Peter Layton: Thủy thủ tàu ngầm Argentina khó sống sót nếu tàu chìm sâu

Google News

(Kiến Thức) - Theo học giả Peter Layton thuộc ĐH Griffith, nếu tàu ngầm Argentina chìm ở vùng biển sâu hơn ngoài khơi Đại Tây Dương thì thủy thủ đoàn không có cơ hội sống sót.

Những ngày qua, việc tàu ngầm Argentina mất tích trở thành một trong những vấn đề "nóng" nhất thế giới. Hiện lực lượng cứu hộ tích cực tìm kiếm tàu ngầm này dưới biến trước khi tàu ngầm ARA San Juan hết oxy và lương thực. Theo đó, hàng chục con tàu của Argentina, Mỹ, Anh, Brazil và Chile ngày đêm hoạt động hết công suất với hy vọng tìm thấy tàu ngầm trên.
Trước khi mất tích, tàu ngầm ARA San Juan (tàu ngầm diesel - điện lớp TR-1700 (Santa Cruz) do Đức sản xuất) của Argentina đã nổi lên mặt nước ngày 15/11 để thông báo về một sự cố điện và được lệnh trở lại căn cứ hải quân ở Mar del Plata.
Tuy nhiên, 48 giờ sau khi tàu ngầm ARA San Juan chở 44 thủy thủ không có bất cứ liên lạc nào về căn cứ, Hải quân Argentina phát lệnh báo động và bắt đầu công tác tìm kiếm con tàu này vào ngày 17/11. Theo giới chức trách, địa điểm xuất hiện cuối cùng của tàu ngầm ARA San Juan được xác định cách bờ biển Argentina khoảng 432 km.
Theo tính toán của các chuyên gia, lực lượng cứu hộ đang phải chạy đua với thời gian vì tàu ngầm ARA San Juan có thể hết oxy khiến các thủy thủ trên tàu gặp nguy hiểm.
Peter Layton: Thuy thu tau ngam Argentina kho song sot neu tau chim sau
Tàu ngầm ARA San Juan nổi trên mặt biển năm 2013. Ảnh: CNN. 
Theo CNN, liên quan đến vụ tàu ngầm mất tích này, học giả Peter Layton thuộc ĐH Griffith cho hay thông thường tàu ngầm diesel - điện sẽ phải nổi lên sau 24 giờ để bổ sung oxy, chạy động cơ diesel để nạp điện cho ắc quy, cũng như gửi tín hiệu vô tuyến về sở chỉ huy. Trong trường hợp tàu ngầm ARA San Juan, hải quân Argentina không thu được bất cứ tín hiệu nào kể từ khi nó mất liên lạc. Nếu tàu ngầm này chìm và còn nguyên vẹn thì thủy thủ sẽ chỉ có oxy đủ dùng trong thời gian từ 7 - 10 ngày.
Theo ông Layton, do tàu ngầm này lặn sâu dưới đáy biển nên nó không gây ra nhiều tiếng ồn động cơ và rất khó bị phát hiện.
"Nếu như tàu ngầm ở dưới đáy đại dương thì nó sẽ không tạo ra nhiều tiếng ồn. Thủy thủ có thể gõ vào vỏ tàu để thu hút sự chú ý của các tàu đi ngang qua đó. Tuy nhiên hệ thống sonar chỉ thực sự hiệu quả khi tìm kiếm tàu ngầm lơ lửng giữa vùng đáy và mặt biển", ông Layton cho hay.
Mời quý độc giả xem video: Thử nghiệm thành công tàu ngầm mini Hoàng Sa (nguồn: VTC1):
Ông Layton cho biết thêm, nếu như vỏ và thân tàu ngầm ARA San Juan còn nguyên vẹn thì nó có thể chịu được áp suất ở độ sâu tối đa 500 - 600m, gấp 2 lần độ sâu vận hành thông thường là 300m. Trong trường hợp tàu ngầm ARA San Juan chìm xuống đáy thềm lục địa Argentina, nó có thể không bị áp lực nước nghiền nát bởi vì độ sâu tại đây không quá 600m.
Tuy nhiên, nếu như tàu ngầm ARA San Juan chìm ở vùng biển sâu hơn ngoài khơi Đại Tây Dương thì nhiều khả năng vỏ của con tàu này sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Trong trường hợp này, thủy thủ đoàn ARA San Juan sẽ không có cơ hội sống sót.
Tâm Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)