Kẹt van do máu cục vì không dùng thuốc chống đông

Google News

(Kiến Thức) - Kẹt van do máu cục (huyết khối) là một trong những biến cố của người mang van tim nhân tạo. 

 Ảnh minh họa.
Khi sử dụng thuốc chống đông, bệnh nhân có thể gặp trường hợp quá liều thuốc sẽ dẫn tới chảy máu, xuất huyết nội tạng và trường hợp những người không uống thuốc, hoặc uống không đủ liều làm tăng nguy cơ đông máu, giảm mất hoạt động của van nhân tạo (kẹt van). Trường hợp này, bệnh nhân cần cấp cứu gấp, nếu không có thể nguy hiểm tính mạng.
Những người mang van tim nhân tạo đôi khi vì lý do nào đó như đi du lịch, ngại uống thuốc, quên uống mà dẫn tới biểu hiện khó thở, mệt, giống như tình trạng suy tim mà chưa được mổ trước đó thì cần được đưa tới bệnh viện để điều trị ngay, bởi đây là một trong những biểu hiện kẹt vao do máu cục bởi không dùng thuốc chống đông.
Tắc van (kẹt van) đối với người mang van tim nhân tạo sinh học thì cực hiếm, nhưng đối với người mang van tim nhân tạo cơ học trong những năm gần đây ngày càng gia tăng. Nếu để muộn, bệnh nhân có thể bị phù phổi cấp, thậm chí tử vong. Khi bác sĩ nghe tim, thấy tiếng vang của bệnh nhân mờ, không rõ, siêu âm tim thấy các cánh van nhân tạo kẹt cứng, đóng mở không hoàn toàn, xét nghiệm đông máu tăng bất thường cần mổ cấp cứu ngay. 
Thời điểm xuất hiện triệu chứng dưới 48 tiếng đầu, bệnh nhân có thể điều trị bảo tồn bằng thuốc tiêu sợi huyết, còn muộn hơn, bệnh nhân phải mổ cấp cứu thay van tim nhân tạo. Bệnh nhân sử dụng thuốc tiêu sợi huyết chỉ tiêu được lượng máu đông mới, nhưng do lượng máu đông bám vào ngày càng nhiều, chồng chất lên nhau nên dùng thuốc lúc này không điều trị khỏi. 
Những trường hợp này cần lấy máu cục và thay van tim nhân tạo mới cho bệnh nhân. Vậy là chỉ những sơ xuất nhỏ của việc không dùng thuốc chống đông theo chỉ dẫn của bác sĩ mà bệnh nhân đã phải tốn kém một ca mổ không đáng có, mặt khác lại có nguy cơ đe dọa tới tính mạng nếu không được xử lý nhanh. 
Vì vậy, khuyến cáo người bệnh đang mang van tim nhân tạo cần uống thuốc chống đông  đúng liều, đúng chỉ dẫn của cán bộ y tế, thăm khám định kỳ.
ThS.BS Đinh Xuân Huy(Bệnh viện Tim Hà Nội)

Bình luận(0)