Không phải ai cũng dám mua nhà của “đại gia điếu cày“?

Google News

Năm 2016, ngoài thương vụ đất Thanh Hà trị giá 1.500 tỷ đồng, Tập đoàn Mường Thanh còn khét tiếng với... đủ sai phạm trong đầu tư xây dựng.

Xe thang vươn lên tầng 9 và cảnh sát cắt lưới kim loại để giải cứu người dân trong vụ hỏa hoạn tại chung cư HH4A Linh Đàm. 
Đặc biệt, bản lý lịch trích ngang các “phốt” dự án của GĐ Tập đoàn Mường Thanh Lê Thanh Thản (dư luận biết đến với "thương hiệu" đại gia điếu cày) những năm 2012-2015 đủ khiến cả thị trường ngao ngán.
Nhà ông Thản: Sống trong sợ hãi
Trước khi liệt kê chi tiết các công trình gây khiếp hãi cho cư dân – những người đã phải xếp hàng mua căn hộ như thời bao cấp (thậm chí phải nghiến răng chấp nhận mua chênh ngay tại phiên mở bán chính thức) những năm qua, xin nhắc lại phát biểu của lãnh đạo giới chức Thủ đô về loạt dự án chung cư của đại gia Lê Thanh Thản.
Cụ thể, ít tháng trước, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội công bố 38 công trình cao tầng đang được sử dụng nhưng không đảm bảo an toàn về PCCC. Trong danh sách này, xuất hiện 15 công trình do DN tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu của GĐ Lê Thanh Thản là đơn vị chủ quản. Về vấn đề nghiêm trọng này, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: “Bây giờ Tập đoàn Mường Thanh có tới 15/38 công trình sai phạm về PCCC là không thể chấp nhận được. Một công trình đã đành, chứ tận 15 công trình thì thời gian tới khắc phục thế nào?”
Cùng quan điểm, Lãnh đạo Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng: “Tập đoàn Mường Thanh chấp hành pháp luật về công tác đảm bảo an toàn PCCC chưa nghiêm. Họ chỉ chú ý đến việc phát triển hệ thống nhà cao tầng chứ chưa chú trọng đến việc xây dựng các hệ thống PCCC". Vị này còn bóc tách chi tiết nguyên nhân dẫn tới mối nguy về "bà Hỏa" tại những chung cư giá rẻ - nét đặc sản của DN Mường Thanh. Nhà thiết kế của Mường Thanh thường gấp đôi lên so với thiết kế. Chẳng hạn ngày trước có 8 căn hộ nhưng sau này thi công họ nhân gấp đôi thành 16 căn hộ. Mỗi một tầng đều nhân đôi như vậy. Vì thế hệ thống điện, nước không đáp ứng được nên dẫn đến tình trạng chập, cháy quá tải. Bên cạnh đó, dân vào các chung cư đó thường là những người không có nhiều tiền, họ ở rất đông. Cho nên cũng tạo nên một sức ép rất lớn cho công tác PCCC – đại diện cơ quan Cảnh sát PCCC TP Hà Nội phân tích.
Từ Xa La tới Linh Đàm, những cụm chung cư được Mường Thanh tạo dựng đều đặc biệt thành công ở giao dịch thanh khoản và...tiền chênh. Lợi nhuận cho chủ đầu tư là không thể phủ nhận. Nhưng mặt trái của tấm huy chương lại đến từ chính chất lượng, thiết kế. Quá tải hạ tầng, bức bối không gian nội khu, sự cố cháy nổ như...cơm bữa, đã khiến các quần thể do Mường Thanh tạo dựng được gắn hỗn danh "tổ hợp lò bát quái" tại đất Hà thành.
Đặc biệt, trước khi cơ quan PCCC Hà Nội công khai danh tính chung cư không đảm bảo an toàn PCCC hồi giữa năm 2016, cuối tháng 12.2015 TP Hà Nội đã ra Công văn có nội dung sẽ không cấp phép đầu tư các dự án mới cho DN tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu khi DN chưa khắc phục đầy đủ các kiến nghị của Cơ quan Cảnh sát PCCC tại các công trình.
Ai dám mua nhà của Mường Thanh?
Mấu chốt của bất cứ DN nào khi tham gia thị trường, đó là lợi nhuận bền vững được hình thành bởi sản phẩm chất lượng, thương hiệu uy tín. Nếu xét ở thang quy chiếu này, với danh sách dày đặc các sai phạm mang tính hệ thống – gây nguy hại cho chính khách hàng tiêu dùng, thì việc Mường Thanh của GĐ Lê Thanh Thản trở lại bằng đúng “concept” nhà giá rẻ Thanh Hà Cienco5 sẽ rất khó thuyết phục được người mua nhà.
Từ năm 2014, là thời gian chứng kiến lần lượt sự cố lình xình, mất an toàn xảy đến tại những công trình nhà ở do ông chủ Mường Thanh nắm giữ, phát triển. Điển hình như: chung cư Đại Thanh (chủ đầu tư mua lại từ Hải Phát), tổ hợp Kim Văn – Kim Lũ (mua lại đất sạch từ Vinaconex 2), VP3, VP5 Linh Đàm (mua lại từ công ty CP xây dựng Thành Nam)...
Nghiêm trọng nhất về mức độ thiệt hại và tần suất xảy sự cố tại chung cư do ông Thản tạo dựng, là những ngày tháng của năm 2015. Điển hình, 2 vụ cháy do chập điện liên tiếp tại chung cư Xa La và Linh Đàm của Mường Thanh. Đây là 2 khu chung cư có mật độ xây dựng lớn, tập trung dân cư đông đúc bậc nhất Thủ đô. Ngày 16.9, hàng trăm cư dân bỏ chạy khỏi tổ ấm khi phát hiện đám cháy tại tầng 17 của tòa nhà HH4A Linh Đàm - 1 trong 12 tòa nhà chung cư cao tầng thuộc khu đất HH (KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai). Dự án này do DN xây dựng số 1 Điện Biên đầu tư với quy mô 4 khối nhà (HH1, HH2, HH3, HH4) gồm cụm 3 tòa nhà A - B - C (cao từ 35 - 40 tầng) nằm chỉ cách nhau…vài mét. Cần lưu ý, để bảo đảm an toàn phòng cháy, tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam đã quy định các tòa nhà cao tầng phải cách nhau tối thiểu 25m, có đường dành cho xe chữa cháy rộng tối thiểu 3,5m… Nhưng thực tế, 12 khối nhà HH1, HH2, HH3, HH4 đều bố trí san sát nhau và khoảng cách giữa 3 tòa A - B - C của khối chỉ là 10 - 15m (!)
 Hình ảnh những tòa chung cư giá rẻ ở Hà Nội của đại gia Lê Thanh Thản, nơi từng xảy ra nhiều vụ cháy nổ, thang máy hỏng, mất nước liên tục.
Tòa nhà HH4A vừa xây dựng xong, đang bàn giao cho người dân thì xảy ra vụ cháy ở tầng kỹ thuật (tầng 17). Dù không có thiệt hại về người, nhưng các cư dân ở 3 tòa CC HH4 Linh Đàm được một phen kinh hãi, sống trong cảnh mất điện suốt 3 ngày.
Ít ngày sau (20.9), một vụ cháy chập điện, cũng ở tầng kỹ thuật (tầng 9), lại xảy ra tại tòa nhà CT5 KĐT Xa La (quận Hà Đông) của Mường Thanh. Đáng nói, thay vì hệ thống báo cháy của tòa nhà hoạt động, người dân đã tự phát hiện cháy và chữa cháy bằng bình cứu hỏa cầm tay.
Với chiều cao của các tòa nhà HH4A Linh Đàm (35 - 40 tầng) và CT5 Xa La (22 tầng), lực lượng cứu hỏa gặp khó khăn tiếp cận, giải cứu người bị nạn ở các tầng cao trên 15 tầng... Sau 2 vụ cháy này, nhiều người dân đã phải di tản sang nhà người dân ở tạm hoặc lùi ngày dọn về "lò bát quái" của Mường Thanh trong khi chờ đợi chủ đầu tư có biện pháp khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn tính mạng.
Đáng nói, có những thời điểm trong vòng chưa đầy 1 tháng các tòa chung cư của "đại gia" Lê Thanh Thản đã cháy 3 lần, nghiêm trọng nhất là vụ cháy tầng hầm chung cư CT4A tại KĐT Xa La khiến hàng trăm xe máy bị thiêu rụi...
Năm 2016 tiếp tục cho thấy chung cư giá rẻ thương hiệu Mường Thanh không chỉ gặp vấn đề nguy hiểm PCCC. Cụ thể, ngày 26.6, nhiều cư dân ở khu vực tầng 21 tòa nhà CT12B (KĐT Kim Văn - Kim Lũ) tá hỏa khi nước bất ngờ phun mạnh từ thang máy ra ngoài sảnh, tràn vào căn hộ. Không chỉ thế, cư dân ở đây cho hay, lúc đó cả 7 thang máy đều ngừng hoạt động (!)
Thị trường người tiêu dùng đã quá rõ về dự án của đại gia Mường Thanh suốt 2-3 năm qua. Với niềm tin Mường Thanh đánh mất, liệu lấy gì để quay về cùng với sự lựa chọn của khách hàng? Nên nhớ, không ai tắm 2 lần trên một dòng sông. Nhất là khi ngày càng có thêm nhiều DN tham gia vào thị trường, người tiêu dùng sẽ có thêm sự lựa chọn. Chẳng hạn mới đây nhất là Vingroup với dự án Vincity.
Theo Thái Bình/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)