Đại gia tỉnh lẻ đang tấn công thị trường BĐS thành phố lớn

Google News

Nhiều doanh nghiệp lớn tại các tỉnh lẻ đang đổ dồn về trung tâm lớn để tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản.

Có một điểm chung của các doanh nghiệp bất động sản đang vươn ra sân chơi lớn trong lĩnh vực bất động sản là đều khá thành công tại các tỉnh. Các doanh nghiệp cho thấy khát vọng bật lên khỏi địa bàn vốn có của mình để vươn ra thị trường lớn hơn.  
Những dự án âm thầm của các ông chủ tỉnh lẻ
 Vào năm 2014, vụ chuyển nhượng lô đất D25 tại Khu đô thị mới Cầu Giấy khiến thị trường xôn xao. Công ty Licogi 16 (LCG) đã bán lại lô đất với giá khoảng 143 tỷ đồng do không còn tiền để đầu tư.

Doanh nghiệp mua lại là Tổng công ty xây dựng Thanh Hóa, người đứng sau là ông Trương Lâm, một đại gia tại tỉnh này. Tuy nhiên, điều mà thị trường bất ngờ chính là tiến độ triển khai dự án. Chỉ mới xây dựng từ khoảng giữa năm 2016, nhưng tốc độ của dự án khiến nhiều doanh nghiệp khác phải “thèm thuồng”.

Dự án của đại gia Thanh Hóa có quy mô gồm 2 tòa nhà. Tòa thứ nhất cao 25 tầng làm văn phòng cho thuê. Tòa nhà thứ 2 cao 35 tầng là khu căn hộ để bán. Nối liền 2 tòa tháp với nhau là 3 tầng hầm để xe và khối đế làm trung tâm thương mại (5 tầng).

Hiện tại, tòa văn phòng cho thuê đã xây đến tầng thứ 20, khu căn hộ đã lên tới tầng 30. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thiện trong năm 2017. Giá bán căn hộ đang được chào là 30-35 triệu đồng/m2.
Dai gia tinh le dang tan cong thi truong BDS thanh pho lon
 Một dự án đang xây dựng của Tổng công ty xây dựng Thanh Hóa. Ảnh: Hiếu Công.
Cuối tháng 7, một đại gia khác tại Lào Cai là Tập đoàn Nam Tiến cũng ra mắt một dự án condotel tại Nha Trang với khách hàng Hà Nội. Nhiều người dường như bất ngờ với việc một đại gia vốn làm thủy điện, đường giao thông tại Lào Cai gia nhập lĩnh vực bất động sản.

Dự án của đại gia bất động sản này tại Vịnh Nha Trang được xây dựng trên lô đất có diện tích 7,7 ha, quy mô sàn xây dựng là 110.000 m2. Dự kiến khi khánh thành, dự án 40 tầng sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 700 căn hộ và 274 phòng khách sạn cho thuê.

Doanh nghiệp này cũng bắt tay với một hãng quản lý khách sạn nước ngoài để vận hành dự án. Tổng vốn đầu tư của toàn dự án là trên 2.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp tuyên bố hoàn toàn tự tin về dòng tiền để thực hiện dự án.

Đại gia tỉnh lẻ, họ là ai?
Tổng Công ty xây dựng Thanh Hóa vốn là một doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa. Công ty này từng được tỉnh Thanh Hóa giao xây dựng 30 trường học, 18 bệnh viện, trung tâm y tế cùng nhiều công trình quan trọng khác…

Hiện tại, cổ phần của Tổng công ty xây dựng Thanh Hóa được sở hữu bởi một số cá nhân. Tỉnh Thanh Hóa gần như không còn cổ phần tại đây. Đại gia đang nắm giữ phần lớn cổ phần là ông Trương Lâm (sinh năm 1953). Ông Lâm sở hữu 94,5% số vốn điều lệ (tương ứng 157,6 tỷ đồng) của công ty này.

Nam Tiến Lào Cai cũng được coi là một đại gia tại tỉnh vùng núi Tây Bắc. Công ty này vốn nổi tiếng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, sau đó chuyển sang làm thủy điện, đường giao thông, hóa chất… Một số công trình lớn của doanh nghiệp này có thể kể đến như: Đại lộ Trần Hưng Đạo (TP. Lào Cai), công trình kè sông Hồng, đường QL4D, QL4E…

Doanh nghiệp cho biết đang có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. Doanh thu hàng năm đạt khoảng 1.200 tỷ đồng và đang tự tin khẳng định bật lên với lĩnh vực mới là bất động sản nghỉ dưỡng.
Dai gia tinh le dang tan cong thi truong BDS thanh pho lon-Hinh-2
 Một đoạn quốc lộ 4D được thi công bởi Nam Tiến Lào Cai. Ảnh: Hiếu Công.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết thị trường bất động sản đang ấm lên, các doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội để thành công. Tuy nhiên, thị trường hiện nay đã phát triển hơn trước rất nhiều.

“Trước kia thị trường còn nhỏ, doanh nghiệp thậm chí còn được thị trường giải bão, trăm hoa đua nở, ai cũng như ai nên cơ hội thành công cao hơn”, ông Châu phân tích.

Cũng theo ông Châu, thị trường bất động sản có tính cạnh tranh khốc liệt và sàng lọc rất cao. Các doanh nghiệp muốn thành công hoặc phải có năng lực, hoặc phải có kinh nghiệm.

“Sự đổ vỡ trước đây có một phần nguyên nhân từ tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có kinh nghiệm không đồng đều, một số thiếu tính chuyên nghiệp. Trong khi ngành bất động sản đòi hỏi năng lực về tài chính, quản trị dự án, tầm nhìn, lựa chọn sản phẩm, nghiên cứu thị trường...”, ông Châu phân tích thêm.

Theo Chủ tịch HoREA, doanh nghiệp đi sau cũng có lợi thế khi rút ra bài học từ người đi trước. Từ đó có thể đầu tư những sản phẩm thị trường cần, trên cơ sở năng lực của mình. Do đó, cơ hội thành công vẫn hoàn toàn có thể.
Theo Hiếu Công/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)