Thực hư 30.000 căn nhà giữa Sài Gòn của Chú Hỏa

Google News

Khó ai có thể thống kê hết số nhà cửa do Công ty Hui Bon Hoa xây dựng ở Sài Gòn, Chợ Lớn xưa.

​Sinh ra ở Bình Dương, nhưng từ năm 1965, tôi đã theo cha mẹ lên Sài Gòn, ngụ ở một con hẻm nhỏ nằm cạnh chợ Cầu Muối (nay thuộc phường Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM).
Dãy nhà một trệt một lầu đối diện trước chợ Bến Thành thời thuộc Pháp do Công ty Hui Bon Hoa xây dựng, cho thuê. Bên trái là Quảng trường Quách Thị Trang hiện nay, bên phải là công viên 23/9. Ngôi nhà cao nhất sau là tòa nhà Chú Hỏa, nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Dãy nhà này mới bị bị giải tỏa. - Ảnh tư liệu 
Sau 1975, tôi làm ở UBND phường 18 (nay là phường Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) mấy năm.
Hàng loạt nhà trung tâm Sài Gòn xưa có tên "Nhà Chú Hỏa"
Ngay từ lúc mới lên Sài Gòn, ba tôi đã dắt tôi đi vòng vòng xung quanh nhà, chỉ những căn nhà Chú Hỏa. Đó là những căn nhà trên các con đường quanh nơi gia đình tôi ở đều là nhà của Chú Hỏa do thế hệ cháu chắt ông đang kế thừa.
Có những căn nhà trệt, hầu hết mái lợp ngói, chiều ngang khoảng 4m, chiều dài khoảng 25m, kiểu dáng giống nhau, nằm ở mặt tiền các con đường: Cô Giang, Cô Bắc, Đề Thám, Nguyễn Thái Học, Bến Chương Dương (nay là đường Võ Văn Kiệt), Trần Hưng Đạo...
Có những căn mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, Bến Chương Dương một trệt, một lầu.
Không phải chỉ xây nhà mặt tiền mà nhà Chú Hỏa còn được xây dựng trong các con hẻm lớn nằm chen chúc trên các con đường chung quanh nơi tôi cư ngụ. Chẳng hạn như hẻm 16 đường Cô Giang, hẻm 135 đường Trần Hưng Đạo…
Những ngôi nhà một trệt hai lầu xưa thuộc sở hữu Công ty Hui Bon Hoa ở góc Lê Công Kiều - Phó Đức Chính hiện vẫn sinh hoạt khá bình thường - Ảnh chụp sáng 3/2. - Ảnh: HỒ TƯỜNG 

Cổng hẻm 158 Nguyễn Công Trứ (Q.1, TP.HCM) dẫn vô "khu nhà Chú Hỏa". - Ảnh: HỒ TƯỜNG 
Ông nói về Chú Hỏa và con cháu đã tạo dựng nên số nhà cửa "khủng" gần 30.000 căn khắp Sài Gòn, Chợ Lớn.
Lớn lên một chút, khi đi trên các con đường ở khu vực trung tâm Sài Gòn thuở ấy, như các con đường: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do (nay là đường Đồng Khởi), Lê Thánh Tôn, Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng)…, ba cũng chỉ cho tôi thấy hầu hết những căn nhà mặt tiền và cả những căn nhà trong hẻm trên các con đường này cũng là nhà Chú Hỏa.
Kiểu dáng các căn nhà khá giống nhau, hoặc là nhà trệt, hoặc là nhà một trệt, một lầu, ngói đỏ, liền kề nhau.
Lớn thêm nữa, tôi nhận ra khá nhiều căn nhà Chú Hỏa nằm ở mặt tiền hai con đường Nguyễn Huệ và Tự Do (tức Đồng Khởi ngày nay) đều đã được những thương gia người Ấn Độ thuê để kinh doanh vải vóc hàng hiệu nhập khẩu từ Mumbai (Ấn Độ).
Ba má tôi và anh em tôi trước năm 1975 đều đến các cửa hàng này để mua vải may quần áo mới mỗi dịp Tết đến, Xuân về bởi vì tin cậy vào cung cách buôn bán khá chân thật và tình cảm của những thương gia Ấn Độ…
Riêng những căn nhà Chú Hỏa nằm gần chợ Bến Thành, trên hai con đường Lê Thánh Tôn và Gia Long (tức Lý Tự Trọng), từ sau năm 1954, đã được những thương gia gốc người miền Bắc mua lại của Công ty Hui Bon Hoa để tiệc khuếch trương kinh doanh và dịch vụ…
Không thể phủ nhận những ngôi nhà Chú Hỏa đã góp một phần không nhỏ vào việc tạo dựng nên một Sài Gòn xưa mà khi nhắc tới nhiều người Sài Gòn vẫn tự hào, thậm chí tiếc nuối cho một diện mạo tạo nên “Hòn ngọc Viễn Đông”…
Khó ai có thể thống kê hết số nhà xưa do Chú Hỏa và con cháu xây dựng giữa Sài Gòn
Khi làm ở phường 18 (nay là phường Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM), tôi được dịp ra vào khu “Nhà Chú Hỏa” ở số 97 đường Phó Đức Chính nhiều lần, cũng như nghe nói nhiều hơn về biệt tài kinh doanh nhà đất của Chú Hỏa…
Nhiều bà con tôi biết đều khẳng định về số lượng "khủng" của những ngôi nhà Chú Hỏa và con cháu xây dựng cho thuê ở Sài gòn trước 1975.
Tuy nhiên, mãi cho đến tận nay, tôi vẫn còn băn khoăn về số lượng gần 30.000 căn nhà thuộc chủ quyền của Chú Hỏa. Liệu có thật không?
Những ngày cuối năm Ất Mùi, tôi đi qua những con đường, khu vực xung quanh Nhà Chú Hỏa (97 Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM); ngắm nhìn những ngôi nhà do Công ty Hui Bon Hoa đã xây dựng.
Đi qua, chạy lại, nhẩm tính số lượng những căn nhà vốn là nhà Chú Hỏa nằm ở mặt tiền của 8 con đường (Phó Đức Chính, Ký Con, Calmette, Yersin, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Lê Công Kiều, Nguyễn Công Trứ), tôi đã đếm và ước lượng đến gần 1200 căn nhà mặt tiền xưa kia vốn thuộc sở hữu của Công ty Hui Bon Hoa - chỉ trên 2,600 km của các con đường xung quanh “Nhà Chú Hỏa”.
Rồn những con hẻm ngang dọc, dài ngắn khác nhau được bố trí trên tất cả con đường nói trên. Những con hẻm ngắn, nhỏ như hẻm số 25 đường Nguyễn Thái Bình, có hơn 20 căn nhà trệt nằm chen nhau hai bên trái phải của hẻm.
Còn hẻm 158 đường Nguyễn Công Trứ cũng có hơn 20 căn nhà, nhưng lại là 20 căn nhà xây dựng theo kiểu nhà phố một trệt, một lầu.
Nhiều con hẻm khác lớn hơn, dài hơn, nối thông từ đường Lê Thị Hồng Gấm qua đường Nguyễn Thái Bình thì số lượng căn nhà nhiều hơn, khoảng 40, 50 căn được bố trí hai bên trái phải của hẻm. Nhiều hẻm có cổng vào bên dưới, còn bên trên là một căn nhà.
Rồi nhà ở hai con đường lớn chạy ở hai mặt của phường Nguyễn Thái Bình là Võ Văn Kiệt và Hàm Nghi...
Tất cả chỉ ở một phường của quận 1.
Nhà Chú Hỏa được xây dựng lên khắp khu trung tâm Sài Gòn, tức quận 1, và có cả ở quận 3, như bạn đọc có nickname là “nguyen” đã cho biết: ”Nhà mình ở khu Bàn Cờ vẫn còn tờ giấy thuế đất đóng cho công ty Hui Bon Hoa”, khi bình luận dưới bài viết Sự thật về Chú Hỏa và 30.000 ngôi nhà ở Sài Gòn.
Giấy báo tiền nước của một ngôi nhà ờ quận 6, TP.HCM vẫn ghi khách hàng là Hui Bon Hoa. - Ảnh tư liệu 
Những người cố cựu ở đường Phan Văn Khỏe (Q.6, TP.HCM) nói có dãy phố trên đường này (P.2, Q.6, TP.HCM) do Chú Hỏa và con cháu Chú Hỏa xây dựng.
Hiện nay, hầu hết nhiều nhà Chú Hỏa đã được hóa giá thành tài sản của cá nhân hay công ty cho nên giấy tờ cũ không còn.
Thêm nữa, khi đã trở thành nhà riêng thì nhiều căn nhà Chú Hỏa đã được chỉnh trang hay xây dựng lại mới hoàn toàn, không lưu lại dấu vết xưa nào.
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(0)