"Đất vàng" thành cát thất thoát nghìn tỷ: Quá sức dân nghèo

Google News

Nếu làm rõ những trường hợp mua bán, chuyển đổi đất công sẽ thấy hầu hết đều có thất thoát từ vài trăm nghìn tới hàng nghìn tỷ đồng.

Thất thoát cả triệu tỷ đồng
Mới đây, hội thảo xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ rõ thực trạng, nhiều doanh nghiệp đang được giao quản lý sử dụng hàng loạt địa điểm “đất vàng” có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại định giá trị đất rất “bèo bọt”.
Hậu cổ phần hóa (CPH), các cổ đông có thể hưởng một khoản lớn nếu như doanh nghiệp được cấp sổ đỏ và lợi thế quỹ đất này chắc chắn rơi vào túi cá nhân. Như vậy CPH mà không định giá giá trị sử dụng đất hoặc lợi thế từ đất đang sử dụng và ưu tiên được sở hữu chắc chắn sẽ không khách quan, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Trước thực trạng trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 22/8, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết:
"Toàn bộ tài sản đất công đều là đất của nhân dân cho cơ quan hành chính quản lý để làm việc, kể cả đất quân đội cũng là đất công, đất quân đội sử dụng trong mục đích quốc phòng là đất quốc phòng, còn nếu đất quân đội mà không làm mục đích quốc phòng chuyển về đất ở, đất kinh doanh khách sạn, biệt thự, resort , sân golf thì vẫn phải là đất công và nhà nước toàn quyền sử dụng.
Câu chuyện CPH là một sự thất thoát rất to lớn tài sản của nhà nước, mà chúng ta đã có bài học của nước Nga, có giới siêu giàu nhờ vào CPH.
"Dat vang" thanh cat that thoat nghin ty: Qua suc dan ngheo
Thất thoát hàng triệu tỷ đồng do cổ phần hóa do không định giá giá trị sử dụng đất. 
Cho nên, chuyện CPH bao gồm cả đất đai là một sai lầm lớn, tại vì đất đai không phải tài sản của cơ quan đó, tài sản của họ là từ mặt đất lên trên, còn đất là của nhà nước, CPH là cổ phần phần xây dựng trang thiết bị bên trên , không được phép cổ phần hóa cả miếng đất của nhà nước.
Câu chuyện này cũng giống như ông sư đi trụ trì ngôi chùa, ông linh mục đến nhậm chức nhà thờ, hết nhiệm vụ thì ông ra đi, còn nhà chùa và nhà thờ là của giáo hội, chứ không của riêng ai, nên không bán cho sư nào, cha nào dù các ông đã bỏ của bỏ công xây cất, ông chỉ tới để làm công việc xong đi.
Cũng như nhà công vụ anh đến ở để làm việc, xong công việc thì anh đi, cũng giống như Nhà Trắng của Mỹ.
Nếu có nhu cầu bán, nhà nước sẽ ra đề bài quy hoạch kiến trúc, miếng đất này làm chung cư, rạp hát hay chợ, vì mỗi nhiệm vụ sẽ có giá trị miếng đất khác nhau, miếng đất làm chung cư sẽ có giá trị hơn là chợ, siêu thị hay trường học, nếu làm công viên thì giá trị bằng 0, tất cả sẽ có chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc rõ ràng.
Nên nhà nước phải có chủ trương cho miếng đất này làm chung cư 30 tầng, có diện tích xây dựng 50.000m2, rồi nhà nước bán đấu giá, còn anh thuê tại địa điểm đó muốn sở hữu thì cũng phải nộp đơn đấu giá còn không thì chuyển đi nơi khác. Giá trị mảnh đất 2000 tỷ đồng, nhưng phần bên trên xây dựng giá trị 200 tỷ đồng, thì nhà nước sẽ trả 200 tỷ đòng rồi cho anh ra đi.
Sai lầm lớn nhất, thất thoát lớn nhất của chúng ta là CPH bán chỉ định toàn bộ tài sản trên miếng đất bao gồm cả đất".
Bên cạnh đó, theo ông Đực, ở TP.HCM có hàng ngàn khu đất công trong quá trình CPH hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã bị thất thoát do các doanh nghiệp thâu tóm. Còn nếu tính trên cả nước thì con số này sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Có những khu đất trong quá trình hóa giá đã bị giảm giá trị khoảng 2-3 lần so với giá trị thực tế tính theo giá thị trường.
Ông Đực dẫn chứng, việc bán đấu giá khu đất ở 23Lê Duẩn, vốn là khu đất của Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM vào năm 2015. Khu đất vàng này rộng 3.000m2, nằm ở cung đường “hot” bậc nhất Sài Gòn với hai mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du.
Theo định giá ban đầu, khu đất có giá gần 600 tỷ đồng, nhưng khi đưa ra đấu giá thì khu đất này đã được trả giá cao gấp 2,6 lần so với giá ban đầu, gần 1500 tỷ đồng , nhà nước suýt mất 900 tỷ đồng!.
Vấn đề đặt ra nhà nước phải thật thận trọng, hàng triệu tỷ đồng của Nhà nước nằm ở đây, bị thất thoát do cung cách quản lý đất công còn nhiều bất cập và kẽ hở trong thời gian vừa qua.
"Tôi đã từng đề cập nhiều lần về câu chuyện hóa giá bán chỉ định đất công làm mất hàng triệu tỷ đồng, hay câu chuyện xây dựng và chuyển giao BT, đổi đất lấy hạ tầng cũng đã gây ra những thất thoát lớn, trong khi Nhà nước rất khó khăn về ngân sách, tiềm lực tài chính còn yếu.
Nếu làm rõ những trường hợp mua bán, chuyển đổi đất công sẽ thấy hầu hết đều có thất thoát từ vài trăm nghìn tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ở đây nguyên nhân là do chúng ta quản lý quá kém, hay có sự móc ngoặc với nhau ai cũng được hưởng lợi, khi CPH định giá 200 tỷ đồng thì đương nhiên ông tham gia định giá sẽ được hưởng 20-50 tỷ đồng . Ở đây là món ngon mỗi ban ngành đều được hưởng phần
Vì thế mà dư luận băn khoăn, tại sao Nhà nước lại để xảy ra sự việc giao cho các doanh nghiệp quản lý các khu đất đó được sở hữu và bán, chuyển đổi đất đai được quản lý với giá rất rẻ.
Những của cải đất đai của Nhà nước do quản lý không tốt dẫn tới thất thoát nguồn lực lớn từ cơ chế bán chỉ định những khu đất vàng, hoặc cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, trách nhiệm thuộc về ai", ông Đực chỉ rõ thêm.
Cũng theo vị chuyên gia trên, vừa rồi Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất công sang cho phép triển khai các dự án bất động sản qua hình thức bán chỉ định, hóa giá, cổ phần hóa… tại 60 dự án bất động sản.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định ngưng tất cả các dự án có nguồn gốc đất công, toàn bộ phải được thanh tra lại, đánh giá lại, và có thể phải đóng thuế lại.
Nhưng theo ông Đực cần phải sớm thanh tra rõ ai là người có trách nhiệm, ai là người trục lợi trong những câu chuyện này để ngăn chặn hiện tượng này tiếp tục xảy ra.
"Tôi vẫn luôn cho rằng, những khu đất công khi được chuyển đổi đều phải được đấu giá công khai, minh bạch, không ưu tiên cho bất cứ ai và lợi ích lớn nhất phải thuộc về Nhà nước.
Doanh nghiệp Nhà nước được giao quản lý, sử dụng đất công khi phải di dời thì tài sản là đất đai giao lại cho Nhà nước quản lý, Nhà nước đền bù bồi thường cho tài sản nhà xưởng mà doanh nghiệp xây dựng trên đó. Khu đất này sẽ được đấu giá công khai để thu lại cho ngân sách nhà nước khoản thu đúng với giá trị thực tế của nó", ông Đực nói thêm.
"Thu từng giọt mồ hôi, để mất cả đại dương"
Ở góc độ khác, theo ông Đực, trong khi tiền nằm ở một nơi nhìn thấy rõ và thất thoát cực khủng , thì tìm lại cách tăng thuế tận thu của dân, tăng VAT 12 % và tăng thuế môi trường qua giá xăng 8000đ/lít để có giá 25.000 đ/lít xăng , gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người lao động nghèo, gây bức xúc rất lớn cho nhiều người.
Tại sao chúng ta lại đi bắt người nghèo đóng từ 8000đ/lít xăng mà để thất thoát cả hàng trăm nghìn , hàng triệu tỷ đồng ở các dự án CPH các khu đất vàng? Như thế là quá sức với người nghèo, quá sức lãng phí tài sản công của quốc gia.
Chuyện tận thu thuế của dân nghèo là bất công, mất lại để thất thoát quá lớn, chúng ta đang "thu từng giọt mồ hôi, để mất cả đại dương", chuyện tăng thuế gây bức xúc cho dân. Trong khi chúng ta mất cả triệu tỷ đồng là sai lầm, còn nếu ở góc độ quản lý là cái sự dốt.
Tạo gánh nặng cho người dân, đời sống xáo trộn, người dân bây giờ đã thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng, đi lại mất gần 1 triệu đồng tiền xăng, các mặt hàng tiêu dùng thuế tăng thì không còn đồng tiền dư nào.
Theo Châu An/Đất Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)