Người vợ hạnh phúc bên chồng mù giàu nghị lực

Google News

Nhờ nồi nước mắm chưng sôi, bà đã yêu rồi cưới ông, người đàn ông khiếm thính không ngại gian khổ để vợ con được sung sướng...

(Kienthuc.net.vn) - “Lúc chúng tôi cưới nhau, trong chum không có lấy một hạt gạo nhưng nay thóc lúa đã đầy nhà. Ngày xưa, mắt ông ấy mờ mờ, bây giờ đã chìm hẳn vào bóng tối” - bà Nguyễn Thị Lan, vợ của người đàn ông mù Hoàng Đức Thanh (xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) cười nói, khuôn mặt ngăm đen bừng sáng hạnh phúc.

Nên duyên nhờ… nồi nước mắm
 
Vợ chồng ông Thanh bà Lan mở trang trại trồng nấm nên sân nhà đầy rơm mới. Đang rút rơm chất cao ngất từ chiếc xe máy xuống sân, bà Lan dừng tay, rót ấm nước mời khách, cười hồ hởi: “Đây là lá vối tươi nhà trồng đấy”. Nhìn ra hiên nhà đầy rơm mới, thơm nồng dưới nắng, bà kể chuyện tình yêu từ… nồi nước mắm.
 
"Không có nồi nước mắm chưng, chắc tôi không được yêu và cưới ông ấy!"
"Không có nồi nước mắm chưng, chắc tôi không được yêu và cưới ông ấy!"

Ông Thanh và bà Lan đều sinh ra ở đất ca trù Lỗ Khê, xã Liên Hà, Đông Anh. Ông Thanh là con trưởng trong gia đình có 6 người con, nghèo nhất làng, bữa ăn toàn khoai sắn. Từ bé mắt ông đã bị chứng viêm võng mạc, ban ngày nhìn đã không rõ, ban đêm càng mờ mịt.

18 tuổi ông xung phong đi bộ đội, 2 năm sau, do mắt kém quá ông được chuyển về viện 108 điều trị. Ông tình cờ gặp bà Lan, lúc đó cũng đang nằm khoa bỏng. Cuối tuần cả hai về làng, đi đường nói chuyện vu vơ, rồi yêu.

“Như là duyên số vậy. Nếu vai tôi không bị bỏng vào viện, chắc tôi cũng không để ý tới ông ấy” – bà Lan kể lại.

Hồi đó, bà Lan làm thông tin ở quân khu Thủ đô. Một buổi tối mất điện, bà xuống nhà bếp quân khu nhặt rau hộ. Đang cắm cúi làm thì một cô bé đi guốc cao gót, bưng nồi nước mắm đang sôi đi qua, ngã vào làm bỏng vai bà.

Những câu chuyện bâng quơ lúc đi đường đã giúp bà Lan nhìn thấy ánh sáng ý chí và nghị lực từ người con trai gầy nhẳng, mắt mờ, chân nam đá chân chiêu cạnh mình. Yêu và cưới ông, không ít lời xì xào vào ra “lấy thắng mù có mà ôm nhau chết đói”. Bà mặc kệ hết, không sợ gì.

Cưới nhau về, ông Thanh nói với người vợ hiền lành mà can đảm của mình: “Dù thế nào, cũng không bao giờ để vợ con sống trong cảnh nghèo đói”.

Có vợ có chồng, chẳng sợ gì!
 
Bà Lan dắt tay chồng đi thăm nấm luôn miệng bảo: “Ông ấy trông gầy yếu, chẳng thấy gì nhưng lại là đầu tàu, chỗ dựa của vợ con”. Vì yêu vợ, thương con, người đàn ông mù này không quản ngại công việc gì, từ đóng gạch, làm thầu khoán đến mở trang trại trồng nấm.
Tôi dắt ông ấy
Ông ấy gầy yếu, lại mù lòa, nhưng luôn là chỗ dựa vững chãi của vợ con

Bà chỉ những vết viêm da cơ địa trên bàn tay xương gầy của chồng, bảo ngày xưa, tay chân ông cũng đầy vết, đầy sẹo vì làm chủ thầu xây dựng, đi lại trên công trình suốt ngày vấp phải gạch đá, giàn giáo, đau mãi thành quen.

Ông Thanh bắt đầu làm chủ thầu những năm 93, 94, hồi đó mắt ông đã gần như mù hẳn. Lúc đầu, ông cũng bi quan, buồn khổ, đi đâu cũng ngại: “Nhìn một thằng mù dò dẫm được người ta dắt vào thì ai người ta giao việc, huống hồ là công trình nhà cửa, liên quan tính mạng của người ta”. Ông vắt óc nghĩ “mưu” để khiến người ta tin tưởng, thuê mình làm.

“Đi đâu tôi cũng có “đệ tử” tin cẩn. Nó đi trước, mình đi sau. Vào nhà, nó kéo ghế bảo đại ca ngồi xuống, nước đây đại ca uống đi, em châm thuốc phục vụ đại ca nhé. Rồi tôi sai nó đi đo đạc, đọc cho tôi nghe các thông số. Tôi thiết kế mọi thứ trong đầu mình rồi trao đổi với chủ nhà, người ta thấy thuận tai, giao công trình”, ông Thanh cười kể lại mưu mẹo của mình.
 
Được dăm bảy công trình thành công, nhiều người bắt đầu tin tưởng, tìm đến tận nơi, giao nhà cửa của mình cho một ông thầu khiếm thị.

“Tôi sáng mắt nhưng dễ nản lòng hơn ông ấy. Ông ấy lúc nào cũng tự tin, bảo có vợ có chồng chẳng sợ gì, khó mấy ta cũng làm được”, bà Lan nói.
 
"Có vợ có chồng, việc khó mấy ta cũng làm được!"
"Có vợ có chồng, việc khó mấy ta cũng làm được!"

Bà nhớ lại hồi hai vợ chồng vay tiền thầu 6000m2 đất đồng làm lò gạch, lũ cuốn trôi hết, bị vỡ nợ, ông bà phải dắt díu đi bán cơm, thịt chó. Người ta vào quán, ngạc nhiên thấy người đàn ông mắt trắng mờ này băm băm chặt chặt, rửa bát thoăn thoắt, không nề hà việc gì.

Làm thầu khoán hơn chục năm, sức khỏe ông Thanh giảm sút nhiều. Tình cờ nghe đài, ông biết chuyện một người nông dân trồng nấm thành công ở Nam Định, ông đến tận nơi tìm hiểu, cho vợ con đi học, mở trang trại.

Làm nấm không phải là nghề đơn giản. Hai năm đầu, mặc dù kỹ sư có mặt để hỗ trợ suốt ngày, nấm vẫn không mọc được. Ếch, bò ông nuôi cũng lăn ra chết hết.

Hai vợ chồng ông lại động viên nhau, cứ làm đi làm lại, thất bại lại làm tiếp, rồi những cây nấm nhỏ cũng phải mỉm cười, đâm những bọc nilon, nở trắng đầy trong kho nhà. Đến nay, trang trại nấm đã đưa lại cho gia đình ông thu nhập ổn định 600-700 triệu/năm, không còn lo đói như thưở bần hàn.
Vợ chồng ông Thanh - bà Lan hạnh phúc bên trang trại nấm của mình
Hai vợ chồng ông đã cùng nhau vượt qua thất bại, thành công với nghề trồng nấm.

Ông Thanh ngồi bệt trên hiên nhà, chân nhịp nhịp, miệng hát theo bài hát dân ca trên đài, nói đời ông chưa bao giờ có giây phút oán trách ông trời đã bắt mình nghèo hèn còn lấy đi đôi mắt, kể cả những lúc nhà không tiền không gạo, ông đau suýt chết, vợ nằm liệt giường phải may sẵn áo quan.

Ông cảm ơn số phận đã được gặp bà Lan, lúc nào cũng tự động viên rằng mình sẽ làm được, khó mấy cũng không sợ, dù thế nào cũng không để vợ con phải khổ, phải nghèo.

Có lẽ với ông, tình yêu vợ con chính là đôi mắt.

Hoàng Linh - Hướng Dương
 
Bài đọc nhiều:
 
 [links()]

Bình luận(0)