TP HCM có hơn 40% dự án BĐS "chết lâm sàng"

Google News

(Kiến Thức) - TP HCM hiện có 1.219 dự án bất động sản còn hiệu lực triển khai nhưng có đến 405 dự án chưa khởi công, 97 dự án đã khởi công phải tạm ngưng thi công.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, trên địa bàn TP HCM hiện có đến 405 dự án chưa khởi công, 97 dự án đã phải tạm ngừng thi công.
Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, TP HCM hiện có 1.409 dự án bất động sản, trong đó, đã có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc hết hạn văn bản chủ trương đầu tư. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai lại có đến 405 dự án chưa khởi công, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công.
 Bao năm qua, dự án ngay đất vàng Lê Duẩn - Hai Bà Trưng quận 1, TPHCM vẫn là bãi giữ xe.
"Nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án chiếm 41,18% tổng số dự án, và đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản", ông Châu cho hay.
Ông Châu cũng cho biết nhiều dự án bất động sản không thể triển khai được do vướng đền bù giải tỏa, nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% diện tích đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể tự thỏa thuận đền bù được; Có dự án được Nhà nước chỉ định chủ đầu tư nhưng cũng vì vướng khâu giải phóng mặt bằng nên không triển khai được.
Có thể kể đến như Liên danh Công ty Sumitomo Realty & Development và Công ty Hongkong Land được chỉ định chủ đầu tư dự án 164 Đồng Khởi, quận 1 nhưng đã xin trả lại dự án vì không được xác định rõ thời điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổng chi phí tạo lập quỹ đất dự án này).
Do vậy, ông Châu cho biết các doanh nghiệp rất cần được Nhà nước có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.
Đại diện cho HoREA, ông Châu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư trong trường hợp đã bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án được từ 80% diện tích trở lên để sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện, tránh lãng phí thời gian, làm tăng chi phí đầu tư và có thể bị mất cơ hội kinh doanh.
Cũng trong một bài phát biểu của ông Lê Hoàng Châu tại hội thảo “Thực trạng, tiềm năng, giải pháp và định hướng phát triển thị trường bất động sản TPHCM” diễn ra hồi giữa tháng 11/2015, ông Châu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ngưng trệ của nhiều dự án BĐS. Trong đó, có thể kể đến những hạn chế như chưa tạo được cơ chế để xử lý các dự án BĐS dở dang; tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu, lãi suất cho vay vẫn còn chưa hợp lý; vì thế thị trường BĐS mặc dù đang trên đà phục hồi khá nhanh nhưng chưa thật sự vững chắc, phát triển chưa đồng bộ…
“Quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị của TPHCM thời gian qua cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường. Chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của thành phố”, ông Châu nói.
Để giải quyết tình trạng bất động sản “chết lâm sàng” này, ông Châu nêu ý kiến, cần hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật điều chỉnh thị trường BĐS, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả theo hướng minh bạch, nhanh chóng.
“Nhiều doanh nghiệp đề xuất chỉ cần cán bộ nhà nước các cấp “ký nhanh hơn”, đừng xử lý hồ sơ với thái độ “hành là chính” thì sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước, thành phố và doanh nghiệp. Như một đồng chí lãnh đạo vừa mới phát biểu “Chính phủ không thể “dạy khôn” doanh nghiệp”, vì cộng đồng doanh nghiệp trước hết đã góp phần “nghĩ hộ” trên cơ sở tính toán đầy đủ hiệu quả đầu tư.
Do vậy, việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cái tâm phục vụ vô điều kiện của từng cá nhân cán bộ, viên chức nhà nước là yếu tố quyết định, trên cơ sở trả lương tương xứng với trách nhiệm và có cơ chế kiểm tra, giám sát”, ông Châu nói.
Minh Hiếu (Tổng hợp)

Bình luận(0)