10 câu hỏi liên quan đến khủng hoảng Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Thế giới ngày càng quan ngại về khủng hoảng Triều Tiên đang leo thang, một phần vì tình hình không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Đài Deutsche Welle tìm cách cung cấp  một cái nhìn tổng quan về  khủng hoảng Triều Tiên, dưới dạng 10 câu hỏi và 10 câu trả lời.
10 cau hoi lien quan den khung hoang Trieu Tien
 Triều Tiên phóng đồng loạt 4 tên lửa đạn đạo. Ảnh: NBC
Chiến tranh Triều Tiên có liên quan gì đến cuộc xung đột ngày nay?
Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vẫn còn ám ảnh tâm trí của người dân riều Tiên, không chỉ vì Bình Nhưỡng luôn cố gắng tuyên truyền về cuộc chiến tranh này. Sự tuyên truyền chống Mỹ của Triều Tiên rất có hiệu quả. Chỉ trong ba năm chiến tranh, Mỹ đã tiến hành chiến dịch ném bom tàn bạo chống CHDCND Triều Tiên và giết 1/5 dân số nước này. Về mặt kỹ thuật, Chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa chấm dứt vì không có hiệp ước hòa bình nào được ký kết mà chỉ có một lệnh ngừng bắn h đã kéo dài suốt 64 năm qua. Sự hiện diện của 30.000 lính Mỹ tại Hàn Quốc và các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn thường xuyên khiến người dân Triều Tiên có cảm giác luôn bị đe dọa.
Cuộc sống của người dân Triều Tiên hiện như thế nào?
Những năm cô lập đã phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế Triều Tiên. Vào giữa những năm 1990, khoảng 300.000 người đã chết trong một trong những nạn đói tồi tệ nhất ở nước này. Liên Hợp Quốc báo cáo rằng hơn 1/3 dân số Triều Tiên bị suy dinh dưỡng.
Chiến lược của nhà lãnh đạo Kim Jong-un?
Tuy mới 33 tuổi, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn có một chiến lược rõ ràng. Chương trình hạt nhân của ông được coi là hợp lý, nếu mục tiêu chính của nó là bảo tồn chế độ. Ông Kim Jong-un không cần tên lửa như vũ khí tấn công, mà mục tiêu của ông là có trong tay phương tiện răn đe buộc Mỹ phải đàm phán trực tiếp và song phương với CHDCND Triều Tiên. Vì lý do này mà nhà lãnh đạo Kim mở rộng chương trình tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên.
Hàn Quốc làm gì trong tình huống hiện nay?
Sau một thời kỳ bất ổn, Hàn Quốc đã bầu được một tổng thống mới là Moon Jae-in - vào tháng 5 năm 2017. Tổng thống Moon Jae-in đang tìm cách hòa giải với CHDCND Triều Tiên và có ý định xa rời cách tiếp cận của Mỹ. Chính sách Triều Tiên bất ổn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm cho nhiệm vụ của Tổng thống Moon Jae-in trở nên khó khăn hơn. Ông Moon Jae-in dường như quan tâm đến việc tránh để cho Hàn Quốc bị biến thành con tin chính trị của một cuộc xung đột quốc tế.
Cuộc xung đột quân sự trên Bán đảo Triều Tiên sẽ diễn ra như thế nào?
Đằng sau hai miền Triều Tiên vũ trang cao độ là những đồng minh cũ trong Chiến tranh Triều Tiên hiện đang ở vào thế đối đầu với nhau. Trung Quốc ủng hộ phương Bình Nhưỡng, trong khi Mỹ ủng hộ Seoul. Một cuộc xung đột sắp tới cũng sẽ liên quan đến Nhật Bản, Nga và NATO. Nếu chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên nổ ra, hàng triệu người có nguy cơ bị chết, thậm chí không sử dụng vũ khí hạt nhân. Thủ đô Seoul với dân số hàng chục triệu người chỉ cách biên giới Triều Tiên chỉ 60 km.
Donald Trump đã thay đổi chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên như thế nào?
Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề tỏ ra kiềm chế trước các hành động khiêu khích mới nhất của CHDCND Triều Tiên, thề sẽ đáp trả bằng “lửa và cuồng nộ”, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa. Mỹ tiếp tục các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm với Hàn Quốc, bất chấp sự phản đối của CHDCND Triều Tiên.
Vì sao Trung Quốc không muốn để gây áp lực hơn nữa với CHDCND Triều Tiên?
Phương Tây muốn Trung Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, đặc biệt liên quan đến xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ điều này và tiếp tục xuất khẩu dầu và lương thực sang Triều Tiên, dưới hình thức "viện trợ nhân đạo". Nhưng Bắc Kinh cũng ủng hộ các biện pháp trừng phạt của LHQ như cấm nhập khẩu than đá và các hàng hoá khác. Trung Quốc lo ngại về sự thay đổi chế độ ở Triều Tiên, đặc biệt nếu nó điều này dẫn đến sự thống nhất Bán đảo Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Hàn Quốc. Điều đó sẽ đặt Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn dưới ảnh hưởng của Mỹ và có nghĩa là lính Mỹ sẽ đóng quân trực tiếp trên biên giới với Trung Quốc. Đây là điều mà ban lãnh đạo ở Bắc Kinh muốn tránh.
Nga có phải là một nhà quan sát thầm lặng?
Moscow cho rằng các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với vận tải hàng không và vận tải trong khu vực" cũng như gây nguy hiểm cho thường dân Nga. Nga cũng có đường biên giới dài 17 km với CHDCND Triều Tiên. Mặt khác, Nga cũng chống lại hành động quân sự của Mỹ và muốn góp phần vào một giải pháp ngoại giao cho các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên. Điện Kremlin thận trọng trong vấn đề trừng phạt của Triều Tiên, nhưng vẫn hợp tác với các nghị quyết của LHQ và đã đình chỉ tất cả các dự án kinh tế quan trọng với Bình Nhưỡng.
Vai trò của Liên Hợp Quốc trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên?
Năm ngoái, LHQ đã đưa ra một chiến lược hợp tác toàn diện với CHDCND Triều Tiên trong 5 năm tới. LHQ muốn làm việc với chính phủ Kim Jong-un và muốn làm cho đất nước này phù hợp với mục tiêu phát triển của LHQ và hỗ trợ tiến bộ kinh tế-xã hội. Đầu tháng 8/2017, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí về một nghị quyết thông qua các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất đối với Triều Tiên cho đến nay. LHQ đã áp đặt một lệnh cấm xuất khẩu than, sắt, chì và hải sản đối với CHDCND Triều Tiên, trị giá khoảng 1 tỷ USD.
Giải pháp ngoại giao vẫn có thể hữu hiệu?
Trong các cuộc đàm phán 6 bên, Triều Tiên đã tìm các khiến cho các đối tác đàm phán chống lại nhau, vì lợi ích riêng của Bình Nhưỡng. Trong suốt 6 năm, Bình Nhưỡng đã tiến hành các cuộc đàm phán với Trung Quốc, Nga, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Với tình hình hiện tại, các chuyên gia đang nói đến cái gọi là “đóng băng kép” (Triều Tiên ngừng chương trình tên lửa-hạt nhân, Mỹ-Hàn Quốc ngừng tập trận chung). Nhưng Bình Nhưỡng muốn một có mức giá cao hơn cho việc ngừng chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Đó là đàm phán song phương với Mỹ và ký kết một hiệp định hòa bình để thay thế cho hiệp định ngừng bắn năm 1953. Vấn đề ở chỗ, Hàn Quốc sẽ phải công nhận một nước Triều Tiên thứ hai trong hiến pháp và Washington sẽ không có lý do hợp pháp để đóng quân Mỹ tại Hàn Quốc, làm suy yếu vị trí của nước này trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Minh Châu (Theo DW)

>> xem thêm

Bình luận(0)