Quan hệ Trung-Nga: “Đồng sàng, dị mộng“

Google News

(Kiến Thức) - Kể từ thời Chiến tranh lạnh, Mỹ luôn lo ngại liên minh Nga-Trung và chuyến thăm Moscow của ông Tập Cận Bình một lần nữa làm sâu sắc thêm nỗi lo này.

 Ảnh minh họa.

Không nhiều thì ít, truyền thông Mỹ thường ngụ ý rằng động cơ sâu sắc của quan hệ Trung-Nga là chống Mỹ. Sẽ là quá đơn giản vội vàng khi kết luận như vậy. Moscow và Bắc Kinh có thể đang hưởng tuần trăng mật, nhưng không nhất thiết phải chống Mỹ.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã tăng cường liên minh với các nước láng giềng của Trung Quốc - bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Afghanistan và Ấn Độ. Ngược lại, Trung Quốc đang mất dần bạn bè láng giềng, khi sức mạnh kinh tế gia tăng.

Chính phủ Trung Quốc coi căng thẳng  gia tăng trong khu vực như là kết quả của chiến lược “Washington trở lại châu Á”.  Trong bối cảnh này, một mặt, Trung Quốc thực sự cần đến sự giúp đỡ của Nga để tránh đối đầu leo thang với nhiều nước láng giềng. Mặt khác, động thái này phản ánh việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc thiếu tự tin trong việc một mình đối phó với cuộc khủng hoảng khu vực tiềm tàng.

Trung Quốc và Nga có lợi ích chung để cộng tác với nhau. Bắc Kinh cần đến nguồn cung dầu khí, vũ khí cao cấp của Nga - từ tàu ngầm, tàu chiến và máy bay. Về phần mình, Nga muốn Trung Quốc đầu tư nhiều hơn để tăng tốc phát triển kinh tế.

Có thể nói rằng, Trung Quốc không thực sự cần đến công nghệ quân sự Nga. Ví dụ, máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc tiên tiến hơn Su-35, tương đương với T50 của Nga và F-22 của Mỹ. Mục đích của Trung Quốc trong việc mua 24 chiếc Su-35 không phải là để thu hẹp khoảng cách với Mỹ về sức mạnh quân sự mà để cho thấy sự chân thành của Bắc Kinh nhằm củng cố mối quan hệ với Moscow thông qua việc  cung cấp động cơ kinh tế.

Liệu Trung Quốc và Nga có thể tạo lập mối quan hệ đối tác vững chắc? Nhìn bề ngoài, lãnh đạo hàng đầu của hai nước có thể cộng tác với nhau. Tuy nhiên, tham vọng chính trị của hai nhà lãnh đạo không đương nhiên chuyển sang chính sách đối ngoại. Phương tiện truyền thông Trung Quốc tập trung  chú ý đến cuộc gặp cấp cao Putin-Tập Cận Bình và rất ca ngợi tầm quan trọng của quan hệ Trung-Nga hiện nay. Tuy nhiên, phương tiện truyền thông Nga lại không mấy hồ hởi bởi vì họ cho rằng Tập Cận Bình chưa xứng tầm vai trò lãnh đạo toàn cầu. Điều này cho thấy cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này chưa hẳn có ý nghĩa lịch sử.

Dư luận Nga cũng không cho rằng Trung Quốc là đáng tin cậy, một phần là do sự thiếu nhất quán trong chính sách đối ngoại của nước này. Trung Quốc từng liên minh với Nga trong những năm 1950 và quan hệ tốt với Mỹ trong những năm 1970, nhưng lại theo đuổi  chính sách không liên kết trong những năm 1980. Sự ngờ vực lẫn nhau giữa hai nước phần nào giải thích lý do vì sao sinh viên Trung Quốc lại không mấy nhiệt tình chọn đi du học ở  Nga.

Trong năm 2012, có khoảng 350.000 sinh viên Trung Quốc đi du học nước ngoài, nhưng hơn 50% trong số họ đã chọn đi Mỹ. Những điểm đến ưa thích khác của cho sinh viên Trung Quốc không có Nga, nhưng lại là Anh, Australia, Canada, Nhật Bản, Pháp, Đức, Hà Lan, Singapore và Hàn Quốc. Kết quả là văn hóa Nga ít có tác động đến xã hội và tầng lớp trí thức Trung Quốc.

Việc khôi phục tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga chủ yếu là do áp lực trong nước và các vấn đề an ninh khu vực. Mối quan hệ ổn định giữa hai nước sẽ làm giảm gánh nặng tài chính dành cho việc bảo vệ đường biên giới chung hàng nghìn cây số, cho phép Trung Quốc đầu tư nhiều hơn ở miền Tây trong khi tiếp tục phát triển nền kinh tế ở miền Đông cũng như làm sâu sắc hơn quan hệ với Nam Á và Trung Đông.

Đáng chú ý là khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và Nga vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Nga trong năm 2012 là 80 tỷ USD, với Mỹ 500 tỷ USD và với Nhật Bản là 360 tỷ USD.

Xét theo khía cạnh này, quan hệ đối tác Trung-Nga hiện nay nặng về kinh tế hơn quân sự. Quan hệ Trung-Nga hiện nay không phải là một liên minh chính thức, mà chỉ là một liên minh nửa vời. Liên minh này  cũng không được thiết lập để thách thức quyền lực thống trị của Mỹ. Ít ra, việc quan hệ chặt chẽ với Nga giúp Trung Quốc có cái để mặc cả với Mỹ, để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng theo chiều hướng có lợi cho Bắc Kinh.

Trong thời đại vũ khí hạt nhân, khả năng xảy ra chiến tranh giữa các nước lớn là rất hiếm. Sau khi vụ tấn công ngày 11/9/2001, chủ nghĩa khủng bố đã trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất và chủ yếu nhắm vào mục tiêu phương Tây. Hiện Trung Quốc không có mối đe dọa trực tiếp nào. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc không cần thiết phải liên minh với Nga.

Sẽ là không có căn cứ để dự đoán rằng hai nước sẽ tạo thành một liên minh trong vòng một thập kỷ. Mặc dù Bắc Kinh và Moscow đang hưởng tuần trăng mật, về lâu về dài, hai bên có thể có những xung khắc tiềm tàng hơn là hợp tác. Do quá khứ phức tạp và nguy cơ xung đột tiềm ẩn, hai bên có thể trở thành đối thủ của nhau một lần nữa.

Theo Hoàn cầu Thời báo, đại sứ Nga ở Trung Quốc đã nói rõ rằng Moscow không tìm cách liên minh với Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc đơn phương theo đuổi mục tiêu này, kết quả sẽ không được như ý.

Nhiều khả năng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ không xa lánh Mỹ thông qua việc đề cao “con bài Nga”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần cân bằng tam giác quan hệ
Trung-Mỹ-Nga.

Các nhà lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đã cam kết rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền. Trên thực tế, Trung Quốc cũng không có khả năng giành quyền bá chủ, ít ra là trong nhiều thập kỷ thập kỷ tới. Nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ sẽ tiếp tục được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 3/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đảm bảo với ông rằng mối quan hệ với Mỹ là rất quan trọng. Do đó, quan hệ hợp tác Trung-Nga hiện nay chỉ mang tính chất biểu tượng và có tác động tâm lý hơn là thực chất. Sẽ là không cần thiết, khi Mỹ quá lo ngại tầm quan trọng của sự hợp tác Trung-Nga.

TIN LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Lê Chân (theo atimes.com)

Bình luận(0)