Động cơ can thiệp quân sự Mali của Pháp là gì?

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 11/01/2013, các lực lượng Không quân và Lục quân Pháp bất ngờ mở chiến dịch quân sự ở Mali với danh nghĩa "chống khủng bố" và "bảo vệ chủ quyền quốc gia" của Cộng hòa Mali.


Máy bay ném bom Mirage-2000 của Pháp trong chiến dịch
"chống khủng bố" ở Mali. 

Chiến dịch sẽ kéo dài

Chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp, mang tên là "Serval" ("Mèo rừng châu Phi") dựa trên cơ sở Nghị quyết 2085 được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua ngày 20/12/2012 cho phép triển khai một lực lượng quốc tế tại Mali. Trong chiến dịch này, ngoài việc dùng không quân hỗ trợ cho quân đội Mali, Pháp đã sử dụng nhiều đơn vị quân đội tại Thủ đô Bamako với danh nghĩa là "để đảm bảo an ninh cho khoảng 6.000 công dân Pháp". Chiến dịch này được cho là sẽ phải kéo dài vì theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, sau mấy ngày giao tranh, quân Pháp vẫn chưa hoàn toàn chặn đứng được đà tiến của các nhóm vũ trang Hồi giáo.

Ngày 12/01/2013, quân đội Mali chỉ mới tạm thời làm chậm bước tiến của các lực lượng Hồi giáo vũ trang tại khu vực chung quanh TP Konna, miền Trung Mali, nơi đã từng bị phiến quân đánh chiếm trước đó. Trong mấy ngày qua, chiến sự diễn ra rất ác liệt. 

Theo tin từ chính quyền Mali, đã có 11 binh sĩ Mali tử trận, 60 người khác bị thương và 1 sĩ quan Không quân Pháp bị thiệt mạng, sau khi 1 chiếc trực thăng chiến đấu của Pháp bị rơi trên chiến trường. Về phía lực lượng Hồi giáo đã có khoảng 100 người chết. Theo các nguồn tin tình báo hôm 13/01/2013, Kojak-một chỉ huy cao cấp của nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan "Ansar Dine", đã tử trận. Riêng về thường dân, tổ chức phi chính phủ "Human Rights Watch" xác định, có 10 người thiệt mạng, trong đó có 3 trẻ em.

Trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali, Quân đội Pháp không đơn độc. Các quốc gia châu Phi như Burkina Faso, Niger và Senegal thông báo sẽ gửi mỗi nước một tiểu đoàn khoảng 500 binh sĩ tới Mali. Các đơn vị châu Phi đầu tiên đã đến Mali vào ngày 13/01/2013. Riêng Nigeria cho biết đã gửi một đội ngũ kỹ thuật Không quân đến Mali. 

Một Afghanistan mới của Pháp


Trong số các nước phương Tây, Pháp là nước duy nhất gửi quân tới trực tiếp tham chiến trên chiến trường Mali. Các nước khác sẽ chỉ hỗ trợ về mặt hậu cần. Trong khi đó, Mỹ có thể giúp Pháp trong nhiều lĩnh vực như tiếp tế nhiên liệu trên không, sử dụng máy bay không người lái để giám sát hiện trường và chia sẻ thông tin tình báo. Washington tuyên bố, Mỹ ủng hộ mục tiêu "ngăn chặn khủng bố" mà Pháp tuyên bố khi phát động chiến tranh ở Mali.

Theo yêu cầu của Pháp, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp khẩn cấp vào ngày 14/01/2013 để thảo luận về cuộc xung đột ở Mali. Trước đó, tháng 12/2012, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết số 2085 chấp thuận một kế hoạch cho phép các nước Tây Phi điều động ít nhất 3.000 binh sĩ đến Mali để giúp huấn luyện quân đội nước này và tái chiếm lại miền Bắc đã bị các lực lượng li khai chiếm đoạt. Tuy nhiên, theo đó thì phải đến tháng 9/2013, các binh sĩ bên ngoài mới có mặt ở Mali.  

Giới phân tích cho rằng sở dĩ Pháp sẵn sàng hành động trái với thời hạn đề ra trong Nghị quyết 2085 của Hội đồng Bảo an LHQ là do Mali là một cựu thuộc địa của Pháp và Paris vẫn còn nhiều quyền lợi về chính trị, kinh tế ở quốc gia này. Phía Pháp giải thích rằng họ điều động binh sĩ đến Mali "theo yêu cầu của Chính phủ Mali".

Câu hỏi mà công luận Pháp quan tâm hiện nay là cuộc khủng hoảng Mali sẽ kéo dài bao lâu? Theo giới chuyên gia, đằng sau chiến dịch quân sự, Pháp muốn có một giải pháp chính trị cho Mali, thông qua thương lượng giữa chính quyền Bamako và Phong trào quốc gia giải phóng Azaward MNLA, cũng như với các tổ chức "không phải là khủng bố". Nếu đạt được thỏa thuận, thì việc can thiệp lên phía Bắc Mali, truy diệt các tổ chức khủng bố sẽ dễ dàng hơn. 

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia quân sự, Mali có thể sẽ là "một Afghanistan khác đối với nước Pháp". Vụ khủng bố bắt cóc con tin tàn bạo ở Algieria vừa qua nhằm mục đích đe dọa và ra điều kiện buộc Pháp rút quân khỏi Mali là dấu hiệu chứng tỏ Paris sẽ chẳng dễ dàng gì trong cuộc chiến "chống khủng bố" này. 

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:


Hương Ly

Bình luận(0)