Mặt tốt của “vách đá tài chính” Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Năm 2012 kết thúc với tâm trạng bi quan về kinh tế thế giới, nhưng năm 2013 có vẻ khả quan hơn bất chấp "vách đá tài chính" Mỹ.


 Ảnh minh họa

Mặc dù niềm tin tiêu dùng ở Mỹ tăng trở lại vào mùa Thu, nhưng lại sút giảm trong tháng 12, giữa lúc dư luận rộ lên về “vách đá tài chính” sắp xảy ra. Chi tiêu vào mùa Giáng sinh vẫn èo uột, trong khi các doanh nghiệp, viện dẫn bế tắc trong các cuộc đàm phán ở Washington để tạm dừng đầu tư và thuê mướn nhân công. Các phương tiện truyền thông thì đếm ngược đến ngày nước Mỹ sẽ bị vỡ nợ.

Trong khi đó, tất cả các chỉ số hoạt động kinh tế của Mỹ lại rất khả quan. Giá cổ phiếu đã tăng từ 8% đến 14% trong năm 2012; Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng hơn 2% một năm; tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới 8% và mức lương khá ổn định ngay cả khi lạm phát bằng không. Giá năng lượng đã giảm và giá nhà đã tăng lên. Gánh nặng nợ nần cho các hộ gia đình Mỹ đang ở mức thấp nhất trong 29 năm qua và đại đa số người tiêu dùng đã tỏ ra linh hoạt hơn trong chi tiêu.

Khốn nỗi, những điểm sáng trên lại không được đề cập đến ở Washington, trong những bình luận ở Wall Street và trong các phương tiện thông tin đại chúng. Người ta chỉ nghe nói về “vách đá tài chính” và theo Cơ quan Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), nước này đang sa vào suy thoái, với tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn và vấp phải nhiều vấn đề khác.

Nhận định đó có thể là đúng, nhưng lại ít có khả năng xảy ra.

Thứ nhất, CBO có một cái nhìn khá tiêu cực. Nếu chính phủ không làm gì trong cả năm 2013 để bù đắp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu bắt buộc kể từ ngày 1/1/2013, CBO dự báo kinh tế Mỹ sụt giảm hơn 1% trong nửa đầu năm 2013. Nhưng CBO cũng dự báo sau đó sẽ tăng trưởng 2% trong 6 tháng cuối năm và tăng mạnh hơn nữa trong năm 2014. Trong vòng thập kỷ tới, nước Mỹ có khả năng giảm thâm hụt hơn 10 nghìn tỷ USD.

Chỉ có điều, việc cắt giảm một cách vô tội vạ không phải là cách tốt nhất để cân bằng ngân sách, khi mà trợ cấp thất nghiệp không được nâng lên và chương trình chi tiêu của chính phủ cũng bị cắt giảm.

Tuy nhiên, bất kể tình trạng rối loạn chức năng hiện nay ở Washington, xác suất chính quyền không làm gì để giải quyết vấn đề “vách đá tài chính” trong những tháng tới là gần như bằng không. Không có Quốc hội Mỹ nào lại muốn có 12 triệu người không có thu nhập.

Nhưng những biện pháp còn lại - bao gồm cả việc giảm chi tiêu quốc phòng không cần thiết và tăng thuế đối với người giàu - là những biện pháp cần thực hiện và có nhiều khả năng biến thành hiện thực.

Hệ thống kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu. Hàng chục triệu người lao động, chủ yếu là nam giới, đã mất đi lợi thế cạnh tranh trước những người lao động được trả lương thấp hơn trên thế giới và trước đám người máy. Không những thế, công nghệ thông tin cũng đã khiến cho nhiều công việc của thế kỷ 20 trở nên không cần thiết.

Liệu nước Mỹ sau cơn ốm nặng này lại có thể trở thành một xã hội thịnh vượng, hướng về dịch vụ  và kinh doanh sáng tạo?

Những người bi quan cho rằng nếu không có một loại tiền tệ dựa trên một cái gì đó hữu hình như vàng chẳng hạn và một nền kinh tế dựa trên một cái gì đó hữu hình, như sản xuất, thì tương lai của nước Mỹ sẽ là ảm đạm.
Quan điểm này vẫn coi chính phủ giữ vị trí trung tâm và trụ cột, giống hệt như hồi thế kỷ 20. Thế nhưng, chính phủ liên bang hiện thời hầu như không phải là “cái rốn của vũ trụ” đối với công cuộc đổi mới và có thể cũng không còn quan trọng như người ta tưởng.

“Vách đá tài chính” có thể bộc lộ vai trò của chính phủ Mỹ trong lĩnh vực kinh tế là yếu hơn so với tất cả các quang phổ chính trị khác. Tương lai kinh tế của Mỹ không nằm trong những gì mà Washington làm không hay không làm mà phụ thuộc nhiều vào những gì mà hàng chục triệu người Mỹ, đặc biệt là những người dưới 30 tuổi, làm trong tương lai. Có học vấn cao và tiếp cận với công nghệ tiên tiến, sự vượt trội của hàng triệu người Mỹ trong các nền kinh tế mới dựa trên xã hội truyền thông và các ứng dụng phần mềm đang thay đổi cách thức kinh doanh, giao dịch thương mại.

Trên phạm vi toàn cầu, châu Âu vẫn còn sa lầy trong tình trạng trì trệ nhiều năm. Nhưng châu Âu không còn là một mồi lửa để đốt cháy thêm một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Kinh tế Trung Quốc cũng “không hạ cánh bằng bụng” như người ta tưởng. Mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, nhưng Trung Quốc vẫn là một người khổng lồ kinh tế và bước vào giai đoạn tăng trưởng kéo dài dựa vào tiêu dùng nội địa. Mỹ Latinh tiếp tục đạt được một loạt những thành công đáng ghi nhận: từ sự tiến hóa ổn định của Brazil đến sự phát triển của Chile và Peru dựa trên các nguồn tài nguyên phong phú.

Mexico là một lần nữa lại trở thành công xưởng sản xuất khu vực. Nước này có một nền dân chủ hoạt động hữu hiệu, một chính phủ có sức sống mới do một vị tổng thống trẻ điều hành và một dân số trẻ có trình độ học vấn cao. Nếu Mexico phát triển mạnh, Canada và Mỹ sẽ được hưởng lợi rõ ràng.

Nói tóm lại, “vách đá tài chính” không nhất thiết là thảm họa đối với nước Mỹ mà có thể là một chất xúc tác để nước Mỹ “lột xác” lại trở thành đầu tàu kinh tế thế giới.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:



Lê Chân (theo Reuters)

Bình luận(0)