Lưu ý khi chọn nước muối vệ sinh mũi cho trẻ

Google News

(Kiến Thức) - Thị trường có đủ loại nước muối nhỏ mũi, trong đó có loại dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vậy chọn loại nào là phù hợp nhất đối với trẻ?

Nước muối vệ sinh mũi chỉ là biện pháp hỗ trợ, không thể thay thế thuốc chữa bệnh trong những trường hợp cần thiết.  
Nước muối có tác dụng sát trùng, rửa sạch chất nhày, chất gây dị ứng, giúp thông thoáng mũi. Do đó, các loại nước dùng để vệ sinh mũi hiện có bán tại nhà thuốc về bản chất chỉ là nước muối hay nước biển. Tuy nhiên, chúng ta không nên tự làm, vì nước, dụng cụ pha, bình chứa cần phải đảm bảo vô trùng, muối thì cần tinh khiết, là loại dùng trong công nghiệp dược, rồi phải pha thêm chất đệm làm cho pH của dịch pha phù hợp với cơ thể... để đảm bảo an toàn, dễ chịu cho trẻ.
Hiện tại có hai loại là nước biển nhân tạo và nước biển tự nhiên. Nước biển nhân tạo: Nhà sản xuất sẽ pha muối tinh khiết với nước vô khuẩn. Tùy theo lượng muối sử dụng ít hay nhiều mà ta có nước muối đẳng trương hay nước muối sinh lý (nồng độ 0,9%) và nước muối ưu trương (nồng độ trên 0,9%). Nước biển tự nhiên: Đây là nước biển thực sự do các nhà bào chế lấy từ đại dương. 
Nước muối có ưu điểm là có chứa nhiều nguyên tố vi lượng như đồng (Cu), mangan (Mn)... có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm, chống dị ứng, làm se niêm mạc mũi. Nên chúng ta thấy có loại nước muối được làm giàu thêm đồng (Cu) nhằm tăng tác dụng sát khuẩn, hay làm giàu thêm mangan (Mn) nhằm chống dị ứng. Nhưng họ không lấy nước trên bề mặt mà lấy nước thường ở độ sâu 450m, để đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm bởi bụi bẩn, chất thải công nghiệp và để tránh vùng chiếu sáng của đại dương nhằm hạn chế sự xuất hiện của các vi sinh vật. Vì nồng độ muối trong nước biển trung bình khoảng 3,5% nên trên các lọ nước muối loại này đều có dòng chữ "100% nước biển tự nhiên pha loãng".
Nước muối vệ sinh mũi chỉ là biện pháp hỗ trợ, không thể thay thế thuốc chữa bệnh trong những trường hợp cần thiết. Để quyết định chọn loại nào chúng ta cần phải căn cứ vào tuổi của trẻ, tình trạng bệnh, loại nước muối đẳng trương hay ưu trương, cách thiết kế bình xịt của nhà sản xuất. 
DS Nguyễn Thị Bích Nga (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM)

Bình luận(0)