Những đặc điểm của “Thời kỳ hậu Hồ Cẩm Đào” ở Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) – Với việc hoàn tất bổ nhiệm nhân sự bộ máy nhà nước, Trung Quốc chính thức bước vào “Thời kỳ hậu Hồ Cẩm Đào”.

 Ông Hồ Cẩm Đào chúc mừng TBT Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Mấy ngày qua, các chức vụ quan trọng nhà nước và quốc hội được lần lượt chuyển giao cho ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Du Chính Thanh làm Chủ tịch Chính Hiệp thay Giả Khánh Lâm. Trương Đức Giang làm Chủ tịch Quốc hội thay Ngô Bang Quốc. Tập Cận Bình làm Chủ tịch Nhà nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương thay Hồ Cẩm Đào. Lý Khắc Cường làm Thủ tướng thay Ôn Gia Bảo.

Khi còn nắm quyền, Đặng Tiểu Bình đã lựa chọn hai người thừa kế là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, nhưng sau vụ Thiên An Môn tháng 6/1989, cả hai đều bị hạ bệ. Vì vậy, Đặng Tiểu Bình bất đắc dĩ phải đưa Giang Trạch Dân, khi đó đang là Bí thư thành ủy Thượng Hải, không nằm trong danh sách được lựa chọn “người kế thừa”, lên Bắc Kinh làm Tổng Bí thư và được dư luận trong và ngoài nước cho rằng đây là “người kế thừa quá độ”. Bởi vì khi đó Đặng Tiểu Bình đã chọn Hồ Cẩm Đào. Trong Hội nghị trù bị Đại hội 14 ĐCS Trung Quốc họp tháng 10/1992, Đặng Tiểu Bình nói: “Đồng chí Hồ Cẩm Đào là người rất tốt”. Đây được coi là chỉ thị về “người kế thừa” của Trung Quốc “Thời kỳ h hậu Đặng Tiểu Bình”.

Đại hội 14 họp 10/1992, dư luận trong và ngoài nước đều sửng sốt khi thấy Hồ Cẩm Đào 49 tuổi, một nhân vật từ trước tới nay chưa thấy có danh tiếng gì đã nghiễm nhiên ngồi vào ghế Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị.

Tuy nhiên, phải tới 10 năm sau khi  ĐH16 họp tháng 11/2002, Giang Trạch Dân mới nhường chức Tổng Bí thư cho Hồ Cẩm Đào, nhưng vẫn giữ lại chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương và mãi đến năm 2004 tại Hội nghị toàn thể trung ương 4 Khóa 16 họp vào tháng 9/2004, mới giao nốt quyền này. Sau 12 năm chờ đợi, Hồ Cẩm Đào mới nắm trọn quyền và  Trung Quốc chính thức bước vào “Thời kỳ Hồ Cẩm Đào”.

Nhưng ngay khi là Ủy viên Thường trực Bộ chính trị, chủ quản công tác tổ chức cán bộ, Hồ Cẩm Đào đã nhanh chóng bắt tay vào tuyển chọn những người thân tín từng công tác trong hệ thống Đoàn thanh niên đưa vào giữ các chức vụ chủ chốt.

Báo chí Trung Quốc tiết lộ, sau Đại hội 16 (11/2002), có tới 21 cán bộ trẻ thuộc hệ thống Đoàn thanh niên được đưa vào các cương vị chủ chốt trong ban lãnh đạo đảng, nhà nước. Cán bộ địa phương cấp tỉnh, thành cũng được trẻ hóa bởi  hệ thống Đoàn thanh niên. Trong Đại hội 17 tháng 10/2007, những người thân tín từ hệ thống Đoàn thanh niên với Hồ Cẩm Đào đã được ồ ạt đưa vào Bộ chính trị, Thường vụ Bộ chính trị, Ban bí thư và các cơ quan quan trọng của đảng và nhà nước như Lý Khắc Cường, Lý Nguyên Triều, Trương Cao Lệ, Trương Đức Giang, Lưu Vân Sơn, Hạ Quốc Cường, Lưu Diên Đông, Lệnh Kế Hoạch, Vương Hộ Ninh...

Trong khi đó, những cán bộ không cùng chính kiến, nhất là thân cận với Giang Trạch Dân đã lần lượt bị gạt ra rìa như Hoàng Cúc, Trần Lương Vũ và gần đây nhất là  Bạc Hy Lai bị khai trừ Đảng ngày 10/4/2012, bị cách toàn bộ chức vụ Ủy viên trung ương, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Trong thời gian gần 11 năm chính thức nắm quyền, Hồ Cẩm Đào đã chuẩn bị xong đội ngũ cho Trung Quốc “Thời kỳ hậu Hồ Cẩm Đào”. Trong số 7 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị có tới 4 người thuộc hệ thống Đoàn thanh niên. Đó là Lý Khắc Cường hiện làm Thủ tướng, Trương Đức Giang làm Chủ tịch Quốc hội, Lưu Vân Sơn làm Bí thư trung ương và Trương Cao Lệ. Ngoài ra còn  Lý Nguyên Triều, Ủy viên Bộ chính trị làm Phó chủ tịch nước.

Trung Quốc chính thức bước vào “Thời đại hậu Hồ Cẩm Đào” sẽ có những đặc điểm sau:

- Một là, tính kế thừa vẫn được tiếp tục, những tư tưởng và đường lối do Hồ Cẩm Đào vạch ra vẫn tiếp tục được thực hiện cho dù không có Hồ Cẩm Đào nắm quyền. Đó là tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và đường lối đối ngoại nước lớn.

Phát biểu ngày 14/11/2012 khi được bầu làm Tổng Bí thư tại ĐH 18, Tập Cận Bình đã 11 lần nhấn mạnh hai từ “dân tộc” và 19 lần nhấn mạnh hai từ “nhân dân”. Điều này cho thấy cho dù Tập Cận Bình không trưởng thành từ hệ thống Đoàn thanh niên nhưng vẫn tiếp tục tư tưởng dân tộc rất mạnh mẽ.

- Hai là, chấn chỉnh lại bộ máy của đảng và nhà nước để ổn định tình hình trong nước. Ngày 10/3/2013, trong kỳ họp Quốc hội, Trung Quốc công bố “chương trình cải tổ bộ máy nhà nước” để chứng tỏ “tân quan, tân chính sách”. Trong 6 chương trình cải tổ, có tới 5 chương trình tập trung vào vấn đề trong nước, một chương trình cải tổ lại Cục Hải dương Nhà nước nhằm đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc biển”. Đây là điều đáng lo ngại nhất đối với các nước láng giềng xung quanh thời gian tới.

- Ba là, cho dù ban lãnh đạo mới vẫn mang nặng “màu sắc Hồ Cẩm Đào”, nhưng Tập Cận Bình cũng đang nung nấu ý định làm mờ nhạt dần ảnh hưởng của người tiền nhiệm, bởi vì chỉ có như vậy thì ông ta mới có thể tiến hành được những cải cách mới mang màu sắc riêng của mình.

Dư luận các nước rất  lưu ý trong diễn văn đọc ngày 14/11/2012,  Tập Cận Bình không hề nhắc tới ba cụm từ là: “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, “Tư tưởng ba đại diện” và “Tư tưởng phát triển khoa học”. Đây là ba sản phẩm của Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, trong khi Hồ Cẩm Đào vẫn luôn nhấn mạnh ba cụm từ này.

Các học giả Mỹ cho rằng diễn văn nhậm chức Tổng Bí thư của Tập Cận Bình đã phần nào phản ánh ý đồ và tư tưởng chiến lược của ông là muốn thoát khỏi tư tưởng cũ, nhấn mạnh thực chất và coi trọng hiệu quả hơn.
Triển vọng Trung Quốc “Thời kỳ hậu Hồ Cẩm Đào” cho thấy nhiều vấn đề và mâu thuẫn tiềm ẩn lâu dài trong xã hội Trung Quốc chưa thể giải quyết được trong một hay hai khóa Đại hội Đảng do Tập Cận Bình lãnh đạo, mà chỉ có thể hạn chế mức độ nghiêm trọng, tác hại, nhất là vấn đề tham nhũng, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, đảm bảo dân sinh... Bởi vì, những vấn đề này nảy sinh từ cơ chế, thể chế kinh tế xã hội hiện hành của Trung Quốc.

Tập Cận Bình đang muốn thoát khỏi sự trói buộc của  những tư tưởng tồn tại từ lâu nay như “đặc sắc Trung Quốc”, “Lý luận Đặng Tiểu Bình” , “Tư tưởng ba đại diện” của Giang Trạch Dân và “Tư tưởng phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào. Tính độc đoán, áp đặt ý kiến cá nhân của lãnh đạo “Thời kỳ hậu Hồ Cẩm Đào” có thể sẽ giảm bớt.

Trung Quốc “Thời kỳ Tập Cận Bình” sẽ thực tế hơn, nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu tăng trưởng được  đưa ra là 7,5% để tập trung giải quyết vấn đề cải tổ bộ máy nhà nước và giải quyết các vấn đề xã hội trong nước.

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc “Thời kỳ Hồ Cẩm Đào” bị cô lập, vì vậy Trung Quốc “Thời kỳ Tập Cận Bình” có thể hòa dịu hơn. Nhưng riêng vấn đề tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng thì chưa có dấu hiệu hòa hoãn và dịu hơn, nhất là sau việc cải tổ Cục Hải dương Nhà nước.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Kiều Tỉnh

Bình luận(0)