Trung, Nhật làm gì sau đối đầu chiến đấu cơ?

Google News

Chiến đấu cơ F-15  cất cánh khẩn cấp, đòi máy bay quân sự của Trung Quốc rời khỏi không phận Nhật Bản. Tuy nhiên, cảnh báo này bị phớt lờ.

 Nhân nhượng?
 Một biên đội chiến đấu cơ phản lực Trung Quốc. 

Những diễn biến trên đãmiêu tả chính xác cách mà Trung Quốc và Nhật Bản đang chơi trò chơi mạo hiểm như thế nào ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – trung tâm của cuộc tranh giành giữa hai nước. Những cuộc đối đầu của chiến đấu cơ và máy bay hai nước trên bầu trời quần đảo tranh chấp có thể sẽ leo thang nhanh chóng đến một điểm rất nguy hiểm.

Các phi công Nhật Bản tính đến lựa chọn cuối cùng: bắn cảnh cáo – một bước đi mà Bắc Kinh có thể xem là hành động chiến tranh. "Trung Quốc sẽ rất tức giận. Họ sẽ xem đó như là một hành động gây chiến tranh mặc dù về mặt luật pháp quốc tế thì không phải như vậy”, cựu phi công Nhật Bản nói về kịch bản có thể xảy ra trên bầu trời biển Hoa Đông.
 
Cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang sôi lên sùng sục trong suốt nhiều tháng gần đây. Trong những tuần qua, cuộc tranh chấp đó đang leo thang nguy hiểm đến mức ngoài những cuộc vờn đuổi, gầm ghè giữa tàu thuyền hai nước trên biển, máy bay dân sự cũng như quân sự của hai bên cũng liên tiếp có những cuộc đối đầu nóng bỏng.
 
Tokyo hồi tháng trước khẳng định, theo luật quốc tế, các phi công của họ có quyền bắn cảnh cáo những kẻ xâm nhập vào không phận của họ - một bước mà Nhật Bản đã từng làm duy nhất một lần kể từ sau Thế chiến II.
 
Cộng đồng quốc tế và bản thân hai nước Trung Quốc, Nhật Bản đang vô cùng lo ngại trước viễn cảnh, “trò chơi mèo vờn chuột giữa máy bay và tàu thuyền hai nước ở biển Hoa Đông có thể sẽ gây ra một cuộc đụng độ vô tình”. Vì vậy, Bắc Kinh và Tokyo đang có những nỗ lực nhằm làm dịu bớt tình hình căng thẳng đáng lo ngại này, trong đó có việc tìm kiếm một cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo của hai nước.
 
Tuy nhiên, trong khi hy vọng về một sự ấm lên trong quan hệ lạnh giá giữa Trung Quốc và Nhật Bản xuất hiện thì vẫn còn tồn tại sự thiếu tin tưởng sâu sắc, sự cạnh tranh giữa hai nước và cả chủ nghĩa dân tộc đang “cháy lên dữ dội” ở mỗi bên. Tất cả những yếu tố này đã làm phức tạp thêm tình hình và nó đồng nghĩa với việc, bất kỳ sự hàn gắn nào trong quan hệ Trung-Nhật đều rất mong manh, dễ vỡ.
 
"Nhiều khả năng, hai bên cuối cùng cũng sẽ tìm ra một công thức cứu vãn thể diện từ việc này nhưng tôi nghi, đó cũng chỉ là đầu voi đuôi chuột”, ông Andy Gilholm thuộc tổ chức tư vấn Kiểm soát Nguy cơ đã nhận định như vậy.
 
"Dường như không có cơ hội cho một giải pháp lâu dài và thậm chí kể cả việc gạt vấn đề tranh chấp này sang một bên cũng là không thể. Vì thế,... chúng tôi khuyên các khách hàng của mình rằng, loại mâu thuẫn nàynên để nó là một phần của cơn bão thông thường mới chứ không phải là một cơn bão chớp nhoáng”.
 
Với việc các doanh nghiệp Nhật Bản đã phải chịu tổn thất về thương mại sau khi các cuộc biểu tình chống Nhật bùng phát hồi tháng 9 năm ngoái, các công việc và đầu tư vào Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu cuộc tranh chấp này còn kéo dài. Vì vậy, áp lực đang đặt lên hai nước đòi hỏi phải tìm được một giải pháp nào đó.
 
Là đồng minh của Nhật Bản, phía Mỹ cũng ra dấu hiệu cho biết không muốn chứng kiến một cuộc xung đột quân sự giữa hai nước Trung-Nhật ở quần đảo tranh chấp.
 
Mềm trong chiến lược nhưng rắn trong thể hiện?
 
Thủ tướng Shinzo Abe, người vừa quay trở lại cầm quyền hồi tháng 12 năm ngoái, cho biết, ông để ngỏ khả năng tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh với Lãnh đạo Trung Quốc. Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền – ông Masahiko Komura có thể sẽ đến Trung Quốc để đặt nền móng cho cuộc họp này dù nó được mong đợi sẽ không xảy ra trước khi ông Tập Cận Bình chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch vào tháng 3 tới.
 
Ông Abe đã nhanh chóng hàn gắn mối quan hệ Trung-Nhật khi ông lên làm Thủ tướng năm 2006. Một số nhà điều hành và chuyên gia Nhật Bản tin rằng, ông Abe sẽ lại làm điều tương tự trong lần này. Vấn đề ở chỗ, việc khởi động một hội nghị thượng đỉnh đòi hỏi những bước đi ngoại giao hết sức khéo léo. “Cả hai bên muốn hạ nhiệt nhưng họ không muốn thể hiện mình là người mềm mỏng trong vấn đề chủ quyền đối với người dân nước họ”, cựu phi công Nhật Bản và giờ là một chuyên gia về các vấn đề an ninh khu vực, cho biết.

Nếu không xử lý khéo, cuộc tranh chấp Trung-Nhật sẽ vượt ra khỏi mọi sự kiểm soát và bùng phát thành một cuộc xung đột quân sự. Viễn cảnh này không chỉ để lại hậu quả to lớn cho mỗi nước mà cho cả toàn khu vực.
 
Dù gì thì "ít nhất đã có những nỗ lực từ hai bên để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, nguy cơ trong cuộc tranh chấp vẫn còn”, cựu nhà ngoại giao Nhật Bản Hitoshi Tanaka – người đứng đầu Viện Chiến lược Quốc tế ở Tokyo, cho biết.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:



Theo VnMedia

Bình luận(0)