Vì sao Kyrgyzstan “đuổi” Mỹ khỏi sân bay Manas?

Google News

(Kiến Thức) – Quốc hội Kyrgyzstan đã quyết định hủy thỏa thuận cho Mỹ thuê căn cứ không quân Manas và có người cho rằng một phần do người Nga "xúi bẩy".
 

 Trung tâm trung chuyển Manas của Mỹ ở Kyrgyzstan.

Ngày 20/6, với 91 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Quốc hội Kyrgyzstan đã bỏ phiếu hủy thỏa thuận cho Mỹ thuê  căn cứ không quân Manas gần thủ đô Biskek.

Như vậy, thỏa thuận về căn cứ không quân Mỹ, có tên chính thức là Trung tâm trung chuyển Manas sẽ hết hiệu lực kể  từ ngày 11/7/2014. Quyết định của Quốc hội Kyrgyzstan có hiệu lực sau khi Tổng thống Almazbek Atambayev ký ban hành.

Trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Tiếng nói nước Nga, khi đề cập vấn đề liên quan đến sự tồn tại của căn cứ quân sự Mỹ tại Kyrgyzstan hiện nay, Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambaev tuyên bố sau tháng 6/2014, tại sân bay Manas sẽ không còn bất kỳ bóng dáng một quân nhân nước ngoài nào nữa. Tổng thống Atambayev nói rằng việc cho Mỹ thuê căn cứ Manas có thể khiến Kyrgyzstan đối mặt với nguy cơ bị tấn công bởi các kẻ thù của Mỹ như các phần tử cực đoan Hồi giáo.

Quyết định đóng cửa căn cứ quân sự Manas và di dời căn cứ khỏi sân bay dân sự Manas, là để đảm bảo an ninh cho thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, cũng như đảm bảo an ninh cho người dân nước này.

Vai trò quan trọng

Con đường bộ trung chuyển thông thường tới Afghanistan qua Pakistan liên tiếp bị Taliban tấn công. Do đó, Mỹ-NATO rất muốn có một con đường qua Nga và các quốc gia Trung Á.

Trước khi có Trung tâm trung chuyển Manas, Mỹ và NATO phải vận chuyển toàn bộ binh sĩ, vũ khí và hàng hóa tiếp tế qua ngả Pakistan. Nhưng với sự hoạt động ngày mạnh mẽ của Taliban Pakistan, các tuyến vận chuyển trên bộ ngày càng trở nên nguy hiểm. Nhiều chuyến hàng chở quân lương nhiên liệu tiếp tế cho các lực lượng NATO bị đốt cháy, cướp phá.

Không những thế các tuyến tiếp viện của NATO tới Afghanistan qua Pakistan lại bị đóng cửa từ tháng 11/2011, sau khi cuộc không kích qua biên giới của NATO làm 24 binh sỹ Pakistan thiệt mạng. Pakistan và Mỹ đã thương lượng về một thoả thuận mới để mở lại các tuyến tiếp viện trên bộ. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng bế tắc do yêu cầu của Pakistan đòi Mỹ xin lỗi về vụ không kích nói trên chưa được đáp ứng.

Trung tâm trung chuyển của Mỹ bắt đầu hoạt động tại sân bay Manas ở ngoại ô Biskek từ tháng 12/2001 với mục đích hỗ trợ chiến dịch "Tự do bền vững" của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan. Trung tâm trung chuyển Manas, được Washington sử dụng để vận chuyển khoảng 1/3 hàng hóa, trang thiết bị cho lực lượng liên quân ra vào Afghanistan bằng đường hàng không.

Trung tâm trung chuyển Manas được dùng để chuyên chở các binh sĩ Mỹ tới Afghanistan và tiếp nhiên liệu cho các máy bay quân sự. Đây là căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ tại Trung Á. Khoảng 15.000 binh sỹ và 500 tấn hàng vào ra vào căn cứ không quân Manas mỗi tháng.

Hiện tại, tất cả các binh sỹ Mỹ di chuyển ra hoặc vào Afghanistan đều qua căn cứ Manas. Dự kiến một khối lượng lớn binh sĩ sẽ quá cảnh tại căn cứ này khi liên quân do NATO đứng đầu rút quân ra khỏi Afghanistan, chấm dứt sứ mệnh tại nước này vào năm 2014.

Số phận “bấp bênh”

Sân bay quân sự Manas ở Kyrgyzstan được Mỹ bắt đầu sử dụng từ năm 2001 phục vụ cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan.

Chính quyền Kyrgyzstan đã nhiều lần hứa hẹn sẽ đóng cửa Trung tâm trung chuyển Manas, vốn  vận chuyển hóa quân sự và binh lính Mỹ ra vào Afghanistan. Tổng thống Kyrgyzstan, Almazbek Atambaev, không ít lần khẳng định số phận của Manas đã được quyết định và nó chỉ còn hoạt động những ngày cuối cùng.

Hiện thời, Mỹ trả cho phía Kyrgyzstan tiền thuê căn cứ này là 60 triệu USD/năm. Ngoài ra, Mỹ còn cấp các khoản tiền khác nhau (từ 10 đến 40 triệu USD) cho các dự án sửa chữa và nâng cấp sân bay quân sự này, cho đấu tranh chống khủng bố và buôn bán ma túy hay hỗ trợ các nhà doanh nghiệp sở tại.

Nếu xét đến tham vọng địa-chính trị ở khu vực của ba cường quốc là Nga, Mỹ và Trung Quốc thì việc "mặc cả" bằng các khoản tài chính hàng chục triệu USD là hoàn toàn có thực. Vai trò của Nga trong thương vụ này chính là lời hứa sẽ kết nạp Kyrgyzstan vào Liên minh hải quan (giữa Nga, Kyrgyzstan và Belarus) trong thời gian tới.

Nga bị coi là “kẻ xúi bẩy” trong quyết định “đuổi” Mỹ ra khỏi một căn cứ không quân Manas của Kyrgyzstan. Tuy mở cửa không phận cho máy bay vận tải Mỹ và NATO, nhưng Nga không muốn có một căn cứ quân sự Mỹ cạnh tranh ảnh hưởng với căn cứ quân sự Nga ở Kyrgyzstan, sau khi Mỹ buộc phải rút quân khỏi Afghanistan sau năm 2014.

Hậu quả nặng nề   

Quá phức tạp tốn kém để mang về nước và quá nguy hiểm nếu để lại, quân đội Mỹ đã quyết định tiêu hủy lô vũ khí và các thiết bị quân sự từng mang tới Afghanistan phục vụ chiến tranh có tổng giá trị 7 tỉ USD.

 Khoảng 15.000 binh sỹ và 500 tấn hàng vào ra vào căn cứ không quân Manas mỗi tháng.

Tờ Washington Post ngày 20/6 cho biết quân đội Mỹ sẽ không đem về nước khoảng 20% số vũ khí, trang bị từng được đưa đến Afghanistan vì quá tốn kém, nếu vận chuyển bằng cầu hàng không. Phần gây tranh cãi nhất là việc xử lý loại xe bọc thép chống bom mìn (MRAF) có giá khoảng 1 triệu USD mỗi chiếc.

Quân đội Mỹ đã sử dụng 2.000 trong số 11.000 chiếc MRAF được đưa đến Afghanistan. Khoảng 9.000 chiếc MRAF còn lại có nguy cơ sẽ bị tiêu hủy.

Các nhà phân tích ước tính rằng tổng chi phí rút khỏi Afghanistan của Mỹ sẽ vào khoảng 10 tỷ USD, trong khi một nghiên cứu của Đại học Harvard cho biết nói rằng các cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan đã khiến Mỹ tiêu tốn từ 4 đến 6 nghìn tỷ USD.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Lê Chân (tổng hợp)

Bình luận(0)