3 dự án "số một" thăng trầm trên đất vàng Sài Gòn

Google News

Tọa lạc trên những khu đất có vị trí có giá trị cao bậc nhất TP HCM nhưng những dự án số một lại không thể hoàn thành sứ mệnh của mình.

3 dự án số một được nhắc đến là Saigon One Tower, The One và The One Saigon nằm rất gần nhau ở trung tâm quận 1. Đã có dự án thay đổi tên nhưng vẫn chưa thể “đổi vận” để khẳng định mình. The One Saigon dù đã về đích về tiến độ nhưng cũng dính không ít rắc rối về pháp lý và công năng.
3 du an "so mot" thang tram tren dat vang Sai Gon
 Dự án nằm ở điểm giao giữa 3 quận trung tâm là 1, 2, 4 và từng được kỳ vọng là một công trình biểu tượng của TP HCM.
Ở thời điểm ra mắt, tòa nhà được giới thiệu tích hợp mọi giá trị xa xỉ của cuộc sống thị thành bao gồm văn phòng, căn hộ, dịch vụ giải trí (nhà hàng, bar trên cao độc đáo nhất TP). Nhưng trái với kỳ vọng đó, hạn hoàn thành đã trôi qua vài lượt, dự án chỉ còn được nhắc đến là “thảm họa” xây dựng làm xấu xí bộ mặt thành phố.
Được khởi công từ năm 2007, Saigon One Tower (tên cũ là Sài Gòn M&C Tower) dự kiến sau khi hoàn thành năm 2009 sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM (trên 195 m). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỷ đồng).
3 du an "so mot" thang tram tren dat vang Sai Gon-Hinh-2
 Dự án Saigon One Tower từ "thiên nga" hóa "vịt". Ảnh: Lê Quân
Giá trị sống đẳng cấp của tòa nhà được giới thiệu bao gồm một khối bệ làm trung tâm thương mại dịch vụ cao 6 tầng, một khối văn phòng đạt chuẩn quốc tế cao 34 tầng và khối căn hộ gồm 133 căn hộ cao cấp, cùng các dịch vụ tiện nghi khác.
Dẫu vậy, thật khó để nhớ hết những đơn vị thành phần tham gia vào phát triển dự án từ chủ đầu tư cho đến nhà thầu. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C. Công ty này được hình thành từ liên doanh 5 doanh nghiệp có “số má” ở TP.HCM là Công ty cổ phần M&C (49%), Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ (5%).
Trong khi đó, phần thi công được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, do nhà thầu Bouygues Batiment International đảm nhiệm. Ngoài ra, các tên tuổi lớn như DP Architects của Singapore (thiết kế kiến trúc), Cisco Systems của Mỹ (tư vấn hệ thống mạng quản lý tòa nhà) cũng tham gia vào dự án.
Thành phần doanh nghiệp tham gia rất hùng mạnh. Dự án nhanh chóng được mọc lên, nhưng sau khi tăng tốc rất nhanh thì có nhiều lý do khiến dự án không thể về đích. Vạch đích đầu tiên được vạch ra là năm 2011 rồi kéo dài ra 2012, 2013 và đến nay vẫn chưa thấy được ngày hoàn thành.
Chưa thể về đích nhưng trong hành trình này, việc thay đổi về thành phần đầu tư đã diễn ra rất nhiều lần. Cơ cấu công ty cổ phần đầu tư địa ốc M&C, chủ đầu tư dự án có sự thay đổi khi doanh nghiệp này vừa công bố con dấu cũng như lãnh đạo, người đại diện theo pháp luật mới. Hai người đại diện này đến từ Công ty Saigon Touris. Còn lại, các cố đông sáng lập khác đã thoái vốn.
Đầu năm nay dự án một lần nữa được nhắc đến với sự tham gia của nhà đầu tư mới là CTCP phát triển Bất động sản Alpha King (Alpha King Real Estate Development JSC). Kéo theo đó, Tập đoàn kiến trúc RSP (Singapore) tham gia thực hiện dự án hoàn thiện công trình.
Đến giữa tháng 8, khi nhà đầu tư mới chưa kịp động tay để thay đổi dự án thì VAMC cho biết đã tiến hành thu giữ tòa nhà (tài sản đảm bảo) để xử lý và thu hồi nợ của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower. Bởi lẽ VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với MaritimeBank, DongABank đối với khoản nợ của nhóm khách hàng trong đó có Công ty CP Sài Gòn One Tower (trước đây là Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn M&C).
Từ một dự án được kỳ vọng như “thiên nga” thì nay qua nhiều lần va đập, tòa nhà Saigon One Tower đang trở thành một “chú vịt” tả tơi với khoản nợ cần phải giải quyết.
The One Ho Chi Minh City – Thay tên nhưng chưa đổi vận
Dự án The One Ho Chi Minh City (nay đổi tên thành Spirit of Saigon) từ công trình mong muốn vực dậy thị trường BĐS trong cơn khủng hoảng (2011) thì nay vẫn còn nguyên một bãi đất hoang tàn. Thị trường đã hai lần vượt sóng thì dự án này vẫn chưa nhô lên khỏi mặt đất dù danh đã đổi nhưng phận vẫn chưa thay.
Spirit of Saigon có vốn đầu tư dự kiến khoảng 500 triệu USD. Thành phố đã ra quyết định thu hồi 8.641 m2 đất tại khu tứ giác Bến Thành để giao cho Bitexco thực hiện dự án xây dựng cao ốc văn phòng - thương mại - dịch vụ hơn 6 năm trước.
3 du an "so mot" thang tram tren dat vang Sai Gon-Hinh-3
 Thị trường qua hai lần vượt sóng, The One Ho Chi Minh City vẫn còn là bãi ngổn ngang. Ảnh: Lê Quân. 
Spirit of Saigon có vị trí vô cùng đắc địa khi xung quanh là những địa danh nổi tiếng mang tầm biểu tượng của thành phố như chợ Bến Thành, Bảo tàng Nghệ thuật, công viên 23/9, Bệnh viện Sài Gòn...
Dự án này thể hiện sự tự tin của Bitexco sau khi tòa tháp biểu tượng Bitexco Financial tạo nên hiệu ứng cực lớn ở TP.HCM. Đó cũng là lý do dự án được quyết định khởi công giữa lúc thị trường bất động sản đang trầm lắng (2011).
Thời điểm đó, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Bitexco, nói rằng đến năm 2015, khi công trình (tòa tháp The One) hoàn thành, nền kinh tế và thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại. Đến nay, thị trường BĐS đã ở chu kỳ cuối của phục hồi thì dự án nay vẫn chưa thể nhập cuộc.
Theo lý giải từ phía chủ đầu tư về sự chậm trễ này, với khu tứ giác Bến Thành, nếu quy hoạch thành một khu phức hợp đầy đủ chức năng thì khả năng tái định cư tại chỗ cho người dân là rất khó. Do vậy, trong nhiều năm qua tiến độ triển khai dự án khá chậm, bắt nguồn từ việc đền bù giải tỏa và tái định cư kéo dài nhiều năm liền.
Theo một số nhà đầu tư trong lĩnh vực địa ốc, đến nay kế hoạch đền bù giải tỏa vẫn chưa có thì với khu đất vàng này có được toan tính để đổi tên một lần nữa hay không?
The One Saigon – Bi kịch ở vạch về đích
Đổi tên từ dự án cho đến chủ đầu tư, The One Saigon đã về đích về mặt xây dựng nhưng lại mắc phải bi kịch về việc bán hàng và sai phạm liên tiếp về xây dựng.
Chung cư The One Sài Gòn (trước đây được gọi là Ben Thanh Luxuty rồi đến Sai Gon Luxury) là một cao ốc phức hợp gồm 22 tầng tọa lạc tại số 172-174 Ký Con, quận 1.
Tòa nhà được bao bọc bởi ba mặt tiền đường lớn như Ký Con, Đặng Thị Nhu và Lê Thị Hồng Gấm - một vị trí hiếm có khu vực trung tâm thành phố. Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Bến Thành, nay đổi tên thành Tập đoàn Capella Holdings làm chủ đầu tư.
Tên gọi thể hiện được tên chủ đầu tư Bến Thành Land và cũng thể hiện đẳng cấp "luxury". Bên cạnh đó, nằm gần chợ Bến Thành - một địa danh nổi tiếng khi nhắc đến Sài Gòn. Nhưng nhắc đến The One Saigon lại gắn với “tai tiếng” nhiều hơn.
3 du an "so mot" thang tram tren dat vang Sai Gon-Hinh-4
Hạ giá 45% nhưng The One Saigon vẫn chưa giải được bài toán bán hàng. Ảnh: Việt Dũng. 
Đi vào hoạt động từ năm 2010, sau một thời gian, nhiều hạng mục đã bị chủ đầu tư tự ý cơi nới, thay đổi thiết kế mà không thông quá ý kiến cư dân. Cụ thể, tầng thượng tòa nhà được cơi nới thêm 2 tầng để làm nhà hàng, quán bar với tên gọi Air 360 Sky Bar, thuộc hệ thống của Capella Holding.
Theo phản ánh, 2 nhà hàng, quán bar này hoạt động liên tục, khách khứa ra vào thường xuyên, ảnh hưởng đến việc sử dụng những tiện ích của cư dân. Trong khi đó, chủ đầu tư vẫn chưa thể cung cấp được giấy phép sửa chữa hay cơi nới tầng thượng.
Tình hình bán hàng của dự án này đang gặp khó khăn lớn. Ông Trần Hải Bình, Phó tổng giám đốc Capella Holdings, cho biết dự án được đi vào sử dụng từ năm 2010, nhưng cho đến nay, mới chỉ bán được khoảng 40% căn hộ. Một phần là do giá cao, một phần do diện tích quá lớn. Mặc dù đầu năm 2016, dự án hạ 45% giá thành căn hộ, căn hộ cũng được chia nhỏ nhưng vẫn chưa thể bán hàng nhanh chóng.
Căn hộ được định vị là “số 1” và “luxury” nhưng sau nhiều năm triển khai đang có dấu hiệu giảm dần giá trị nguyên bản bởi lận đận trong kinh doanh và áp lực lãi vay rất lớn.
3 du an "so mot" thang tram tren dat vang Sai Gon-Hinh-5
 Vị trí ba dự án số một trên đất vàng ở TP HCM
Theo Bình Nguyên/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)