Con hãy là chú đại bàng mạnh mẽ và biết yêu thương!

Google News

“Mình không muốn con là gà tồ dễ bị lợi dụng, mà phải là con đại bàng mạnh mẽ, sẵn sàng phản kháng khi người ta làm hại mình, nhưng vẫn biết yêu thương, chia sẻ” - chị Trần Phương Nga (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.


 “Bạn đánh con, con phải biết đánh lại!”

Phản hồi của bà mẹ về việc có nên để con tin vào cổ tích “Đừng dâng gà non lên miệng cáo” đã đánh trúng vào tâm lý của nhiều bố mẹ bây giờ. 

“Xã hội bây giờ không đơn giản như ngày xưa nữa. Ngày trước, cuộc sống bình yên hơn, ít bon chen, lừa đảo, ai cũng quan tâm và tốt bụng với nhau. Giờ thì đi đâu cũng thấy cướp, giết, hiếp, nhìn đâu cũng sợ. Bạo lực lan vào cả trường học, lâu lâu lại giật thon thót bởi clip nữ sinh giật tóc, lột áo, đánh bạn… Vậy nên, chỉ dạy con tin vào điều thiện, điều tốt đẹp, yêu thương, chia sẻ với người khác, không cẩn thận là đào tạo “gà tồ”!” - anh Nguyễn Văn Hòa (xóm 2, Cổ Nhuế, Từ Liêm) chia sẻ.

Anh Hòa có một cô con gái 3 tuổi rất đanh đá, ở lớp không bạn nào bắt nạt được, sẵn sàng đánh trả khi bị bạn cấu. Không những không ngăn cản, anh còn ủng hộ con: “Thời đại này sợ nhất là khờ dại, hiền quá. Phải ghê gớm thì mới lại được với đời. Nếu bạn đánh con, con cứ đánh lại.” 

Vợ chồng chị Nguyễn Thanh Huyền (Tây Sơn, Hà Nội) cũng nhiều lần cãi nhau về vấn đề này trong việc nuôi dạy cô con gái tuổi mầm non. Khi các bạn hàng xóm đến chơi nhà, chị Huyền luôn bảo con tặng kẹo, chia sẻ đồ chơi với bạn khác, thậm chí bắt con phải nhường cho bạn chơi mặc con khóc thét, không đồng ý.   

Mỗi lần như vậy, chồng chị lại phản đối. Anh nói đó là đồ chơi của con, con có quyền nhường bạn hoặc không. Tại sao bắt con phải cho bạn mượn trong khi chính con đang thích chơi?

Bản thân chị Huyền cũng băn khoăn về cách dạy con quan tâm, nhường nhịn của mình. Khi con đi lớp mẫu giáo, mỗi lần mua kẹo mút cho bé chị đều mua đủ cho số bạn trong lớp để cô giáo phát cho cả lớp. Thế nhưng, buổi chiều đón con, hỏi kẹo có ngon không, bé mếu máo: “Con không được ăn. Bạn Quang lấy của con.”

“Làm sao để con biết yêu thương bạn khác nhưng không thua thiệt, bị bắt nạt, lợi dụng?” – Chị Huyền trăn trở..

 Cho con tiếp xúc xã hội sớm cũng là cách để bé học cách yêu thương và ứng xử


Dạy con  biết tự bảo vệ mình

“Sự lo lắng của cha mẹ Việt là điều dễ hiểu. Việt Nam đang phát triển với tốc độ quá nhanh. Trước đây, 85% Việt Nam là nông thôn, trẻ con được bao bọc trong làng xã. Bây giờ, họ đối mặt với một thế giới mới rộng mở, sự thâm nhập của văn hóa Tây phương, internet với cả điểm tích cực lẫn tiêu cực. Những người làm cha, làm mẹ có thể bắt kịp và cảm thấy sợ hãi” - TS Marie-Eve Hoffet-Gachelin (chủ tịch Hiệp hội tâm lý Pháp Việt) người đã có thời gian dài nghiên cứu về cách nuôi dạy con của Việt Nam và Pháp - nhận định.

Theo Ts Marie-Eve Hoffet-Gachelin, được lớn lên trong sự quan tâm, tình yêu của toàn bộ gia đình lớn là một thế mạnh trong cách nuôi dạy con của Việt Nam, từ đó trẻ em học được cách chia sẻ, yêu thương người khác. Mặt trái của việc này là nhiều bố mẹ vẫn chăm sóc, bao bọc con thái quá, điều này sẽ dẫn đến việc con không đủ tự tin, vững vàng để đương đầu với cuộc sống phức tạp.

Chị Trần Phương Nga (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một người mẹ có hai con 5 và 10 tuổi cho biết chị mong muốn con mình mạnh mẽ như những con đại bàng, sẵn sàng chiến đấu với những kẻ muốn hại mình, nhưng đồng thời biết sống giàu tình cảm, yêu thương vì như vậy con mới có nhiều mối quan hệ tốt và hạnh phúc với cuộc sống của mình. Chị cho rằng muốn vậy, bố mẹ phải có được sự cân bằng khi dạy con biết chủ động tự bảo vệ bản thân nhưng không bước sang thái cực gây hấn, bạo lực.

Để con tự lập, tự bảo vệ mình như bố mẹ mong đợi, theo Ts Marie-Eve Hoffet-Gachelin, sự chia sẻ, trò chuyện thường xuyên giữa bố mẹ và con là điều then chốt. Như vậy, bố mẹ sẽ hiểu những suy nghĩ và vấn đề con gặp phải, con sẽ tìm đến sự giúp đỡ của bố mẹ khi gặp khó khăn.

“Người Việt Nam lúc nào cũng coi trọng thứ bậc, sự hài hòa bởi thế giữa cha mẹ và con rất khó có sự đối thoại. Trong khi đó trẻ em - ở đất nước nào cũng thế - lại thích được đối xử như người lớn. Hãy trò  chuyện thường xuyên với con theo cách thoải mái, dù  không ngang bằng tuyệt đối như bạn bè. Đối thoại với con về vấn đề an toàn, về quyền lợi của con, cách ứng xử trong các mối quan hệ, về mọi nguy hiểm có thể xảy ra và cách phòng tránh chúng.” - Chủ tịch Hiệp hội tâm lý Pháp Việt nói.
Hạnh Mai

Bình luận(0)