Cuộc khủng hoảng thật sự ở châu Á-Thái Bình Dương

Google News

(Kiến Thức) - Bán đảo Triều Tiên đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới, nhưng cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất lại ở cách đó vài trăm dặm về phía Nam.

 

Mục đích của Trung Quốc

Đối với Bắc Kinh, cuộc xung đột với Nhật Bản về quần đảo Senkaku phục vụ hai mục tiêu. Mục tiêu chính là duy trì chế độ hiện hành. Việc Tokyo mua ba hòn đảo của quần đảo Senkaku từ một chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9/2012 đã mang lại cho Bắc Kinh một “cơ hội vàng” để tự thể hiện mình là bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia trước sự đe dọa của bên ngoài.

Trung Quốc không chỉ thấy đây là một cơ hội để bình ổn tình hình trong nước mà còn theo đuổi tham vọng lớn hơn ở châu Á. Bắc  Kinh có vẻ như không hài lòng với trật tự quốc tế “hậu Chiến tranh lạnh” bị Mỹ chi phối và có ý định một lần nữa đảm nhận vai trò lịch sử của “Thiên triều”.

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi thực trạng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vùng biển xung quanh là một phần của nỗ lực tạo ra một trật tự thế giới mới - trong đó luật pháp quốc tế chỉ được tôn trọng, khi nó phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc và cho phép Bắc Kinh không chỉ có thể sử dụng sức mạnh quân sự để ép buộc các nước láng giềng mà còn không bị trừng phạt. Trong việc theo đuổi các chính sách ngày càng đối đầu ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc đã đánh rơi chiếc mặt nạ “ưu tiên giải quyết hòa bình các vấn đề của khu vực”.

Tuy nhiên, hành động của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông không chỉ nhắm vào Nhật Bản mà còn nhằm mục đích thách thức cam kết của Mỹ đối với đồng minh.

Mục tiêu của Nhật Bản: Duy trì hiện trạng

Đối với Nhật Bản, điều quan trọng nhất trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về quần đảo Senkaku là duy trì nguyên trạng. Tokyo chỉ đơn giản muốn tiếp tục làm những gì Nhật Bản đã làm từ những năm 1970: quản lý quần đảo Senkaku, tự do tuần tra các vùng biển gần đó và đối phó với các sự cố như cuộc đổ bộ của công dân Trung Quốc lên một hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku.

Cũng như các nước khác, phía Nhật Bản hiểu rằng Bắc Kinh muốn đảo lộn trật tự khu vực. Đó là lý do vì sao mà khi thảo luận về an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói về hợp tác với Mỹ để “đảm bảo sự tự do đi lại trên các vùng biển và bảo đảm cho khu vực được cai quản dựa trên luật pháp, chứ không phải dựa vào vũ lực”.

Tranh chấp về quần đảo Senkaku có thể không ảnh hưởng nhiều đến tự do đi lại trên các vùng biển, nhưng Thủ tướng Abe biết rõ rằng nếu đạt được mục đích ở Biển Hoa Đông thông qua vũ lực hoặc ép buộc, Trung Quốc chắc chắn cũng làm như vậy đối với các quốc gia yếu hơn nhiều ở Đông Nam Á. Và việc Trung Quốc độc chiếm  gần như toàn bộ Biển Đông chắc chắn sẽ có nhiều tác động tai hại  đến tự do hàng hải trên vùng biển cực kỳ quan trọng này.

Vai trò của Mỹ

Việc Trung Quốc quyết định chuyển sang phương pháp tiếp cận đối đầu đang rung lên những hồi chuông báo động ở Washington.

Vậy Washington nên làm gì? Đầu tiên, chính quyền Obama nên tái khẳng định rằng phạm vi ứng dụng của Hiệp ước hợp tác và an ninh Mỹ-Nhật bao gồm cả quần đảo Senkaku. Thứ hai, Washington nên gửi đến Bắc Kinh một thông điệp nói rõ rằng việc Trung Quốc cưỡng chế và sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp biển đảo là gây bất lợi cho lợi ích cốt lõi của Mỹ.

Vào thời điểm này, Trung Quốc hầu như sẽ không trở lại với “chính sách ngoại giao nụ cười” của các thập kỷ trước và đối đầu có thể trở thành một căn bệnh kinh niên ở châu Á.

Cuộc đối đầu về quần đảo Senkaku không chỉ đơn thuần là tranh chấp chủ quyền.  Một sự cố, một tính toán sai lầm hoặc một hành động có chủ ý … có thể làm cho tình hình trên Biển Hoa Đông trở nên sôi sục hơn.

Cuộc xung đột  ở Biển Hoa Đông hiện nay chính là một mô hình thu nhỏ của cuộc xung đột giữa các đối thủ cạnh tranh liên quan đến tương lai của châu Á.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo American Magazine)

Bình luận(0)