Trẻ em cũng stress như thường

Google News

Trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, stress là “đặc quyền” ở người lớn, còn với lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì có gì áp lực để đến mức bị stress. Chính suy nghĩ không đúng này vô tình cản trở sự hỗ trợ kịp thời của phụ huynh cho một giai đoạn phát triển tâm sinh lý bình thường ở con em mình.


Khoa tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM mới tiếp nhận một bé gái tám tuổi được người nhà đưa nhập viện vì nôn ói, nói nhảm, hoảng loạn. Kết quả thăm khám ghi nhận bé bị rối loạn tâm thần. Trước đó, bé bị sốt một ngày nên nghỉ học, khi đi học lại, bé mệt nên khóc, cô giáo chủ nhiệm cho rằng bé nhõng nhẽo nên đã giao thầy hiệu trưởng xử lý. Sau đó bé liên tục khóc, lên cơn sốt, nói nhảm, la hét. Sau khi đã được điều trị tâm lý năm lần, bé hết nói nhảm nhưng vẫn sợ đi học và gặp người lạ.

Ảnh minh họa: IE.
Ảnh minh họa: IE.

Nguyên nhân: từ gia đình hoặc nhà trường

Theo chuyên viên tư vấn Trương Quốc Cường, khoa tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, với trẻ mầm non và cấp 1, nguyên nhân thường gặp là xa cách cha mẹ, chứng kiến cha mẹ cãi vã nhau, sợ mình không ngoan, sợ cha mẹ không thương, sợ cô giáo đánh, sợ bị bạn bắt nạt, sợ bị ép ăn, vệ sinh, ganh tị với anh chị em… Với trẻ lớn hơn (cấp hai trở lên) thì nguyên nhân là áp lực học tập hay tự đặt áp lực cho bản thân để làm vui lòng người lớn, người lớn không hiểu nhu cầu của trẻ, kỳ vọng quá nhiều vào trẻ, bị bạn bè bắt nạt, căng thẳng vì nhiều bài tập, lo lắng vì những thay đổi của cơ thể tuổi dậy thì, chứng kiến cha mẹ cãi nhau, di chuyển đến một nơi khác, bị ép làm những điều không thích…

Ông Cường cho biết, những biểu hiện stress cần lưu tâm ở trẻ là một số dấu hiệu cơ thể như: đau đầu, chóng mặt, đau bụng, mỏi tay chân. Ngoài ra, trẻ có vẻ hiếu động, nói nhiều nhưng ít đúng mục đích; tính khí thất thường, ngại tiếp xúc người khác; học sa sút; kém tập trung; có hành vi chống đối lại người khác như hỗn hào, trộm cắp; thiếu tự tin với những việc trước đây đã làm được hoặc có vẻ lệ thuộc cha mẹ hơn...

Phụ huynh cần làm gì?

Khi thấy con trẻ có biểu hiện căng thẳng, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân. Nên liên hệ với cô giáo ở trường, giảm áp lực học tập cho trẻ. Cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao hay ngoại khoá. Tăng cường động viên, trò chuyện với trẻ. Điều cần thiết là không nên quá căng thẳng khi tiếp xúc với con. “Trong trường hợp cha mẹ đã tìm mọi cách nhưng không cải thiện được tình hình, nên cho trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên viên tâm lý. Can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ tránh được tình trạng stress quá dài có thể gây rối loạn lo âu hoặc trầm cảm”, ông Cường khuyên.

Nhiều trẻ đau bụng tái diễn do stress

Một nghiên cứu của bệnh viện Nhi Đồng 2 và bệnh viện đại học Y dược TP.HCM trên 1.026 học sinh nhằm xác định mối liên quan giữa đau bụng tái diễn (có ít nhất ba cơn đau bụng trong ba tháng) với các sang chấn tâm lý (stress) cho thấy tỷ lệ trẻ mắc đau bụng tái diễn là 4,2%, nữ nhiều hơn nam, độ tuổi 11 mắc nhiều nhất và trẻ học trường chuyên bị đau bụng tái diễn nhiều hơn. Sang chấn tâm lý thuộc gia đình thường gặp là trẻ bị cha mẹ rầy la (49,9%), cãi nhau với anh chị em (29,6%); ở học đường là bị thầy cô rầy la (31,3%), đổi trường (29,5%), học quá nhiều (27,5%). Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như cha hoặc mẹ bị mất việc làm, không sống chung với cha hoặc mẹ hoặc cả hai, có người thân qua đời, mẹ sinh em bé, thường bị cha mẹ bỏ bê...


Theo Mai Lan (Sài Gòn Tiếp Thị)

Bình luận(0)