Philippines và Trung Quốc: con kiến kiện củ khoai?

Google News

(Kiến Thức) – Theo giới chuyên gia, việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc lên LHQ về Biển Đông là chưa có tiền lệ và phải mất 3-4 năm để "đi qua" toà án quốc tế.

Philippines thẳng thừng bác bỏ “đường chín đoạn”

Ngày 22/1, tại cuộc họp báo ở Manila, Ngoại trưởng Albert del Rosario thông báo Philippines đã chính thức khởi kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài được thành lập theo Điều 287 và phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Ngoại trưởng Albert del Rosario thông báo Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc trước Tòa án trọng tài UNCLOS

Theo Ngoại trưởng Albert del Rosario, đơn kiện gồm các điểm chính như sau: Philippines khẳng định cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông là trái với UNCLOS, vì vậy “đường chín đoạn” là bất hợp pháp; trong phạm vi khu vực biển giới hạn bởi cái gọi là “đường chín đoạn”, Trung Quốc đã chiếm giữ và xây dựng nhiều công trình trên một số bãi, vỉa đá ngầm không được xem là đảo theo UNCLOS và là một phần của thềm lục địa Philippines hoặc đáy biển quốc tế; Trung Quốc đã cản trở Philippines thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền trong các vùng biển hợp pháp của Philippines cũng như ở các bãi, vỉa đá ngầm và vùng biển xung quanh.

Philippines cũng yêu cầu Tòa án trọng tài LHQ xác định các quyền của Trung Quốc, bao gồm quyền về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải ở Biển Đông theo UNCLOS; khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Ttrung Quốc ở Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” là trái với UNCLOS và bất hợp pháp; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm quyền lợi của Philippines ở vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines ở Biển Đông.

Tại cuộc họp báo ngày 23/1 ở Manila, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Gilberto Asuque đã lưu ý rằng vụ kiện không nhằm mục đích phân xử chủ quyền hay phân định ranh giới biển mà chỉ đề nghị Tòa án Trọng tài LHQ căn cứ theo UNCLOS xác định nghĩa vụ của Trung Quốc; đồng thời buộc nước này phải tôn trọng các đặc quyền thăm dò và khai thác tài nguyên của Philippines ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này. Ông khẳng định nếu Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, Philippines vẫn sẽ theo đuổi quy trình tố tụng theo phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển.

Ông Gilberto Asuque cho biết Manila đã chỉ thị cho các cơ quan ngoại giao Philippines trên thế giới gửi công hàm về nội dung vụ kiện cho các nước và các tổ chức quốc tế. Công hàm đề nghị các nước ủng hộ nỗ lực của Philippines trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tranh chấp ở biển Đông.

Trong một động thái hiếm hoi, ngày 23/1 Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng thận trọng đề cập đến tranh chấp ở Biển Đông. Ông cho biết LHQ sẽ hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn, nhưng cũng thêm rằng  “trước hết nên tìm cách giải quyết giữa các nước có liên quan”.

Trung Quốc kiên quyết “đàm phán song phương”

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục bám lấy quan điểm chỉ giải quyết vấn đề thông qua đàm phán song phương, không có sự can thiệp của bên thứ ba.

 Phát ngôn viên Hồng Lỗi: "Trung Quốc chỉ ủng hộ đàm phán song phương với các nước trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông".

Trung Quốc ngay lập tức đã phản đối mạnh mẽ việc Philippines “đi kiện”, tái khẳng định quan điểm chỉ đàm phán song phương và còn tố ngược lại rằng Manila đã “xâm phạm các đảo của Trung Quốc”. Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi ngày 23/1 nói rằng vụ Philippines kiện Trung Quốc chỉ làm phức tạp thêm vấn đề Biển Đông. Ông này lặp lại quan điểm rằng Trung Quốc chỉ ủng hộ đàm phán song phương với các nước trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở biển Đông.

Trang web của Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines đăng bài viết của giáo sư Ngô Huệ (Đại học Quan hệ quốc tế Bắc Kinh) bác bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án quốc tế. Bài viết cho rằng Philippines cần nhận thức rõ luật pháp quốc tế phản đối không chỉ nước lớn bắt nạt nước nhỏ mà còn phản đối nước nhỏ gian lận (???).

Báo Washington Post dẫn lời chuyên gia Trần Thiếu Phong ở Đại học Bắc Kinh nhận định sẽ không có phiên tòa nào được mở ra vì Trung Quốc sẽ không đồng ý đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế và cũng không chấp nhận phán quyết của tòa án này. Ông này lưu ý trong lịch sử Trung Quốc không có tiền lệ cho phép tòa án quốc tế phân xử các vụ tranh chấp lãnh thổ, bất kể tranh chấp trên biển hay trên đất liền.

Ý kiến của các chuyên gia

Giới quan sát cho rằng Philippines chấp nhận mạo hiểm khi “kiện” Trung Quốc về Biển Đông. Từ trước đến nay, Trung Quốc đều muốn giải quyết các cuộc tranh chấp trên cơ sở song phương, chứ không  thông qua các tổ chức khu vực hay tổ chức quốc tế hay sự can dự của bên thứ ba.

 Giáo sư Carl Thayer: "Phiên tòa có thể diễn ra mà không có sự tham dự của phía Trung Quốc".

Giáo sư Carl Thayer của trường Ðại học New South Wales nhận định rằng phiên tòa có thể diễn ra mà không có sự tham dự của phía Trung Quốc. Ông nói một quyết định thuận lợi sẽ đem lại cho Philippines một thắng lợi tinh thần: “Nếu tòa phán quyết thậm chí chỉ thiên một phần về Philippines thôi, thì cũng làm xẹp bớt những khẳng định của Trung Quốc, đem lại thêm tính hợp pháp và sự che chở quốc tế cho Philippines”. Giáo sư Carl Thayer nhận định dù không có cơ chế thực thi nhưng nếu Tòa án LHQ phán quyết cái gọi là “đường chín đoạn” là phi pháp, Trung Quốc sẽ phải chịu nhiều sức ép từ cộng đồng quốc tế và cộng đồng pháp lý quốc tế.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế (ĐH Quốc gia Singapore) Robert Beckman nhận định Philippines có thể được Tòa án quốc tế ủng hộ, nếu không gắn liền tranh chấp với các hoạt động quân sự hay các điều khoản phân định biên giới trên biển. Ông cho biết Hội đồng trọng tài hoàn toàn có thể bác tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc bởi vì cho đến nay, Trung Quốc không hề chứng minh cái gọi là “đường chín đoạn” trước luật pháp quốc tế.

Báo Taipei Times dẫn lời giáo sư Rene de Castro (ĐH De La Salle ở Philippines) cho rằng vụ Philippines “kiện” sẽ không có nhiều tác dụng bởi vì Trung Quốc khăng khăng đòi giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương. Báo Global Post (Hong Kong) nhận định ngay cả khi tòa án quốc tế yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Philippines, Bắc Kinh cũng sẽ bỏ ngoài tai.

Đa số các chuyên gia phân tích đều cho rằng tranh giành chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines sẽ không được giải quyết “một sớm, một chiều” và phải mất 3-4 năm để "đi qua" toà án quốc tế.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:


TIN LIÊN QUAN:





Lê Chân (tổng hợp)

Bình luận(0)