Tham nhũng “khó trị” ở Nga, Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Một cuộc khảo sát gần đây của Global Financial Integrity cho thấy, “kinh tế ngầm” chiếm 46% GDP của Liên bang Nga.

Theo RIA Novosti, con số này cao hơn một chút so với ước tính 43,8% GDP của Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, đối với một quốc gia G8, đây là quả là thảm họa.

Khảo sát của Global Financial Integrity cũng phát hiện ra rằng, gần 800 tỷ USD chạy khỏi nước Nga từ năm 1994, trong đó hơn 200 tỷ USD là bất hợp pháp. Không ít trong số tiền này đã lại chảy vào Nga nhưng chui vào “nền kinh tế ngầm”.
 “Nền kinh tế ngầm” khó có thể tồn tại, nếu các quan chức nhà nước đều thanh liêm.

Chống tham nhũng là công việc khó khăn ở Liên bang Nga, khi mà “thay thầy, đổi chủ” để không bị trừng phạt đôi khi là điều cần thiết ở nước này hồi đầu những năm 1990. Khi đó, Tổng thống Boris Yeltsin sử dụng chiêu bài “tư nhân hóa” để tạo ra một tầng lớp chủ sở hữu tư nhân mới để chống lại những thách thức từ phía những người cộng sản. Tầng lớp chủ sở tư nhân mới này đã mua được khối lượng lớn các tài sản trước đây thuộc về  nhà nước, với giá gần như cho không.

Hồi cuối những năm 1990 cũng như dưới thời Tổng thống Vladimir Putin tiếp theo, Nga không có nhiều nỗ lực đáng kể để đảo ngược tình hình. Tuy nhiên, việc Liên bang Nga rục rịch hướng tới xây dựng thể chế nhằm thúc đẩy tính minh bạch chứ không phải là lòng trung thành cá nhân đã khiến cho giới tư bản mới lo ngại và tuồn vốn ra nước ngoài. Đây là một trong những lý do dẫn đến căn bệnh “mệt mỏi Nga”.

Khi quay trở lại điện Kremlin hồi năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề ra chính sách kinh tế mạnh mẽ, ưu tiên đầu tư và chống tham nhũng. Thế nhưng, qui mô khổng lồ của “nền kinh tế ngầm” trong thời điểm này là bằng chứng cho thấy những lời cam kết “dọn dẹp những bê bối có từ những năm 1990” của Tổng thống Putin vẫn chỉ là… lời hứa. "Nền kinh tế ngầm” vẫn lớn mạnh cùng với sự bùng nổ của dầu khí và đã trở thành căn bệnh ung thư.

Chiến dịch chống tham nhũng gần đây của điện Kremlin hầu như không thay đổi gì nhiều, thậm chí có nguy cơ bị thất bại. Để chống lại căn bệnh ung thư có nguy cơ di căn này, chính quyền liên bang cần phải làm nhiều hơn cái việc cách chức một quan chức cấp cao nào đó.

Tương tự, tại Trung Quốc - nơi tham nhũng cũng là một quốc nạn, việc công khai hành quyết một số quan chức tham nhũng cũng không mấy hiệu quả.

Tờ Nam phương Đô thị báo tại Quảng Đông có bài bàn về một biện pháp phòng chống căn bệnh tham nhũng được các quan chức hô hào đồng thuận, thế nhưng hiệu quả lại không cao: bắt cán bộ công khai tài sản.

Nam phương Đô thị báo nhắc lại gần đây Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Đông vừa đem ra mổ xẻ chính thức biện pháp: cán bộ nhà nước tình nguyện hoặc bắt buộc công khai tài sản để nhân dân kiểm soát tham nhũng. Các lãnh đạo địa phương tại Quảng Đông cũng như ở một số nơi khác đều tuyên bố tán đồng việc công khai tài sản, tức là họ tỏ ra đồng thuận về điểm này. Thế nhưng, sự đồng thuận đó đã dẫn đến một đồng thuận khác: tất cả cán bộ cấp dưới đồng ý công khai tài sản, nhưng không làm ngay, mà chỉ đồng ý làm khi nào cấp trên làm gương thực hiện trước.

Ở Trung Quốc hiện tại không hề có một qui định chính thức nào cấm việc cán bộ tự nguyện công khai tài sản. Thế thì tại sao các cán bộ lại không ai tình nguyện làm việc đó, mà phải đợi đến cấp trên làm trước?

Tờ Nam phương Đô thị báo cho rằng, cách hành xử như thế là “hợp lý”.

Trước tiên, hợp lý là bởi vì trong hệ thống chính trị tại Trung Quốc, tất cả đều phải hành xử phù hợp với cả hệ thống, tức không ai được phép chơi theo kiểu “đơn thương, độc mã” mà phải làm chính trị giống như các đồng chí của mình, phù hợp với tinh thần chung của cả hệ thống. Bởi thế, tờ báo cho rằng, cán bộ nào dám to gan tiên phong công khai tài sản, tức dám làm chuyện mà gần như cả hệ thống không ưa ?

Thứ hai, biện pháp tự kê khai thu nhập mấy năm nay tại Trung Quốc đã không tỏ ra hiệu quả. Theo Nam phương Đô thị báo, nếu không có biện pháp ràng buộc mà chỉ dựa vào lương tâm của mỗi cán bộ, thì không thể chống tham nhũng thành công. Bởi nếu chỉ dựa vào lương tâm, những cán bộ thật sự liêm khiết chắn chắn sẽ chẳng ngại gì mà kê khai tài sản để chứng minh mình trong sạch. Trong khi đó, các quan tham cũng không ngại dùng đủ trò gian dối để có được danh tiếng “liêm khiết”.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:



Lê Chân (tổng hợp)

Bình luận(0)