Châu Á: Từ “phép lạ kinh tế” đến đối đầu nguy hiểm

Google News

(Kiến Thức) – Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn nguy hiểm nhất trên thế giới trong năm 2013.

 Tàu công vụ Trung Quốc khuấy đảo vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.

Khi xem xét chính sách đối ngoại nhiệm kỳ hai, Tổng thống Barack Obama phải đối mặt với các chiến binh thánh chiến lan rộng trên khắp Bắc Phi, Syria rơi vào hỗn loạn, Israel và Palestine bị chia rẽ hơn bao giờ hết, Iraq có nguy cơ nội chiến, Afghanistan bị sa lầy và Iran không ngừng tăng tốc chương trình hạt nhân.

Nhưng tất cả những “đám cháy” đó chẳng thấm vào đâu so với “Hỏa Diệm Sơn” Đông Á đang chực chờ bùng phát.

Kể từ khi ông bước vào Nhà Trắng, ông Obama đã muốn chuyển sự chú ý và nguồn lực đến Thái Bình Dương bởi vì thế kỷ 21 sẽ là một thế kỷ của Thái Bình Dương.

Chỉ có điều khu vực của “những phép lạ kinh tế” này đã trở thành một khu vực của cuộc đối đầu đáng sợ. Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, với các băng video miêu tả New York chìm trong biển lửa. Tàu chiến Trung Quốc đã chĩa radar nhắm bắn mục tiêu vào tàu và máy bay trực thăng Nhật Bản. Tranh cãi giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines, Ấn Độ và Trung Quốc… đang ngày càng gia tăng, trong khi  Đài Loan luôn luôn là một điểm nóng tiềm tàng. Đáng ngại là bất kỳ một cuộc xung đột nào trong khu vực đều có thể kéo Mỹ nhập cuộc.

Diễn biến đáng sợ nhất có thể là ở miền Bắc Triều Tiên. Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un có vẻ như đã quyết định mở rộng và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân cho đến khi ông ta trở thành một mối đe dọa thực sự không chỉ đối với Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn cả với Mỹ. Có tin nói các quan chức Trung Quốc cũng phát hoảng trước thái độ không khoan nhượng của Kim Jong-un, nhưng lại không muốn cố gắng kiềm chế “ông trẻ” Kim vì sợ dẫn đến bất ổn hơn nữa. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Obama đã theo đuổi chính sách phớt lờ Triều Tiên càng nhiều càng tốt, trong khi làm rõ rằng ông sẽ phản ứng quyết liệt nếu thấy cần thiết.

Trong khi đó, thái độ độc đoán ngày càng tăng của Trung Quốc khiến cho các nước láng giềng khắp khu vực Đông Nam và Đông Á lo ngại, bất bình. Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông, mặc dù những khu vực đó ở cách xa bờ biển Trung Quốc gấp bội so với bờ biển Việt Nam, Malaysia hay Philippines. Trung Quốc cũng điều động máy bay và tàu công vụ thách thức Nhật Bản trong khu vực quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi quần đảo Điếu Ngư. Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự và khiến cho “người hàng xóm” Nhật Bản cũng phải lao theo.

Các nhà lãnh đạo Đông Á hiện nay đều là “hậu duệ” của các nhà lãnh đạo từng đánh nhau trong thế kỷ trước và đang phải khoác lên vai những gánh nặng của quá khứ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là cháu trai của một nhà lãnh đạo của Đế quốc Nhật từng chiếm đóng Trung Quốc và sau đó trở thành một thủ tướng thân Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Tổng thống Hàn Quốc mới đắc cử Park Geun Hye là con gái của một vị tổng thống lâu năm có bà mẹ bị giết bởi một người ủng hộ Bắc Triều Tiên. Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, là con trai của một đồng chí của Mao Trạch Đông từng đánh Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ II. Còn Kim Jong-un là cháu nội của Kim Nhật Thành - người đã từng chiến đấu với Nhật Bản trong những năm 1930-1940 và chống Mỹ hồi đầu những năm 1950.

Trung Quốc là một cường quốc đang lên và một nền kinh tế đang phát triển, nhưng dễ bị cám dỗ trong việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc để đánh lạc hướng dân chúng trước những bất ổn, rắc rối trong nước. Chính trường Nhật Bản không ổn định, với việc gần như mỗi năm thay một vị thủ tướng trong thập kỷ qua, khiến cho nước này tỏ ra yếu hơn so với sức mạnh kinh tế và quân sự vốn có.

Tất cả những bất ổn nói trên khiến cho một số nước ở khu vực cần đến sự hiện diện của Mỹ để “tái cân bằng” và Tổng thống Obama đã cam kết “xoay trục” về châu Á-Thái Bình Dương.  Một số nhà lãnh đạo khu vực hy vọng Tổng thống Obama thực hiện lời hứa của mình, nhưng liệu nước Mỹ có thể làm được gì khi Hải quân Mỹ lại một lần nữa phải thông báo giảm số lượng tàu chiến và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta phải ra lệnh giữ một tàu sân bay ở lại quân cảng vì… ngân sách quốc phòng hạn hẹp.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:




Lê Chân (theo Washington Post)

Bình luận(0)