Ẩn ý trong bài phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un

Google News

(Kiến Thức) - Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan kêu gọi Bình  Nhưỡng “quyết định đúng đắn và khôn ngoan” bằng cách “hợp tác với các nước láng giềng”.

 Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan kêu gọi Bình  Nhưỡng “hợp tác với các nước láng giềng”.

Lời kêu gọi này được đưa ra, một ngày sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh sự cần thiết cho việc giải quyết tình trạng đối đầu giữa hai miền. Đáng lưu ý là phát biểu đầu năm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un không chứa đựng những lời cáo buộc Hàn Quốc và ông đã phá vỡ “thông lệ” của người cha quá cố. Lúc sinh thời, cha ông là Kim Jong-il không hề phát biểu nhân dịp năm mới. Ông nội Kim Nhật Thành có bài phát biểu đầu năm cuối cùng vào năm 1994, sáu tháng trước khi qua đời.

Việc ông Kim Jong-un trực tiếp phát biểu trên truyền hình và không viết trên báo chí chính thức khiến cho giới phân tích coi đây là dấu hiệu tích cực.

Nhà phân tích Mark Fitzpatrick, giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, nhận xét: “Lời lẽ trong bài phát biểu khá ôn hòa, không giống như giọng điệu tuyên truyền thường thấy ở Bắc Triều Tiên”. Trong bài phát biểu, ông Kim tập trung vào vấn đề kinh tế, kêu gọi “các lực lượng chống thống nhất” ở Hàn Quốc “từ bỏ chính sách thù địch” và theo đuổi “ hòa giải dân tộc, thống nhất và tái thống nhất đất nước”,

Bình Nhưỡng đã nhiều lần đả kích Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak với ngôn ngữ cay độc, quở trách cả ông Lee lẫn bà Park Geun-hye về việc đòi Triều Tiên từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân như một điều kiện tiên quyết để Hàn Quốc nối lại viện trợ về thực phẩm và phân bón, như trong thời kỳ “Chính sách Ánh dương” trong thập kỷ 1998-2008.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề nghị trở lại với thời kỳ nói trên, thông qua việc đề cập đến các Tuyên bố chung mà các vị Tổng thống Hàn Quốc đã ký kết trong các hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng hồi tháng 6/2000 và tháng 10/2007. Cố Tổng thống Kim Dae-jung (1998-2003) từng theo đuổi “Chính sách Ánh dương” và người kế nhiệm ông là Tổng thống Roh Moo-hyun đã thực hiện chính sách này từ năm 2003 đến năm 2008.

Bài phát biểu của ông Kim Jong-un ngụ ý rằng Bắc Triều Tiên có thể chấp nhận một điều kiện Hàn Quốc như tránh đả kích cá nhân cay độc, ít đe dọa tấn công Hàn Quốc ở Hoàng Hải…để đổi lấy viện trợ.

Xem ra, các quan chức Hàn Quốc không chấp nhận ngay lập tức thiện chí này. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Yoo Woo-ik mô tả tuyên bố của của Kim Jong-un là "nhạt nhẽo" với "không có đề xuất mang tính đột phá."

Nhà phân tích Fitzpatrick, cựu quan chức cấp cao chuyên về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cảnh báo rằng không nên coi bài phát biểu của ông Kim là một sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Bình Nhưỡng.

Quan tâm đến việc nối lại đối thoại với Triều Tiên, Tổng thống đắc cử Park Geun-hye cho biết bà sẵn sàng viện trợ "nhân đạo" cho Triều Tiên và dự kiến sẽ điều chỉnh viện trợ nhân đạo tùy thuộc vào sự đáp ứng của Bình Nhưỡng.

Tranh cãi giữa hai miền có thể sẽ gia tăng, khi Hàn Quốc trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng này, với nhiệm kỳ 2 năm. Hàn Quốc từng kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, sau khi nước này phóng tên lửa tầm xa đưa một vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo hồi tháng 12 năm ngoái. Hội đồng Bảo an đã trừng phạt Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất hồi tháng 5/2009. Nhưng Triều Tiên vẫn  tiếp tục nhận được thực phẩm, nhiên liệu và nhiều sự trợ giúp khác từ phía Trung Quốc.

Nhà phân tích Fitzpatrick cho rằng tăng cường trừng phạt Triều Tiên có thể phản tác dụng. Ông này cảnh báo Bình Nhưỡng có thể lại tiến hành thử nghiệm hạt nhân và lưu ý rằng nước này dường như đã hoàn thành hầu hết các công việc chuẩn bị cho thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba. Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên trong tháng 10/2006.

Tuy nhiên, theo ông Fitzpatrick, bài phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un bộc lộ ý muốn kiềm chế giới quân sự Triều Tiên. Ông lưu ý: “Ba lần ông Kim nói về đoàn kết xung quanh Đảng Lao động Triều Tiên. Điều này phù hợp với tái cân bằng quyền lực. Quân đội phải phục tùng sự lãnh đạo của đảng”.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:


 

Lê Chân (theo Christian Science Monitor)

Bình luận(0)