Người lái xe cứu thương 6 năm đón giao thừa sau vô lăng

Google News

Đối với người làm nghề tài xế xe cấp cứu như anh Nguyễn Thủy Triều, thời khắc sum vầy của mọi nhà cũng là lúc anh bận rộn nhất với công việc cứu người.

Sáu năm làm tài xế lái xe cứu thương tại trung tâm cấp cứu 115 Xuyên Việt, năm nào thời khắc giao thừa của anh Nguyễn Thủy Triều (36 tuổi, quê Vĩnh Long) cũng diễn ra sau vô lăng tay lái.
Những ngày đầu và cuối năm, khi mọi người được nghỉ ngơi cùng gia đình, thì công việc của người lái xe cứu thương lại bước vào giai đoạn làm việc cao điểm. Nhất là trong dịp Tết, số lượng người tai nạn phải cấp cứu càng tăng cao so với ngày thường.
Nguoi lai xe cuu thuong 6 nam don giao thua sau vo lang
Người tài xế xe cứu thương vẫn miệt mài làm việc vào đêm giao thừa. 
Nghề chạy đua với tử thần
Việc giúp đỡ được một người bệnh giành lại sự sống, giúp một gia đình có được hạnh phúc khi người thân thoát lưỡi hái tử thần là niềm vui ít ai hiểu được.
“Người ngoài không biết đâu, khi phải đứng ra cầm vô lăng cho chuyến xe sinh tử, được người khác đặt hết kỳ vọng vào tay mình thì đó là một áp lực, trách nhiệm lớn lắm, không thể nào làm hời hợt, làm cho qua được”, anh Triều tâm sự.
Công việc không có giờ giấc cố định, trong giờ trực người và xe luôn ở trong tư thế sẵn sàng, chỉ cần có bệnh nhân là phải lên đường ngay. Thậm chí có hôm vừa về đến nhà sau một ca cấp cứu, chuẩn bị lên giường nghỉ thì có điện thoại gọi đến, vậy là lại phải lên đường.
Nguoi lai xe cuu thuong 6 nam don giao thua sau vo lang-Hinh-2
Công việc khiến anh cùng đồng nghiệp luôn phải sẵn sàng trong mọi tình huống. 
Việc lái xe phải trực tiếp tham gia ứng cứu, hỗ trợ bác sĩ điều dưỡng khi khẩn cấp, bệnh nhân co giật, người nhà gây chuyện… là bình thường, thậm chí nguy cơ phơi nhiễm các bệnh truyền nhiễm như lao, cúm, thậm chí HIV/AIDS là không nhỏ.
Đón Tết sau vô lăng xe cứu thương
Anh Triều kể 6 năm qua chưa có một cái Tết nào được ở trọn vẹn với người thân. “Năm 2015, mùng một Tết, bệnh nhân là một em bé nhỏ bị hóc xương cá gây nghẽn đường thở. Đường đi thì xa, em bé lại trong tình trạng nguy kịch, phải dừng lại trên đường nhiều lần để hô hâp nhân tạo. Dù chuyển bé vào bệnh viện an toàn, nhưng cả kỳ trực Tết năm đó, hình ảnh em nhỏ tím tái tội nghiệp ám ảnh khôn nguôi”, anh nói.
Trong khi những người khác có ngày nghỉ, được đón Tết cùng người thân, thì anh và đồng nghiệp lại phải thay nhau túc trực ở phòng cấp cứu. Anh tâm sự: “Đối với mọi người, đón giao thừa bên cạnh người thân là chuyện hiển nhiên, nhưng điều đó lại xa xỉ với tôi. Suốt nhiều năm theo nghiệp, tôi hầu như phải đón giao thừa trên xe cấp cứu hoặc bệnh viện”.
Giây phút đầu năm mới của người lái chiếc xe đặc biệt là những ca cấp cứu, lần chuyển bệnh, nhìn bệnh nhân bấp bênh giữa sự sống và cái chết. Việc anh vừa điều khiển xe chạy hết tốc lực chở bệnh nhân về viện trong khoảnh khắc pháo giao thừa nổ đã trở thành hiển nhiên.
Mang trên mình nhiệm vụ mang Tết sum vầy đến cho mọi nhà, anh Triều chỉ coi việc mình đang làm là trách nhiệm, đồng thời là cách anh làm việc thiện. Tết năm nay, anh Triều lại nhận trực ca vào đêm 30 tới sáng mùng một. Người tài xế tâm sự mong ước duy nhất là được yên ổn để cúng giao thừa và ăn bữa cơm đầu xuân.
Người lái xe cứu thương tận tâm bày tỏ: “Không phải vì mình lười biếng, mà vì nếu mình được yên ổn qua thời khắc đó, đồng nghĩa không có tai nạn nào xảy ra, không có bệnh nhân nào phải cấp cứu. Ai ai cũng được đón Tết bên gia đình”.
Nguoi lai xe cuu thuong 6 nam don giao thua sau vo lang-Hinh-3
Sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc giúp anh nhận được tình cảm yêu mến, trân trọng của mọi người. 
Khi được hỏi đã bao giờ anh muốn đổi việc, chuyển sang một nghề nào đó bớt vất vả hơn không, “người mang Tết sum vầy” bộc bạch nghề lái xe cấp cứu đầy thử thách nhưng nhiều ý nghĩa. Mỗi giây phút hồi hộp làm nghề là một lần khiến anh hạnh phúc vì đang sống có ích hơn.
Niềm hạnh phúc đó đã, đang và sẽ bù đắp cho anh nỗi vất vả phải làm việc vào đêm giao thừa, xa gia đình vào giờ khắc chuyển giao thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới.
“Nếu ai cũng mong được nghỉ ngơi, thì ai sẽ vận chuyển những bệnh nhân cấp cứu tới viện?”, anh lý giải đơn giản.
Một lệnh điều chuyển nữa lại được phát đi, xin phép ngắt cuộc trò chuyện, anh Triều nhanh chóng lao lên chiếc xe cấp cứu đã được chuẩn bị sẵn. Nhìn chiếc xe cứu thương của anh nhanh chóng lao vút đi cùng những hồi còi đầy gấp gáp...
Xin chúc cho anh Triều, và những người làm công việc như anh, vững tay lái, chắc vô lăng trong kỳ làm việc Tết sắp tới, hoàn thành công việc của một người trao Tết sum vầy, mang đến cho mọi người, mọi nhà giờ phút đón giao thừa ấm áp.
Theo Ngân Giang/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)