Cảnh giác với mọt gạo

Google News

(Kiến Thức) - Để tiêu diệt loài sinh vật này, không ít các phương pháp được nhắc tới như dùng tỏi, ớt song không phải biện pháp nào cũng hiệu quả.

Mua gạo... có sâu
GS.TS Bùi Công Hiển, nguyên giảng viên Khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Trong thùng, bao đựng gạo nếu phát hiện thấy có con bọ nâu đen, kích thước 3 - 4mm, đầu có vòi nhỏ thì đấy là mọt gạo. Mọt gạo có mặt lưng màu nâu đến nâu đen, không bóng; tấm lưng ngực trước có những lỗ chấm tròn nông, sắp xếp không có quy luật. Khả năng sinh sản của mọt gạo lớn. Trung bình một con cái đẻ 380 trứng, cao nhất đạt 576 trứng. 
Thời gian phát triển của mọt phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt độ. Mọt gạo từ trứng đến trưởng thành ở nhiệt độ 27,2 độ C là 25,5 ngày; ở nhiệt 17 độ C là 92 ngày. Ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, mọt gạo có thể bay ra ngoài đồng và đẻ trứng lên lúa sắp thu hoạch. Vẫn theo GS.TS Bùi Công Hiển, tuổi thọ của mọt gạo khá cao kéo dài khoảng 8 tháng. Mọt gạo không thể tồn tại ở ngũ cốc quá khô (thủy phần 10%). Thủy phần hạt thích hợp nhất cho chúng phát triển là 16%. Hoạt động sinh dục và đẻ trứng bắt đầu ở nhiệt độ 14 độ C. Ở nhiệt độ dưới 60C tất cả các giai đoạn phát triển cá thể đều bị chết trong vòng 3 ngày. 
Với những đặc điểm đó, mọt gạo là loài phân bố toàn cầu và ở nước ta, mọt gạo cũng có mặt ở khắp nơi. Trước đây nhiều người thường cho rằng, gạo mua về ăn để bị mọt là do gạo cũ, gạo để lâu ngày bị ải mới sinh ra mọt; Nhưng thực tế mọt gạo có trong thùng gạo tại các gia đình là vì gạo đã bị nhiễm sâu (ấu trùng) gạo từ nơi sản xuất, kho chứa lúa gạo. Ấu trùng gạo đã nằm ở bên trong hạt gạo mặc dù khi mua về chúng ta không hề nhìn thấy. Do vậy khi mua gạo về là đã mua cả sâu có trong đó. Để vài ngày, vài tuần sâu nở ra mọt chui ra ngoài, nên mới nhìn thấy. Như vậy, thực chất không phải gạo bị ải sinh ra mọt, mà là gạo đã có sẵn ấu trùng bên trong, sau đó mới nở thành mọt, ăn các hạt gạo làm cho gạo bị ải.  
 
Ớt, tỏi không hiệu quả
Gạo bị mọt sẽ giảm chất lượng và hương vị, vì vậy để xử lý mọt gạo nhiều người thường dùng các mẹo như tách một vài nhánh tỏi khô, hay tách vài quả ớt, bỏ hạt rồi cho vào gạo; hoặc vùi vào thùng gạo một ly đựng rượu, vừa tiêu diệt được mọt mà không làm ảnh hưởng đến hương vị của gạo... Tuy nhiên, theo GS.TS Bùi Công Hiển, các biện pháp này chỉ là đánh lừa cảm giác hoặc xua đuổi tạm thời mọt gạo chứ không tiêu diệt được mọt gạo. 
Ở gia đình, nếu có ít gạo (dưới 10kg) xuất hiện mọt thì có thể đổ ra một tấm nylon rồi tãi mỏng. Mọt gạo sẽ chạy khỏi gạo bò ra bên ngoài mép. Lúc đó có thể bắt giết mọt. Ngoài ra, có điều kiện nên sàng sảy để loại bỏ mọt và vệ sinh dụng cụ chứa gạo bằng rượu hay cồn. Tránh dùng hóa chất độc, nhất là thuốc bảo quản lương thực của Trung Quốc, để bảo quản gạo. Đối với gạo dù có nhiễm ấu trùng gạo, nhưng khi chưa thành mọt thì việc gia nhiệt qua chế biến, đun nấu sẽ không ảnh hưởng gì đến chất lượng và hương vị gạo. Tốt nhất, để phòng tránh mọt, đối với người tiêu dùng, nên dự trữ ít gạo đủ ăn trong 1 - 2 tuần, tránh việc mua gạo về để lâu ăn dần.
PGS.TS Nguyên Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cũng khuyến cáo người dân ở các vùng nông thôn, thường có thóc để sẵn ở trong nhà cũng không nên xát gạo nhiều, tốt nhất chỉ xát để ăn trong vòng 10 ngày, ăn hết lại xát tiếp để tránh bị mọt đồng thời cũng không làm gạo giảm chất lượng (gạo đã xát để lâu cũng bị giảm chất lượng).
Mọt gạo là đối tượng gây hại chủ yếu trong lương thực, đặc biệt ở những kho chứa gạo, ngô. Ở CHLB Đức có tới 55% trường hợp lương thực bị hại do mọt gạo; ở Thổ Nhĩ Kỳ con số này là 2/3. Ở Mỹ, riêng năm 1951 ước tính thiệt hại do mọt gạo gây ra vào khoảng 120 triệu USD. Trong lịch sử người ta cũng đã ghi nhận ở một chiếc tàu chở 145 tấn ngô vào năm 1948, khi cập bến đã sàng ra được 3 tấn mọt gạo.
Đức Anh

Bình luận(0)