Cái khó của ông Obama trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai

Google News

(Kiến Thức) -Tổng thống Obama sẽ phải làm gì, khi dân số Mỹ tăng thêm 12,5 triệu người và ngân sách bị “bốc hơi” 16% trong vòng 4 năm tới. 

 Làm gì trong nhiệm kỳ hai?

Barack Obama bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai tại Nhà Trắng, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp chưa từng có.

Mức trần chi tiêu mà Tổng thống Obama đã ký thành luật năm 2011 sẽ gây khó khăn cho việc thúc đẩy đầu tư trong giáo dục, nghiên cứu khoa học, giao thông vận tải và nhiều lĩnh vực khác mà ông cho rằng sẽ giúp nước Mỹ có sức cạnh tranh toàn cầu cao và thay đổi công nghệ nhanh chóng.

Theo ước tính của Nhà Trắng, do mức trần không theo kịp lạm phát và tăng trưởng dân số, trên thực tế số tiền dành cho chính phủ Mỹ chi tiêu sẽ bị giảm hơn 16% khi Tổng thống Obama rời nhiệm sở vào năm 2017.

Điều đó có thể hạn chế các khoản đầu tư cho giáo dục đại học, mầm non, dạy nghề và các chương trình khác mà ông Obama dự kiến sẽ thúc đẩy. Theo mức trần hiện tại, các khoản đầu tư vào các lĩnh vực nói trên sẽ bị cắt giảm đáng kể.  

Trong một thỏa thuận cho phép chính phủ Mỹ tránh bị vỡ nợ lần đầu tiên hồi tháng 8/2011, Tổng thống Obama và đối thủ Cộng hòa đã đồng ý giới hạn chi tiêu và sẽ tiết kiệm chi tiêu chính phủ cả nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Cắt giảm “không phải là công thức cho tăng trưởng”

Các mức trần bao trùm lên 36% chi tiêu của chính phủ do quốc hội thiết lập hàng năm. Mức trần này đụng chạm hầu hết mọi lĩnh: từ Bộ Quốc phòng cho đến Quỹ Nghệ thuật Quốc gia.

Nó cũng đụng chạm đến các chương trình xã hội mà Tổng thống Obama nói là rất quan trọng cho chương trình nghị sự của ông về tăng cường cơ hội cho tất cả mọi người và gia tăng tầng lớp trung lưu.

Nhà Trắng ước tính rằng chi tiêu phi quân sự, vốn đã bị giảm  4,3% trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9/2011,  sẽ còn bị giảm thêm 2,8% khi ông Obama rời nhiệm sở trong tháng 1/2017. Cắt giảm tự động có hiệu lực trong tháng 3/2013 sẽ cắt giảm chi tiêu thêm 8%, trừ khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đồng ý bãi bỏ khoản cắt giảm này.

Bác bỏ cáo buộc của phe Cộng hòa rằng ông hề không quan tâm về việc giảm thâm hụt cả nghìn tỷ USD, Tổng thống Obama đã đề nghị cắt giảm 100 tỷ USD chi tiêu phi quân sự trong cuộc thương lượng về “vách đá tài chính” với Chủ tịch Hạ viện John Boehner của phe Cộng hòa. Nhưng ông Obama cũng cảnh báo rằng cắt giảm hơn nữa sẽ làm suy yếu khả năng cạnh tranh và sức mạnh của nước Mỹ trong tương lai. Tại một cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Obama nói: “Việc cắt giảm chúng tôi đã phải thực hiện ... không phải là công thức cho tăng trưởng”. Tuy Nhà Trắng nói rằng họ vẫn có thể hoạt động trong mức trần chi tiêu hiện hành, miễn là tập trung ưu tiên chi tiêu cho các lĩnh vực quan trọng nhất, nhưng các chuyên gia có kinh nghiệm nói rằng chính quyền này sẽ là cực kỳ khó khăn trong nhiệm kỳ tới.

Dân số tăng, ngân sách giảm

Cục điều tra dân số dự báo dân số Mỹ sẽ tăng thêm 12,5 triệu người trong bốn năm tới. Điều đó sẽ buộc các cơ quan chính phủ phải tăng cường nhân sự để tránh bị giảm chất lượng phục vụ.

Ví dụ, Cục điều tra liên bang (FBI) sẽ cần có thêm các nhân viên chống tội phạm và IRS sẽ cần nhiều nhân viên giám định thuế hơn. Lưu lượng giao thông gia tăng sẽ khiến cho các đường cao tốc xuống cấp nhanh hơn và số hành khách đi máy bay nhiều hơn sẽ buộc cơ quan kiểm soát không phải tăng thêm số nhân viên. Các nhà tù cũng sẽ phải mở rộng, khi có dự kiến số tù nhân sẽ tăng thêm 8% trong vòng bốn năm tới.

Một số cơ quan như Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia có thể tiết kiệm tiền thông qua tự động hóa, nhưng các cơ quan khác như Cục An sinh xã hội sẽ nhận thấy rằng “siêu máy tính” chẳng giúp gì cho tăng năng suất lao động.  Máy tính thế hệ mới có thể tăng gấp đôi tốc độ xử lý, nhưng các khách hàng già nua thì ngày càng nói chậm rãi hơn.

Cũng có ý kiến cho rằng chính quyền Obama cần cắt giảm hơn nữa các chương trình không hiệu quả.

Năm ngoái, chính quyền Obama năm ngoái đã đề xuất cắt giảm chi tiêu phi quân sự 5,2 tỷ USD và 3,3 tỷ USD ngân sách quốc phòng. Do Quốc hội Mỹ không thông qua bất kỳ khoản chi tiêu cho năm tài chính bắt đầu từ tháng 10/2012, những khoản cắt giảm đó không có một cơ hội để trở thành luật.

Về phần mình, các chuyên gia ngân sách Quốc hội cũng phải thừa nhận rằng mức trần chi tiêu hiện hành đang cản trở chính phủ hành động. Họ cũng tin tưởng rằng mức độ cắt giảm chi tiêu có thể sẽ giảm bớt trong những năm tới, khi kinh tế Mỹ tăng trưởng làm tăng thêm thu nhập về thuế và giảm bớt thâm hụt ngân sách.

Có một điều rõ ràng là trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Obama sẽ có ít nguồn tài lực để thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng, phát triển kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của nước Mỹ.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:









Lê Chân (theo Reuters)

Bình luận(0)