Trung Quốc “xáo trộn bàn cờ hạt nhân-vũ trụ” thế giới

Google News

(Kiến Thức) - Về sức mạnh hạt nhân và vũ trụ Trung Quốc, Le Monde Diplomatique đăng bài “Những tham vọng của Bắc Kinh làm xáo trộn bàn cờ hạt nhân và vũ trụ”.

 Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc.

Theo Le Monde Diplomatique, bằng cách phát triển song song hạt nhân và khoa học vũ trụ, quân đội Trung Quốc không ngừng nâng cao tầm ảnh hưởng và tính hiệu quả đến mức có thể làm đảo lộn tương quan lực lượng hạt nhân thế giới.

Một nhà khoa học tương đương 3-5 sư đoàn

Trước tiên tờ báo nhắc đến Tiền Ngọc Sâm, người được xem là cha đẻ của ngành hạt nhân và vũ trụ của Trung Quốc. Tiền Ngọc Sâm trước đây từng làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Đến năm 1950, ông Tiền bị quản thúc tại gia. Sau đó, năm 1955, ông bị Mỹ trục xuất về Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Mao Trạch Đông không bỏ qua cơ hội vàng nên đã lập tức trọng dụng Tiền Ngọc Sâm.

Tài năng của Tiền Ngọc Sâm đến cỡ nào? Câu trả lời trước tiên có thể được tìm thấy thông qua lời nhận định sau đây của một quan chức Hải quân Mỹ khi ông Tiền bị trục xuất về Trung Quốc: “Một mình Tiền Ngọc Sâm có thể tương đương từ 3 đến 5 sư đoàn”.

Tài năng đó cũng được thể hiện trong việc ông Tiền là người kiến tạo ngành hạt nhân và vũ trụ của Trung Quốc, với việc Trung Quốc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964, phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong 2 (DF-2) vào năm 1966, phóng thành công vệ tinh đầu tiên tên là Đông Phương Hồng lên quỹ đạo vào năm 1970. Đến năm 2003, với sự kiện phóng tàu Thần Châu lên vũ trụ, Trung Quốc đã chính thức trở thành nước thứ ba phóng thành công tàu vũ trụ có người lái…

Mục tiêu vũ trụ sắp tới của Trung Quốc khá tham vọng. Le Monde Diplomatique cho biết Trung Quốc đang xây dựng trạm không gian vũ trụ quốc tế “Made in China” và sẽ khánh thành vào năm 2020. Nước này cũng đang phát triển một loại tên lửa đẩy 130 tấn và đặt mục tiêu chinh phục Mặt Trăng vào năm 2025, phóng tàu có người lái lên sau Hỏa vào năm 2030. Các bước tiến vào vũ trụ của Trung Quốc gây quan ngại nhiều cho người Mỹ. Một học giả của Mỹ đã phải thốt lên: “Cuộc chiến sắp tới với Trung Quốc sẽ là cuộc chiến giành quyền kiểm soát không gian bên ngoài bầu khí quyển”.

Kho vũ khí hạt nhân khổng lồ

Trung Quốc hiện là nước duy nhất trong năm nước thường trực Hội đồng Bảo an (Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc) không công khai số lượng vũ khí hạt nhân đang sở hữu.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), vào năm 2009, Trung Quốc có tổng số 186 đầu đạn hạt nhân chiến lược, trong khi đó theo một tổ chức quốc tế khác thì con số này là 240. Thế nhưng, theo một nghiên cứu của trường đại học Georgestown vào năm 2011, Trung Quốc có tổng cộng đến 3.000 đầu đạn hạt nhân các loại. Số đầu đạt hạt nhân của Mỹ tổng cộng khoảng 5.000, trong đó 1.700 là đầu đạn chiến lược. Nghiên cứu nói trên cũng tiết lộ rằng, Trung Quốc đang có một đường hầm dài đến 5.000 km. “Vạn lý trường thành ngầm” này có thể được dùng cho việc vận chuyển và tàng trữ vũ khí hạt nhân và các đơn vị đặc nhiệm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phát triển thêm các đầu đạn hạt nhân mới và nhỏ hơn để lắp đặt trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu thể rắn thế hệ mới như DF-31A với tầm bắn 11.000 km…Trong năm 2011, Trung Quốc phóng 19 vệ tinh lên quỹ đạo, trong đó có 18 vệ tinh phục vụ cho mục đích quốc phòng.

Tham vọng hạt nhân của Trung Quốc có nguy cơ làm đảo lộn thế cân bằng chiến lược giữa 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an có vũ khí hạt nhân. Nước Anh tuyên bố sẽ chỉ sở hữu 160 đầu đạn hạt nhân chiến lược. Đối với Pháp, từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, nước này đã giảm phân nửa số đầu đạn hạt nhân và chỉ trong vòng 20 năm đã giảm phân nửa ngân sách dành cho phát triển sức mạnh răn đe hạt nhân. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã tuyên bố từ nay đến năm 2010 sẽ giảm từ 1.700 đầu đạn hạt nhân chiến lược xuống còn dưới 1.000.

Trong bối cảnh đó, Le Monde Diplomatique lo ngại nguy cơ Mỹ và Trung Quốc sẽ lao vào chạy đua vũ trang như trường hợp Mỹ và Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh trước kia. Nguy cơ đó càng tăng lên, khi một số nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Bắc Á cũng không loại trừ việc sở hữu vũ khí hạt nhân.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình (theo Le Monde Diplomatique)

Bình luận(0)