“Chạy xe từ Nam ra Bắc trong 40 tiếng không khác gì tự sát”

Google News

“Tôi là đàn ông hay đi đường dài mà cầm lái 400 km đã ngủ gật liên tục. Hai cô gái chạy xe từ Nam ra Bắc trong 40 giờ quá nguy hiểm”, phượt thủ Hoài Việt nói.

Theo chia sẻ của Võ Huyền Thiên Thư, sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cô và em gái xuất phát ngày mùng 4 Tết Đinh Dậu và có mặt ở Hà Nội ngày mùng 6 âm lịch.
Câu chuyện Võ Huyền Thiên Thư cùng em gái chinh phục hành trình TP. HCM - Hà Nội (1.850 km), chạy xe từ Nam ra Bắc trong 40 giờ đang bị chỉ trích là "ảo" và chơi trội. Phần lớn dân mạng bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực của sự việc.
“Chay xe tu Nam ra Bac trong 40 tieng khong khac gi tu sat”
 Ảnh được cả hai chụp lại trong chuyến đi này. Ảnh: FBNV.
Người trong cuộc nói gì?
Trao đổi với Zing.vn ngày 24/2, Võ Huyền Thiên Thư - nữ sinh cầm lái trong phần lớn hành trình chạy xe từ Nam ra Bắc trong 40 giờ - cho biết cô có đọc và biết những tranh luận trên mạng. Tuy nhiên, 9X bảo không để tâm và không muốn giải thích nhiều.
Thư kể hai chị em di chuyển quãng đường đó an toàn và thoải mái, không nguy hiểm như nhiều người nghĩ.
Theo cô, nhiều ý kiến cho rằng chạy 110 - 120 km/h, đổ đèo với vận tốc 80 - 100 km/h cũng không thể vượt quãng đường như vậy với thời gian 40 tiếng. "Mình chỉ chạy tốc độ trung bình 80 km/h, đổ đèo không quá 60 km/h. Với tốc độ đó, chúng mình không gặp nguy hiểm", Thư cho biết.
9X cũng cho hay họ chỉ dừng lại ăn 2 lần, ngủ võng một trạm và dừng lại nghỉ một đêm. Nữ sinh viên không muốn tiết lộ hành trình cụ thể vì lý do riêng.
"Những người không tin, mình mặc kệ họ. Mình thật sự làm được và hoàn toàn không hành xác, không nguy hiểm", Thiên Thư nêu quan điểm trước những nghi ngờ của nhiều cư dân mạng.
Trên trang cá nhân, Thiên Thư mong mọi người hãy bỏ qua vấn đề cô là con gái và nhận xét một cách công bằng.
“Các bạn nói con gái đi vệ sinh như thế nào? Câu này mình nghĩ chỉ có dành cho những người chưa bao giờ rời xa vòng tay mẹ quá 100 km. Các bạn có biết theo đường Quốc lộ 1A cây xăng rất nhiều, đoạn xa nhất không có cây xăng cũng không quá 50 km.
Các bạn nói: Ngày tôi ra Hà Nội, trời mưa bão, trời lạnh sao chị em tôi đi được. Vậy là các bạn chưa từng biết công dụng của áo mưa nylon, mỏng nhưng rất hiệu quả. Bạn có biết chỉ cần cách mặc khác nhau, nó cũng mang đến hiệu quả giữ ấm khác nhau cho cơ thể", cô gái viết.
Không nên liều lĩnh thực hiện
"Chạy như vậy là không thể", "Các bạn chỉ đi không ăn không ngủ sao?", "Xe khách chạy cũng mất 40 tiếng rồi"... là những bình luận của nhiều dân mạng về câu chuyện của hai cô gái.
Một số người khẳng định có thể đi từ Nam ra Bắc trong 40 tiếng nhưng khá mất sức và nguy hiểm, đặc biệt là với phụ nữ.
Hoài Việt, người đam mê xê dịch và đi phượt nhiều năm, cho rằng hành trình từ Nam ra Bắc trong 40 tiếng là hoàn toàn bình thường, nếu người trong cuộc có kinh nghiệm chạy xe và hai người thay nhau lái.
“Chay xe tu Nam ra Bac trong 40 tieng khong khac gi tu sat”-Hinh-2
 Hoài Việt trong một chuyến đi của mình. Ảnh: NVCC.
Anh Việt phân tích 40 tiếng với khoảng cách hơn 1.800 km, tốc độ bình quân 50 km/h, khoảng 150 km nghỉ một lần; nghỉ ăn trưa 45 phút (ăn nhanh, nghỉ nhanh).
Hai bạn nữ sẽ phải dậy từ lúc 4h30 sáng, vệ sinh cá nhân chuẩn bị đồ đạc 30 phút, khởi hành lúc 5h. Buổi tối, các bạn chạy đến 23h30 hoặc 24h sau đó nghỉ, hôm sau dậy sớm.
Phượt thủ này kể anh từng nhiều lần chạy xe như vậy. Chuyến đi nhớ đời và thực sự hành xác là đến Apachai (cực Tây của Tổ quốc), khoảng cách di chuyển 1.800 km trong 5 ngày 5 đêm.
Là "dân trong nghề", Việt cho rằng hai bạn nữ không nên mạo hiểm chạy xe như vậy. Đã quen với những chuyến đi đường dài, chàng trai cho biết còn “ngủ gật liên tục” khi chạy xe quá lâu. Anh kể có lúc phải vào các khe cống, nằm vật vạ ven đường chợp mắt khoảng 15 phút rồi mới đi tiếp.
“Việc này rất nguy hiểm nếu chạy liên tục 2 ngày như vậy", nam phượt thủ nêu quan điểm.
Hải An (nickname Quỷ Cốc Tử) - người có kinh nghiệm du lịch phượt 16 năm - khẳng định anh hoàn toàn không ủng hộ việc này.
“Chạy xe như vậy không đảm bảo an toàn về mọi mặt, vừa ảnh hưởng sức khỏe của bản thân và cả những người tham gia giao thông khác”, Hải An nêu ý kiến.
Cũng theo nam phượt thủ, xét về cả mặt tình lẫn lý, đi như vậy đều không phù hợp và không nên, nhất là với bạn nữ. Nhiều người trẻ xách ba lô lên và đi với mục đích chinh phục những lộ trình đã lên kế hoạch nhưng cần tính đến việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho chính bản thân.
“Mình hoàn toàn không cổ súy những chuyến đi Nam Bắc như vậy dù các bạn có làm được, vì nó mang quá nhiều rủi ro. Việc này sẽ gây hệ lụy không tốt nếu những người khác có hành động tương tự”, Hải An nói thêm.
Hoài Việt cũng đồng tình với ý kiến của "đồng nghiệp phượt" và cho rằng đi như vậy không khác gì tự sát nên anh không cổ súy các bạn trẻ.
Nhìn nhận ở góc độ an toàn giao thông, thành viên Mai Dũng cho rằng đi để trải nghiệm, ngắm nhìn vẻ đẹp muôn màu của đất nước chứ "cắm đầu cắm cổ" thì không hay.
"Ai đồng ý chứ mình thì né. Các bạn hãy nhớ không chỉ có riêng mình chạy trên đường mà còn nhiều người khác tham gia giao thông", người này nêu quan điểm.
Bác sĩ Trần Chí Thành, Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, cho hay lái xe đường dài khiến cơ thể mệt mỏi, mất tập trung, thiếu ngủ làm ảnh hưởng sức khỏe của người lái.
“Việc lái xe lâu sẽ khiến đồng hồ sinh học cơ thể bị đảo lộn so với thường ngày. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và sức khỏe của người điều khiển phương tiện. Não bộ không quen với nhịp sinh học mới sẽ dẫn đến cơ thể mệt mỏi, thiếu ngủ tạm thời”, bác sĩ Chí Thành cho hay.
Theo nam bác sĩ này, khoa học đã chứng minh người có bệnh động kinh lái xe lâu sẽ cứng cơ, lên cơn co giật. Nếu nhẹ, bệnh nhân mất ý thức thoáng qua, nặng hơn là xuất huyết não, đột quỵ.
Bác sĩ Thành đưa ra lời khuyên bạn trẻ không nên duy trì việc lái xe quá lâu mà cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Theo Hàn Triệt/Zìng.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)