Điểm loạt sai phạm về xây dựng chung cư tại HUD

Google News

(Kiến Thức) - Trước sự cố cửa kính tầng 11 chung cư rơi, HUD cũng mắc phải hàng loạt các sai phạm trong quá trình kinh doanh, khiến doanh nghiệp này xuống dốc nghiêm trọng.

HUD từng được xem là một trong những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hàng đầu, cùng với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp BĐS khác đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, cuộc sống hiện đại của người dân, đặc biệt là ở các đô thị lớn.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó HUD cũng mắc phải hàng loạt các sai phạm cũng như các sự cố trong quá trình kinh doanh, khiến doanh nghiệp này đang rơi vào tình cảnh xuống dốc nghiêm trọng.
Dự án do HUD làm chủ đầu tư liên tiếp xảy ra sự cố
Mới đây là sự cố cửa kính tầng 11 chung cư rơi làm nhiều trẻ em suýt chết. Cụ thể, vào khoảng 21h20 ngày 1/6, khung cửa kính của căn hộ số 1114 (tầng 1, tại khu chung cư CT2 TP, khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm) bất ngờ rơi trúng chỗ các em nhỏ vừa tổ chức vui chơi và tặng quà.
Mặc dù khung cửa kính không rơi trúng em nhỏ nào, thế nhưng sự việc đã khiến các em nhỏ hoảng loạn còn phụ huynh một phen hú vía.
Người dân chung cư cho biết, đây đã là lần thứ 3 cửa sổ từ các tầng cao của các khối chung cư khác nhau - do Công ty Cổ phần Phát triển nhà xã hội (Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị) làm chủ đầu tư - “bỗng dưng” bung ra và rơi xuống đất. “Và sau mỗi lần xảy ra sự cố, chủ đầu tư lại "âm thầm" khắc phục mà không có bất cứ một lời giải thích hay xin lỗi nào từ phía những người có trách nhiệm.” – đại diện các hộ dân khu chung cư CT2 TP bức xúc nói.
 Hiện trường vụ rơi kính.
Từng bị phanh phui hàng loạt sai phạm
Được biết, trước khi sự cố rơi kính xả ra, HUD từng bị phanh phui hàng loạt sai phạm. Theo đó, vào ngày 25/5/2015, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận khẳng định trong quá trình đầu tư, kinh doanh dự án đô thị, HUD đã có nhiều sai sót trong đầu tư, quản lý. Đặc biệt, từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính, quản trị dẫn đến chậm trễ triển khai, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn. Nợ phải trả lớn, doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả.
HUD được xác định đã làm trái và buông lỏng quản lý hoạt động ủy quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên với quy mô lớn. Các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp mà uỷ quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên. Đây là việc làm trái Điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của HUD.
Mặt khác, HUD thông qua hình thức uỷ quyền kinh doanh, HUD đã chuyển giao cho các công ty thành viên cả những diện tích đất mà nhà nước đã ưu đãi miễn không thu tiền để đầu tư kinh doanh nhà theo giá thị trường; không thực hiện đúng nghĩa vụ xây dựng căn hộ chung cư cao tầng để bán và cho thuê đối với các đối tượng khó khăn về nhà ở; không giao lại tầng 1 các toà chung cư cho thành phố Hà Nội theo quy định.
Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, HUD đã thiếu trách nhiệm đối với việc trích trước chi phí trọng yếu trong kinh doanh bất động sản vào giá, vốn kinh doanh. HUD đã hạch toán trích trước chi phí phải trả vào giá vốn kinh doanh hàng kỳ theo suất đầu tư m2 đất, m2 nhà phân bổ trên tổng mức đầu tư các dự án sai với quy định phải căn cứ chi phí phát sinh và dự toán công trình.
Trong đó, tại dự án Việt Hưng, trích thiếu chi phí phải trả quá nhiều dẫn đến hậu quả thiếu nguồn vốn để xây dựng hoàn trả khối lượng các hạng mục công trình còn nợ do trích trước và tiền nợ công trình hạ tầng lên tới hơn 5.500 tỷ đồng… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn của HUD hiện nay.
Thanh tra chính phủ cũng xác định HUD còn có nhiều khuyết điểm, vi phạm một số nội dung về quản lý tài chính, tài sản như bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận kinh doanh dự án Văn Quán (Hà Nội) khi chưa quyết toán không đúng chỉ đạo của Thủ tướng; đầu tư xây dựng sai quy định hoạch chi tiết được duyệt, xây dựng tăng căn hộ và tăng diện tích sàn chung cư để kinh doanh thu lợi; sử dụng các nguồn chi phí phải trả trích trước để đầu tư vào các dự án khác gây tồn động, làm trầm trọng thêm khó khăn về tài chính của HUD…
Việc quản lý các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của HUD yếu kém, hiệu quả đầu tư thấp, làm thâm hụt vốn như việc đầu tư vào Công ty CP xi măng Sông Thao 516.550 triệu đồng nhưng do dự án chậm tiến độ, chi phí phát sinh sớm nên đến cuối năm 2012, lỗ lũy kế 305.000 triệu đồng (bằng 45% vốn đầu tư của chủ sở hữu); góp vốn vào Công ty CP Thép Sông Hồng 46.217 triệu đồng từ tháng 5/2005, đến 1/2007 đã thỏa thuận thoái vốn nhưng đến nay không thu hồi được và chưa xử lý…
Điều đáng nói là, dù kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) mắc rất nhiều sai phạm nghiêm trọng thế nhưng chưa có vụ việc nào được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra, làm rõ. Trong khi đó, việc xử lý sai phạm của HUD không triệt để đã gây bức xúc đối với người dân, khi các sự cố liên tiếp xảy ra tại các dự án do đơn vi này làm chủ đầu tư.
Hồng Liên (Tổng hợp)

Bình luận(0)