Người kết nối gia đình

Google News

(Kiến Thức) - Mỗi khi ở phường có việc gì liên quan đến những trẻ em, phụ nữ bị xâm hại, cần sự trợ giúp hay gia đình nào có mâu thuẫn, tôi lại là người kết nối yêu thương giữa họ... Đó là việc làm "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", nhưng tôi vẫn thấy vui...", đây là tâm sự của bà Phạm Bích Liên, 321 A, Quan Nhân,  quận Thanh Xuân, Hà Nội.


Bà Liên đang chuẩn bị báo cáo để tư vấn cho các thanh niên.
Bà Liên đang chuẩn bị báo cáo để tư vấn cho các thanh niên.
Từ ngày còn trẻ, tôi đã thích được tư vấn cho các cặp gia đình. Một lần, tôi chứng kiến anh họ mình có bồ trẻ chỉ bằng con gái anh. Anh đã nói dối chưa có vợ để lừa cô gái đó. Vợ anh ấy tức tối định làm lớn chuyện. Tôi đã khuyên chị bình tĩnh, nhẹ nhàng, chị cứ ăn ở trọn nghĩa, vẹn tình, làm sao cho anh ấy thấy cảm phục và sẽ trở về... Thế rồi, tôi cùng với chị họ đó đến gặp cô gái trẻ kia, nói chuyện rất nhẹ nhàng, khuyên răn cô và cho cô biết anh ấy đã có vợ, con lớn... Cô đã biết mình bị anh kia lừa, nên rất sợ và cô tự rút lui...

Thế rồi, khi tôi công tác tại trung tâm phân tích thí nghiệm địa chất (Cục Địa chất), tuy không có thời gian, cũng không phải là người học tâm lý, nhưng từ chuyện lớn nhỏ, tình cảm trai gái, hay mâu thuẫn gia đình họ đều tâm sự và nhờ tôi tư vấn. Khi tôi về hưu, có thời gian hơn, tôi đã tham gia vào ban hòa giải phường Nhân Chính, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Tôi có trách nhiệm theo dõi các trẻ sơ sinh trên địa bàn phường, trong đó có những trẻ bị khuyết tật, những trẻ không may bị xâm hại, bố mẹ đánh, đối với phụ nữ những chị em bị bệnh hiểm nghèo, tôi lại đi xin chính quyền, tổ chức trợ giúp. Đối với thanh niên, tôi tư vấn cách sống, nhất là tuổi vị thành niên cần biết cách an toàn tình dục...

Đã mấy năm nay, tôi làm tại ban hòa giải của phường, tuy không được lương hay bổng lộc gì, nhưng tôi cảm thấy vui vì gắn kết, là cầu nối cho mọi người. Trong quá trình làm, tôi cũng gặp đủ chuyện từ vui buồn, đơn giản đến phức tạp.

Có lần, chúng tôi đến gia đình có mâu thuẫn, nhưng họ bảo: "Nhà tôi chẳng có việc gì, chẳng có mâu thuẫn gì. Tôi không cần hòa giải...". Từ đó, mình cần rút kinh nghiệm phải nhẹ nhàng, từ từ lân la qua người nọ người kia để bắt chuyện với họ. Sau khi nói chuyện với họ cần giữ kín, khi họ thấy tin, họ sẽ chia sẻ, rồi mình tư vấn, giúp đỡ. Một lần, trong phường có vợ chồng bạn trẻ ở rể, vì mâu thuẫn gia đình, nửa đêm mẹ vợ anh ta đuổi đi. Lúc đó, tôi cùng một hàng xóm đã cho anh vay tiền, mướn nhà trọ để tạo dựng cuộc sống riêng của mình và cũng giải quyết mâu thuẫn căn bản...

Nhiều người bảo tôi rằng, không học qua tâm lý, hôn nhân gia đình nhưng lại có kiến thức tư vấn, kết nối, hòa giải được. Tôi nghĩ, điều quan trọng là biết cảm thông, lắng nghe và giữ bí mật câu chuyện của họ. Sau khi họ chia sẻ thì mình phải gỡ rối cho họ bằng những kinh nghiệm, kiến thức của mình. Tôi đã tích lũy, học từ báo chí, sách vở, qua những câu chuyện thực tế, để rồi mình tự phân tích cái đúng, cái sai, học từ cách ứng xử, mối quan hệ cho đến hiểu các trò chơi, sở thích của những nhóm tuổi để hiểu họ hơn. Tôi đọc báo để lấy kiến thức, và ham đến nỗi cháu nội của tôi bảo: "Sau này bà mất cháu cúng bằng báo".

Hà Linh

Bình luận(0)