Báo Trung Quốc chế giễu Nhật Bản “thiếu tự tin“

Google News

(Kiến Thức) -  Hoàn cầu Thời báo  chê Nhật Bản thiếu tự tin, khi vội vã phản đối một bài xã luận chỉ mới kêu gọi xem lại các vấn đề lịch sử đối với đảo Okinawa.

 Căn cứ không quân Mỹ Futenma ở đảo Okinawa của Nhật Bản.

Nhân dân Nhật báo mới chỉ có bài kêu gọi xem lại các vấn đề lịch sử chưa được giải quyết đối với quần đảo Ryukyu mà Nhật đang nắm quyền kiểm soát trong khi Bắc Kinh cũng chưa hề lên tiếng ủng hộ hoặc xác nhận tuyên bố chủ quyền với quần đảo này, song Nhật đã “cầm đèn chạy trước ô tô” quyết liệt phản đối.

Theo Hoàn cầu Thời báo, điều đó phản ánh sự thiếu tự tin của Nhật về vấn đề chủ quyền quần đảo Ryukyu với đảo lớn nhất là Okinawa, nơi có nhiều căn cứ quân sự lớn của Mỹ.

Hoàn cầu Thời báo nhấn mạnh, bài xã luận của Nhân dân Nhật báo đã khuấy động phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt và rộng rãi của Nhật Bản. Trong đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố “Tokyo phải lên tiếng khẳng định vị thế trước thế giới” bằng cách phủ nhận và phản đối “các tuyên bố không phù hợp” của Trung Quốc. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ ủng hộ chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Ryukyu cũng như đảo lớn Okinawa.

Theo báo Trung Quốc, năm 1971, Mỹ đã đơn phương chuyển giao quyền kiểm soát Ryukyu cho Nhật Bản. Gọi đây là “hành động bất hợp pháp”, báo này nhấn mạnh luôn có một cơ sở pháp lý để phản đối vấn đề trên.

Quần đảo Ryukyu, Hoàn cầu Thời báo thừa nhận, khác với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, không phải là phần lãnh thổ lịch sử của Trung Quốc. Nó từng là một vương quốc độc lập nhưng chấp nhận là chư hầu của các triều đại phong kiến trong lịch sử Trung Quốc. Việc nói Bắc Kinh muốn “tuyên bố chủ quyền” đối với quần đảo Ryukyu là không đúng. Bắc Kinh không có ý định đó nhưng có thể phủ nhận quan hệ pháp lý hiện nay tại đây.

Nếu cuối cùng Nhật Bản chọn chống lại Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo cảnh báo, Bắc Kinh nên cân nhắc thay đổi lập trường hiện tại và xem xét lại vấn đề quần đảo Ryukyu như một vấn đề lịch sử chưa được giải quyết. Theo đó, báo này kiến nghị, vấn đề Ryukyu có thể được tái xem xét thông qua 3 bước.

Thứ nhất, mở cuộc nghiên cứu và thảo luận của công chúng về vấn đề Ryukyu, bao gồm cho phép thành lập tổ chức nghiên cứu có liên quan. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nên trực tiếp tham gia các hoạt động này nhưng không nên phản đối chúng.

Thứ 2, dựa trên thái độ của Nhật Bản đối với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể liệu thời điểm để quyết định đưa các vấn đề Ryukyu ra đấu trường quốc tế. Vấn đề Ryukyu có thể được sử dụng như một quân bài mạnh mẽ khi cần thiết.

Thứ 3, nếu Nhật Bản cố tình đi tiên phong trong việc phá hoại nỗ lực trỗi dậy của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể thực hiện các biện pháp thực tế để kích động và hỗ trợ các lực lượng ở Okinawa phục hưng nền độc lập của quần đảo Ryukyu.

Hoàn cầu Thời báo kết luận, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ bước vào cuộc cạnh tranh dài hạn và gay gắt trong thế kỷ 21 và thời gian đang ủng hộ Bắc Kinh. Bắc Kinh không cần bận tâm về việc tái xem xét vấn đề Ryukyu có thể tạo ra cái cớ cho các lực lượng bên ngoài kích động ly khai ở Trung Quốc.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU


Bạch Dương

Bình luận(0)