốc gia châu Á này sẽ nhận lại quyền chỉ huy thời chiến vào năm 2020.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Seoul sở dĩ “dùng dằng” trong việc nhận lại quyền chỉ huy này bởi vì việc Mỹ nắm OPCON sẽ là một lợi thế không nhỏ giúp Seoul trong cuộc đối đấu với các mối nguy từ Triều Tiên.
4. Các cuộc cãi vã của hai đồng minh thân cận Mỹ ở châu Á
Những cuộc đấu khẩu liên tục giữa hai đồng minh châu Á thân cận của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm qua cũng làm cho “bộ ba quyền lực Mỹ-Nhật-Hàn” mất đi sự đoàn kết.
Điều đó vô hình chung đã khiến cho Mỹ gặp khó khăn trong việc đối phó với những thách thức ở châu Á, nổi lên là hai đại diện Triều Tiên và Trung Quốc.
5. Báo cáo nhân quyền về Triều Tiên
Bản báo cáo gây tranh cãi về tình hình nhân quyền ở Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) dường như gây nên áp lực vô hình lên vai Trung Quốc.
5 su kien trong chinh sach ngoai giao My tai chau A 2014-Hinh-3
Nhóm đàn ông Triều Tiên đang uống bia trong một chuyến nghỉ ngơi.
Theo lẽ, bản báo cáo đó là do LHQ phê chuẩn. Vì thế, nó sẽ mang tính chất trung lập. Trung Quốc sẽ phải đắn đo có nên ủng hộ báo cáo nhân quyền đó hay không hay vẫn sẽ dùng quyền phủ quyết của họ đối với báo cáo này để giữ mối quan hệ với Triều Tiên.
Tuy nhiên, điều đó sẽ đặt Bắc Kinh vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi mà quốc gia này đang tìm cách xây dựng uy tín trên trường quốc tế. Trung Quốc một khi ủng hộ báo cáo đó sẽ là đòn giáng mạnh khiến Triều Tiên phải suy nghĩ tới việc thay đổi chính sách của họ. Hệ thống nhà nước Bình Nhưỡng sẽ khó lòng xoay sở được nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài và Trung Quốc từ lâu vốn đã được coi là quốc gia bảo trợ của Triều Tiên.
Thanh Nga (theo DP)

Bình luận(0)