Đẩy lùi chứng lẫn ở người già nhờ đọc sách, làm thơ

Google News

(Kiến Thức) - Không nhớ nổi tên mình, không biết người đứng trước mặt là ai, không biết mình có mấy con... là viễn cảnh mà người già nào cũng sợ hãi.

Ăn rồi lại bảo... chưa ăn
Chị Nguyễn Thị Điệp ở Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội tâm sự: Điều chị cảm thấy buồn và căng thẳng nhất lúc này là sự... lẫn của mẹ. Chị kể, mẹ chị ngày trẻ vốn minh mẫn, hoạt bát, vậy mà bước qua tuổi 70 thì tự dưng thay đổi hẳn, lúc nào cũng nhớ nhớ, quên quên. Ví dụ, khi hàng xóm tới nhà, mẹ chị than thở bị con cái bỏ đói, không cho ăn. 
Đặc biệt, theo thời gian, bệnh "lẫn" của mẹ chị ngày càng trầm trọng, bà không nhớ nổi tên mình là gì, không biết mình có mấy đứa con, đi chơi không nhớ đường về nhà, thậm chí còn xuất hiện những ám ảnh. Mẹ chị luôn bị ám ảnh về chuyện có trộm ở trong nhà, mới chập tối đã thu dọn hết đồ đạc cất đi, đêm thì chạy khắp nhà đuổi trộm. 
"Có lần nửa đêm tôi tỉnh dậy thấy mẹ nấp ngay cạnh đầu giường, hỏi tại sao bà làm vậy thì bà nói đang rình trộm. Giờ hằng đêm mẹ tôi đi khắp nhà, khua khoắng khắp nơi là chuyện bình thường, cả nhà vì thế cũng mất ngủ theo. Nhưng lo nhất việc đi lại trong đêm tối, chẳng may mẹ bị va, ngã thì hậu quả thật khó lường", chị Điệp tâm sự.
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 5 Tây Sơn cho biết, lú, lẫn, hoang tưởng là bệnh khá phổ biến của người cao tuổi, được y học gọi tên là bệnh sa sút trí tuệ. Bệnh thường xuất hiện từ tuổi 60 trở lên, nhưng cũng có một số trường hợp xuất hiện triệu chứng lú, lẫn ở tuổi sớm hơn. Nguyên nhân của lẫn không chỉ đơn thuần là do tuổi tác mà còn liên quan đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và hoạt động trí não. 
Việc thiếu dinh dưỡng hoặc thiếu các chất cần thiết để "bổ" não cũng là nguyên nhân khiến cho việc lão hóa diễn ra nhanh hơn. Việc lẫn ở mỗi người là rất khác nhau, người nhẹ, người nặng, có người chỉ dừng ở mức đãng trí, nhớ trước quên sau, có người lẫn trầm trọng hơn là không nhớ người thân, quên đường về nhà, trách mắng con cái bỏ đói... Đặc biệt, có người bị lẫn nặng đến mức mất hoàn toàn khả năng ghi nhớ, xác định phương hướng, thậm chí quên luôn cả cách tự chăm sóc bản thân như tắm rửa, mặc quần áo...
Đọc báo, xem sách sự giúp não vận động từ đó cải thiện trí nhớ. 
Đừng để bộ não "ngừng hoạt động"
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên của Bộ Y tế cho hay, không có bất cứ phương thức nào giúp chữa khỏi bệnh "lẫn" ở người già. Tuy nhiên, việc hoạt động trí não cũng giúp ích rất nhiều trong việc làm quá trình "lẫn" đến muộn hơn và mức độ nhẹ hơn. 
BS Hoàng Xuân Đại cho biết, dù hiện nay ông đã ngoài 70 tuổi, cũng có một số biểu hiện "lẫn" của người già, chẳng hạn như khi gửi thư điện tử cho người này thì lại gửi nhầm sang người khác. Tuy nhiên, so với những người bạn già cùng trang lứa, bệnh "lẫn" của ông nhẹ hơn rất nhiều. Lý do là vì ông không bao giờ để bộ não "ngừng hoạt động", ông đọc báo, xem sách để cập nhật thời sự, cập nhật những tiến bộ khoa học, y học. Ngoài ra, ông viết bài, dịch tài liệu, thậm chí là làm thơ... Những hoạt động này giúp ông vừa thấy yêu đời, vừa được thư giãn đầu óc, đồng thời cũng là cách giúp não vận động từ đó cải thiện trí nhớ, tránh lú, lẫn.
Chung sống "lẫn" với cha mẹ
ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Tư vấn Giáo dục kỹ năng mềm cho biết: Bệnh lẫn không chỉ là nỗi sợ của người già, mà còn là nỗi sợ của cả con cháu trong gia đình. Việc chăm sóc cha mẹ già bị lẫn là công việc khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì. Khi cha mẹ chuẩn bị bước vào tuổi già, con cái cũng cần chuẩn bị tâm lý để đón chờ sự "lẫn" cũng như chuẩn bị các kỹ năng để chung sống bệnh lẫn với cha mẹ. 
Ví dụ, tránh việc người già đi ra ngoài rồi không nhớ đường về nhà, hãy hạn chế để người già đi ra ngoài một mình, để lại số điện thoại của con cái trong quần áo của bố, mẹ để chẳng may khi bị lạc vẫn, người dân có thể liên hệ được với gia đình. Tương tự khi bị lẫn, người già thường nghĩ mình bị bệnh và hay đòi uống thuốc, hãy kiên trì giải thích về tình trạng sức khoẻ cho người già cũng như cất kỹ các loại thuốc men trong gia đình để người già không nhìn thấy...
Đừng bao giờ cười hoặc trêu đùa khi cha mẹ không nhớ tên mình là gì, nhầm người này với người khác...; đừng bao giờ nổi cáu khi cha mẹ quên tắt điện; quên cách mặc quần áo; quên xả nước khi đi nhà vệ sinh. Trẻ cậy cha, già cậy con. Hãy nhớ điều đó để là chỗ dựa cho cha mẹ khi về già.
ThS Trần Mạnh Hoàng
Đức Anh

Bình luận(0)