Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson: Thành công không đến từ “tư tưởng suông”

Google News

(Kiến Thức) - Không ngẫu nhiên mà Forbes lại dự đoán Rex Tillerson Wayne – một “người ngoại đạo” trong nội các mới của Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ thành công trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. 

Chưa một lần giữ chức vụ liên quan tới chính trị, không phải chính trị gia, nhà quân sự hay một học giả am hiểu chính trị, nhưng tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson Wayne lại được giới chuyên môn đánh giá sẽ trở thành một nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà Forbes lại dự đoán Rex Tillerson Wayne – một “người ngoại đạo” trong nội các mới của Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ thành công khi gia nhập chính trường.
Tính cách mạnh mẽ và quyết đoán, khả năng đàm phán khôn khéo, những kinh nghiệm thực sự phong phú trong thời gian điều hành tập đoàn Exxon Mobil – tập đoàn khổng lồ có mặt tại hơn 50 quốc gia với mức lợi nhuận cao nhất thế giới được cho là những nhân tố quyết định sẽ giúp ông tỏa sáng trên cương vị mới – tân Ngoại trưởng Mỹ.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, ông Tillerson vốn là người cương, nhu đúng lúc. Ông từng được nhận xét là "người không khoan nhượng và cực kỳ dứt khoát" (bình luận của Dmitri Trenin, một nhà phân tích người Nga tại văn phòng đại diện tại Moscow của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie). Đồng thời, tân Ngoại trưởng Mỹ cũng "không phải người thiên về tư tưởng suông", John Hamre, học giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), trụ sở ở Washington nhận định.
8 ưu điểm, 8 nhân tố sau đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson Wayne thuộc tuýp người của hành động, "không thiên về tư tưởng suông". 
8 bi quyet giup
Chân dung tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson Wayne. Ảnh: AP Photo/Jon Gambrell. 

1. Dày dặn kinh nghiệm đàm phán
Chủ tịch Rex Tillerson là một nhà đàm phán có kinh nghiệm và gặt hái được nhiều thành tựu. Lịch sử Mỹ ghi nhận Ngoại trưởng Mỹ không cần phải đứng ra để đàm phán nhưng phải chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán. Một ví dụ là Ngoại trưởng Kerry đã không cần đứng ra để thực hiện cuộc đàm phán hạt nhân với Iran nhưng ông phải chịu trách nhiệm về cuộc đàm phán.
Ông Tillerson có nhiều kinh nghiệm liên quan đến các cuộc đàm phán ở mọi lĩnh vực, từ quyền sử dụng đất đai cho các vấn đề lao động và giao thông vận tải. Dưới sự lãnh đạo của ông, tập đoàn Exxon đã thực hiện nhiều cuộc đàm phán với chính phủ trong và ngoài nước cũng như các tập đoàn quốc tế lớn.
2. Khả năng quản lý ấn tượng
Là Chủ tịch tập đoàn Exxon có trị giá khoảng 370 tỷ USD hoạt động ở 50 quốc gia trên thế giới, ông Tillerson có bề dày kinh nghiệm quản lý quy mô lớn. Tập đoàn Exxon hoạt động trên nhiều lĩnh vực: dầu khí, xây dựng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, marketing, bán hàng và nguồn nhân lực.
Các Ngoại trưởng của Mỹ quản lý ngân sách 65,9 tỷ USD với các hoạt động ở các nước trên thế giới, bao gồm: dịch vụ visa, hỗ trợ người Mỹ ở nước ngoài, an ninh quốc gia, xúc tiến thương mại và ngoại giao cấp cao. Chủ tịch Tillerson là người có kinh nghiệm quản lý và được đánh giá cao.
3. Đối ngoại trong giới lãnh đạo đầy khôn khéo
Chủ tịch Tillerson có kinh nghiệm đối ngoại khi đại diện cho tập đoàn Exxon làm việc với các nhà lãnh đạo thế giới. Ông hiểu rõ động cơ của các nhà lãnh đạo nước ngoài và có thể đáp ứng được những mối quan tâm của họ để thúc đẩy họ tiến hành hợp tác với tập đoàn.
Đây là điều cần thiết đối với người giữ chức Ngoại trưởng Mỹ cần phải đưa ra những biện pháp thiết thực đáp ứng các động cơ của các nhà lãnh đạo thế giới và thuyết phục họ hợp tác hoặc không chống lại với Mỹ.
4. Gặt hái thành công trong lĩnh vực kinh tế tư nhân
Ông Tillerson gia nhập tập đoàn Exxon năm 1975 và từng bước thăng tiến trong sự nghiệp nhờ những thành tựu đáng nể. Tập đoàn Exxon là một trong số những công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới. Chủ tịch Tillerson có thể tiếp tục đưa nước Mỹ gặt hái thành công khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ.
5. Xung đột lợi ích
Một trong những mối quan ngại lớn nhất khi Chủ tịch Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ là mối quan hệ giữa ông và tập đoàn Exxon bởi lợi ích cổ phần và quyền hạn của ông tại tập đoàn.
Tuy nhiên, đây không thực sự là vấn đề đáng lo ngại bởi 2 lý do sau đây. Một là, Mỹ thường bổ nhiệm giám đốc điều hành khu vực tư nhân vào các vị trí quan trọng của liên bang. Ví dụ như các Bộ trưởng Tài chính Mỹ thường đi lên từ phố Wall. Hai là, nếu hạn chế các lãnh đạo đến từ khu vực kinh tế tư nhân thì Mỹ sẽ không khai thác được kinh nghiệm và tài năng của họ.
6. Quan hệ với lãnh đạo nước ngoài
Chủ tịch Tillerson là người đã xây dựng được mối quan hệ cho Exxon với các nước, đặc biệt là Nga. Ông đã từng nhận một giải thưởng từ Tổng thống Putin và phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga. Nếu trở thành Ngoại trưởng Mỹ thì ông Tillerson sẽ trở thành người đại diện cho lợi ích của nước Mỹ.
Đây là yếu tố tích cực cần thiết đối với các nhà ngoại giao. Ví dụ minh chứng cho điều này là Thống đốc bang Iowa - Terry E. Branstad vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Trung Quốc bởi vì ông là “người duy nhất thích hợp cho vị trí này nhờ mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Tập Cận Bình”.
7. Năng lượng và môi trường
Các nhà bảo vệ môi trường có thể sẽ phản đối chủ tịch của 1 công ty năng lượng được bổ nhiệm vào vị trí hàng đầu trong chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Tillerson có thể tự tin chỉ ra vai trò dẫn đầu của tập đoàn Exxon trong ngành năng lượng suốt hàng hàng thập kỷ qua.
Trên thực tế, kinh nghiệm của ông Tillerson trong ngành công nghiệp năng lượng đặc biệt hữu ích. Ví dụ, ông biết sử dụng năng lượng để gây áp lực lên Trung Quốc buộc nước này phải áp dụng các điều khoản công bằng thương mại.
8. Tuyệt đối trung thành
Thượng viện Mỹ quan tâm nhiều nhất là trách nhiệm và lòng trung thành của một Ngoại trưởng với lợi ích của Mỹ. Với hơn 40 năm làm việc tại tập đoàn Exxon, Chủ tịch Tillerson đã chứng minh cho mọi người thấy sự trung thành, tận tụy của ông đối với công ty. có thể chứng minh cho lòng trung thành của ông. Thực tế, ông Tillerson đã điều hành một công ty được đánh giá là trụ cột giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng hơn 100 năm qua.
Kinh nghiệm điều hành một tập đoàn hàng đầu, gặt hái được nhiều thành công trong ngành năng lượng là một nền tảng hữu ích cho việc dẫn dắt tổ chức ngoại giao quan trọng nhất của thế giới.
Ông Tillerson có khả năng sẽ theo đuổi một chính sách ngoại giao thực tế: tiếp cận thế giới theo bản chất vốn có của nó và khiến nó chuyển động theo hướng mà nước Mỹ hướng đến. Hòa bình, thịnh vượng và lợi ích của nước Mỹ sẽ trở thành thước đo mới về lợi nhuận và thành công của Ngoại trưởng Tillerson.
Tân ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson Wayne sinh ngày 23/3/1952 tại Texas (Mỹ). Năm nay, ông 64 tuổi và có 4 người con. Ông từng theo học Đại học Texas và có bằng Kỹ sư. Năm 1975, trong vai trò kỹ sư sản xuất, ông Tillerson từng làm việc tại ExxonMobil – một tập đoàn dầu khí đa quốc gia. Sau quá trình làm việc, phấn đấu, trải qua nhiều cấp bậc, Rex Tillerson Wayne trở thành Tổng giám đốc vào năm 1989. Đến năm 1992, ông trở thành cố vấn sản xuất của Exxon Corp.
Năm 1998, Tillerson đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Exxon Ventures và là Chủ tịch của Exxon Neftegas Limited, chịu trách nhiệm quản lý thị phần của công ty tại Nga (bao gồm khu vực biển Caspi và đảo Sakhalin).
Tháng 8/2001, ông Tillerson được thăng chức thành Phó Chủ tịch cấp cao của ExxonMobil Corp. Đến năm 2006, ông chính thức trở thành Giám đốc điều hành của ExxonMobil. Năm 2015, ông đứng thứ 25 trong danh sách những người quyền lực nhất của Forbes và xếp thứ 24 trong năm 2016.
Tâm Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)