Trung Quốc ngang ngược đòi chủ quyền Trường Sa

Google News

(Kiến Thức) - Ở Brunei, Ngoại trưởng Vương Nghị cam kết thúc đẩy xây dựng Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhưng ở nhà, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trắng trợn tuyên bố "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với các nhóm đảo ở Biển Đông.

 Các Ngoại trưởng ASEAN và 3 Ngoại trưởng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 lần thứ 14 (APT)

Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong một buổi họp báo tại Bắc Kinh ngày 1/7 ngang ngược tuyên bố, Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” với quần đảo Trường Sa của Việt Nam và các đảo lân cận trên Biển Đông. Đồng thời, bà này còn ngang nhiên nói Bắc Kinh quyết “bảo vệ chủ quyền” khu vực này.

"Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền của mình đối với các vùng lãnh thổ đó và duy trì ổn định trong khu vực quần đảo Trường Sa", phát ngôn viên Trung Quốc ngang ngược khẳng định.

Tuyên bố của bà Hoa Xuân Oánh nhằm đáp trả cáo buộc của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trước đó một ngày rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với hòa bình trong khu vực.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, tại hội nghị với các Ngoại trưởng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Brunei hôm 30/6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại cam kết sẵn sàng hợp tác cùng ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) từ Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC) trước đó.

“Nhiệm vụ phát triển COC là một phần của DOC. Đây là tiến trình dần dần và liên tục. COC và DOC không thể bị tách rời. Không thể có COC mà không có DOC”, ông Vương nhấn mạnh đồng thời quả quyết, những năm qua Trung Quốc đã tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc mà họ cam kết trong DOC.

Ngoài ra, Bộ trưởng Vương còn hứa hẹn với các đồng nhiệm Đông Nam Á để tổ chức các cuộc tham vấn chính thức về COC tại Trung Quốc vào tháng 9 tới trong Hội nghị các quan chức cấp cao lần thứ 6 về việc thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Từ những tuyên bố “tiền hậu bất nhất” nói của Trung Quốc có thể thấy rằng, có vẻ như về đối ngoại, một mặt Bắc Kinh đang cố tình xoa dịu các láng giềng Đông Nam Á bằng những lời lẽ đường mật, đầy hứa hẹn về triển vọng giải quyết tranh chấp biển đảo hòa bình trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông không ngừng leo thang. Tuy nhiên, mặt khác, về đối nội, Bắc Kinh muốn chứng tỏ với người dân, họ vẫn cương quyết theo đuổi lập trường không thay đổi trong các vấn đề Biển Đông.   

Sự bất nhất trong tuyên bố và hành động của Trung Quốc đồng thời sẽ dẫn đến quan ngại Bắc Kinh sẽ cố tình trì hoãn tiến trình xây dựng COC và do đó, tương lai của COC vẫn còn rất xa vời như các học giả quốc tế nhận định trước đó.

Bi quan về việc ký kết Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, chuyên gia Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông nhấn mạnh: “Các cuộc thảo luận về COC chỉ là công tác tuyên truyền để hiển thị hoạt động ngoại giao và mối quan tâm đến an ninh ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Còn trên thực tế thì tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đang biến thành sự kiểm soát thực tế ở các vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh coi là của mình. Các tàu tuần tra Trung Quốc tấn công các tàu thuyền đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc gửi quân vào khu vực bãi ngầm Scarborough tranh chấp với Philippines để ngăn chặn các tàu đánh cá Philippines. Trung Quốc đang xây dựng những thị trấn mới trên các đảo tranh chấp và thu hút công ty nước ngoài thăm dò trữ lượng dầu khí ở vùng biển tranh chấp”. Theo ông, những sự kiện trên phù hợp với logic mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc.

Đồng tình với quan điểm của ông Mosyakov, chuyên gia Evgeny Kanaev của Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện IMEMO bình luận, các cuộc tranh luận về COC chỉ là những tuyên bố chính trị khi Bắc Kinh nhận rõ “việc thảo ra bộ luật có giá trị ràng buộc (COC) bao gồm cơ chế giải quyết các cuộc xung đột không phục vụ lợi ích của Trung Quốc”.

TIN LIÊN QUAN




Bạch Dương (Tổng hợp)

Bình luận(0)