Trung Quốc tìm cách hòa hoãn với Nhật Bản?

Google News

(Kiến Thức) – Theo giới phân tích, có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình dường như không muốn xung đột leo thang hơn nữa với Nhật Bản.

 Thượng tướng Liu Yuan (bên trái), con trai của cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ.

Trong một loạt bài bình luận khá ôn hòa, Thượng tướng Liu Yuan - con trai của cố Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và được cho là gần gũi với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình - cảnh báo về các hiểm họa của chiến tranh với Nhật Bản. Ông tuyên bố quân đội có nhiệm vụ bảo vệ đất nước và chiến đấu để giành chiến thắng, nhưng sử dụng vũ lực nên được coi là phương sách cuối cùng. 

Trong bài bình luận đăng trên trang web chính thức của quân đội Trung Quốc ngày 14/3, tướng Liu Yuan viết: “Là một quân nhân, tôi cần phải nói rõ chiến tranh thực sự là gì. Vì chúng ta đã được hưởng hòa bình trong một thời gian khá dài, nên nhiều người trẻ tuổi không biết chiến tranh là như thế nào. Chiến tranh là rất khốc liệt và vô cùng tốn kém. Nếu còn có bất kỳ cách nào khác để giải quyết vấn đề, người ta không nhất thiết phải sử dụng đến các phương tiện bạo lực cực đoan”.

Phát biểu trước các nhà báo bên lề phiên họp Quốc hội Trung Quốc hàng năm kết thúc vào ngày 17/3, tướng Liu Yuan cho rằng sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp biển đảo là vì lợi ích của cả hai nước Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong một bài bình luận được Hoàn cầu Thời báo đăng tải hồi tháng trước, tướng Liu Yuan cho biết các cuộc chiến tranh trước đây với Nhật Bản đã làm gián đoạn sự phát triển của Trung Quốc, vào những thời điểm quan trọng trong lịch sử cận đại. Theo ông, quá trình phục hồi kinh tế hiện đang ở vào giai đoạn quan trọng và Trung Quốc cần tránh bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh “không mong muốn”.  Tướng Liu Yuan viết: “Mỹ và Nhật Bản sợ chúng ta đuổi kịp và sẽ làm bất cứ điều gì để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. Chúng ta không nên bị mắc lừa”.

Tướng Liu Yuan, sinh năm 1951, hiện là Chính ủy Học viện Khoa học Quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Sinh ra ở Bắc Kinh, ông là con trai của Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, người đã bị thanh trừng và chết trong Cách mạng Văn hóa.

Các nhà phân tích quân sự nói rằng, tướng Liu Yuan có xuất thân như ông Tập Cận Bình và chia sẻ nhiều quan điểm với nhà lãnh đạo này. Cha của ông Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân cũng bị thanh trừng trong Cách mạng Văn hóa, nhưng sau này đã được phục chức và từng giữ cương vị Phó Thủ tướng thời cải cách mở cửa.

Theo giới chuyên gia, việc tướng Liu Yuan công khai kêu gọi kiềm chế trong một loạt bài bình luận trong thời gian Quốc hội Trung Quốc bầu chọn ban lãnh đạo mới và quan hệ gần gũi của ông với tân Chủ tịch nước Tập Cận Bình dẫn đến sự đồn đoán về một sự thay đổi nào đó về chính sách đối ngoại.  

Nhà nghiên cứu Sun Yun, chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Viện Brookings có trụ sở tại Washington, nhận xét:  “Khi các nhà lãnh đạo mới đang xem xét quan hệ  với Mỹ và chính sách đối ngoại, Trung Quốc có vẻ như kiềm chế hơn về tranh chấp biển đảo”.

Trong một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn kiềm chế những lời lẽ hiếu chiến là việc Thiếu tướng về hưu "diều hâu" Luo Yuan đã bị gạt ra khỏi cơ quan tư vấn hàng đầu của chính phủ. Luo Yuan khét tiếng với lời kêu gọi Trung Quốc và Đài Loan hợp sức trong tranh chấp biển đảo.

Thu về một mối cơ quan thực thi pháp luật trên biển

Tướng Liu Yuan cho rằng việc sáp nhập các cơ quan thực thi pháp luật trên biển sẽ giúp tránh xung đột quân sự với Nhật Bản.

Theo một số chuyên gia hàng hải, việc Trung Quốc thu về một mối các lực lượng bán quân sự thực thi luật pháp trên biển và đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Cục Hải dương Nhà nước sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ hơn các lực lượng này trong tranh chấp biển đảo ở Biển Hoa Đông. Các tàu tuần tra của các cơ quan nói trên từng  khuấy động vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ với Lực lượng tuần duyên Nhật Bản.

Quân đội Trung Quốc và các chuyên gia an ninh đã hoan nghênh quyết định của Bắc Kinh sáp nhập 4 trong số 5 “con rồng” và đặt dưới sự chỉ huy của Cục Hải dương Nhà nước.

Trong một báo cáo được công bố năm ngoái, International Crisis Group có trụ sở tại Brussels  đã cảnh báo rằng sự phối hợp kém và đôi khi cạnh tranh lẫn nhau của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc đang làm leo thang các vụ tranh chấp biển đảo.

Nhà nghiên cứu Sun Yun và các chuyên gia chính sách an ninh khác cho rằng Bắc Kinh cần phải cải thiện sự phối hợp giữa tất cả các cơ quan  chính phủ liên quan đến an ninh hàng hải, trong đó có quân đội và  Bộ Ngoại giao.

Tuy nhiên, tranh chấp biển đảo vẫn còn là một điểm nóng có khả năng gây xung đột tiềm tàng. Phó giám đốc Cơ quan bản đồ Trung Quốc Li Pengde từng nói trên truyền hình nhà nước hôm thứ Ba (12/3) rằng Bắc Kinh có kế hoạch triển khai một nhóm khảo sát đến các đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Điều này chắc chắn sẽ , vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Nhật Bản.

Trong khi đó, tướng Liu Yuan cũng không hề đả động đến tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần 80% tổng diện tích.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Lê Chân (theo Reuters)

Bình luận(0)