Trung Quốc theo đuổi “chủ nghĩa xét lại“?

Google News

(Kiến Thức) - Ở thế kỷ trước, Trung Quốc tuyên bố “trỗi dậy hòa bình”. Hiện thời, Bắc Kinh dường như theo đuổi “chủ nghĩa xét lại” để giành lấy “lợi ích cốt lõi”.

 Trung Quốc đang tìm kiếm các đòn bẩy mới để độc chiếm Senkaku/Điếu Ngư.

Tuy tranh chấp với nhiều láng giềng về chủ quyền lãnh thổ, nhưng đối thủ mà Trung Quốc quan ngại nhất chính là Nhật Bản. Các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa ở Bắc Kinh đang tìm các “đòn bẩy” trong tranh chấp với Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Để có được những đòn bẩy cần thiết, mới đây, Trung Quốc lại tung ra một câu chuyện không mới: "làm rùm beng" về những tấm bản đồ thiếu tính xác thực cộng với những ghi chép lịch sử mơ hồ, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của Nhật Bản về quyền quản lý chuỗi đảo trên Biển Hoa Đông. Động thái trên cho thấy Trung Quốc đang từ bỏ “câu thần chú” của thập kỷ cũ về “sự trỗi dậy hòa bình” để áp đặt “chủ nghĩa xét lại” đối với các quốc gia láng giềng.

Và Bắc Kinh không ngần ngại nhắm thẳng mục tiêu vào đối thủ thực sự của họ: Nhật Bản. Bắt đầu kể từ tháng này, Bắc Kinh mở một mặt trận mới để tiếp tục theo đuổi tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản. Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc “bắn phát súng” đầu tiên bằng bài xã luận kêu gọi xét lại tính pháp lý của đảo Okinawa, nơi có 1,4 triệu công dân Nhật Bản sinh sống và 25.000 lính Mỹ đồn trú.

 Căn cứ không quân Futema của Mỹ trên đảo Okinawa.

Tác giả bài xã luận đăng trên Nhân dân Nhật báo là hai học giả, được Bắc Kinh hậu thuẫn, tuyên bố khảo sát của họ về lịch sử của quần đảo Ryukyu, trong đó có đảo Okinawa và nhanh chóng đi đến kết luận rằng quyền quản lý của Nhật Bản đối với quần đảo Ryukyu là “vấn đề chưa được giải quyết”.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên phe chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc "reo rắc" những nghi ngờ liên quan đến Okinawa. Nhưng đây là lần đầu tiên, "những thắc mắc" liên quan đến quyền quản lý của Nhật Bản đối với hòn đảo này bị đẩy lên mức độ cao bất thường.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được yêu cầu bình luận về quan điểm của bài viết trên Nhân dân Nhật báo, khôn khéo tránh thừa nhận quần đảo Ryukyus là lãnh thổ của Nhật Bản. Thay vào đó, bộ này khẳng định quần đảo Điếu Senkaku/Điếu Ngư là phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và không liên quan đến quần đảo Ryukyu.

Trong khi đó, Nhật Bản tuyên bố Senkaku là một phần của quần đảo Ryukyu.

Ý đồ của Trung Quốc đã rõ, bằng cách đòi xét lại chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Ryukyu, Bắc Kinh muốn làm suy yếu các tuyên bố của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, dọn đường độc chiếm quần đảo không người ở do Nhật Bản quản lý này.

Báo Trung Quốc hung hăng uy hiếp, tùy thuộc vào thái độ của Tokyo, Bắc Kinh sẽ xét đến việc có đặt ra các nguy cơ đối với tính toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản hay không.

Hầu hết dân cư ở quần đảo Ryukyu là người bản địa và có mối quan hệ phức tạp đối với chính phủ ở Tokyo. Một số người vẫn không quên những nỗi đau lịch sử, chẳng hạn như những gì mà quần đảo Ryukyu phải gánh chịu trong chiến tranh Thái Bình Dương.

Đặc biệt, ngày nay không ít cư dân Okinawa cảm thấy bất mãn vì phải mang trên vai gánh nặng phòng thủ Nhật Bản. Hàng loạt các căn cứ quân sự Mỹ đóng tại Okinawa tác động tiêu cực đến cuộc sống thường nhật của cư dân hòn đảo. Washington và Tokyo từ lâu có thảo luận về kế hoạch di dời các căn cứ quân sự nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện.

Trong các cuộc thăm dò, đa số người dân Okinawa tự nhận mình là người Nhật Bản. Hơn nữa, thiểu số đòi ly khai lại luôn luôn thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương.

Các kết quả thăm dò dư luận và bầu cử  khiến người Trung Quốc thất vọng, khi họ đang cố tình lợi dụng vấn đề Ryukyu để mở rộng tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đặt ra thách thức mới cho Tokyo và liên minh Mỹ-Nhật.

Kể từ tuần trước, những tuyên bố phản đối chính thức đã bắt đầu được "ném qua ném lại" giữa Bắc Kinh và Tokyo. Chính phủ Nhật Bản rõ ràng có quyền phẫn nộ với “những lời rèm pha” đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ở Tokyo cần nhận ra rằng kích động phản ứng giận dữ của phía Nhật Bản chính là mục tiêu của các nhóm diều hâu ở Trung Quốc. Tờ Hoàn cầu Thời báo đã đăng bài chế giễu Nhật Bản thiếu tự tin khi vội vàng phản đối các kêu gọi xem lại các vấn đề lịch sử đối với Okinawa.

Trong khi đó, phải đối mặt với các phong trào ly khai trong nước cũng như lún sâu vào một loạt tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng khác từ Ấn Độ cho tới Đông Nam Á, Trung Quốc sẽ “mất nhiều hơn được” nếu cố tình theo đuổi “chủ nghĩa xét lại”, khuyến khích ly khai.

Bắc Kinh thừa hiểu rằng “xét lại” chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Ryukyu cũng sẽ khuyến khích các phong trào ly khai ở Trung Quốc đại lục cũng như làm sâu sắc và trầm trọng thêm những quan ngại từ các quốc gia láng giềng. Việc gợi lại, thậm chí nhấn mạnh quan hệ triều cống giữa Vương triều Ryukyu với Trung Quốc trong lịch sử là đặc biệt nhạy cảm, dễ gây bất hòa khi nhiều quốc gia châu Á khác cũng từng có quan hệ tương  tự như vậy với “thiên triều” trong quá khứ.

Với không ít cư dân mạng Trung Quốc phản đối quan điểm đòi xét lại quan hệ pháp lý của quần đảo Ryukyu được Nhân dân Nhật Báo khơi mào, Nhật Bản nên bình tĩnh để tránh rơi vào cái bẫy mà Bắc Kinh đang giăng sẵn, thông qua các cuộc tranh cãi về Okinawa để tạo đòn bẩy trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU



Bạch Dương

Bình luận(0)