Chẩn đoán bệnh gai cột sống cổ bằng cách nào?

Google News

Ở những người gầy ốm, khi cúi cổ, ta có thể thấy rõ các gai này nhô ra sau, thành một hàng dọc chính giữa.

- Hỏi: Tôi năm nay 34 tuổi, nữ, bị viêm xoang, không đau cổ gáy, đi khám phòng khám "thầy lang" thì được chẩn bệnh là gai cột sống cổ C2, C3. Đặc biệt, C3 bị gai gây chèn ép, máu không liên thông nên bị đau đầu. Xin bác sĩ tư vấn giúp, để chẩn đoán ra bệnh gai cột sống cổ C2, C3 thì phải khám lâm sàng và cận lâm sàng như thế nào? Nếu chỉ dùng bàn tay bóp sau gáy cổ thì có biết được gai hay không? Nhã  Đan (quận Gò Vấp, TPHCM).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM trả lời:
Mỗi đốt xương cột sống đều có "gai" của nó, ngành y gọi là "mỏm gai" (spinous process). Ở những người gầy ốm, khi cúi cổ, ta có thể thấy rõ các gai này nhô ra sau, thành một hàng dọc chính giữa. Những "gai" này là một bộ phận của xương cột sống, đương nhiên là không gây đau gì cả.
 
Khi người ta bị thoái hóa cột sống cổ, một số màng xương và dây chằng bị đọng chất vôi (calcium) ở sát phần tiếp xúc với thân xương sống. Do vậy, khi chụp trên phim X-quang, ta sẽ thấy thân xương sống, trên người trẻ tuổi bình thường vẫn có bờ viền rõ ràng, nay ở người trung niên và lớn tuổi lại mọc lên một vài cái "gai".
 
"Gai" cột sống mà một số người mô tả, chính là loại này. Hầu hết các "gai" này không gây đau. Triệu chứng đau ở cột sống cổ là do các rễ thần kinh bị các phần xương và phần mềm xơ hóa cạnh xương phì đại, chèn ép gây ra đau hoặc tê.
 
Các rễ thần kinh ở cột sống cổ, được gọi từ trên xuống dưới là C1 cho tới C7. Nếu các rễ C2 và C3 bị chèn ép thì người ta có thể bị đau ở phía sau của đầu, chữ C2 và C3 chỉ vùng da sau đầu do các rễ cổ thứ hai và thứ ba chi phối cảm giác. Bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh hoặc ngoại thần kinh, hoặc bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình. Việc dùng tay để sờ nắn sau gáy không thể xác định được có gai hay không.

PV (ghi)
Bài đọc nhiều:

Bình luận(0)