Khi anh trai làm gia sư cho em gái

Google News

Tôi không cho cháu đi học thêm vì đưa đón không tiện

 Dạy kèm con người ta thì được, mà sao dạy em học thì la hét um sùm vậy con?” - “Tại nó vừa dốt vừa lười biếng không chịu nổi!”… Mẩu đối thoại này hình như đã lặp lại hơn ba lần trong tháng này, khi tôi thấy con trai ngồi hằm hằm trước mấy cuốn sách mở nghênh ngang trên bàn, còn con gái thì khóc thút thít hay vùng vằng gạch xóa gôm tẩy trong vở.

Con trai học năm nhất Đại học Kinh tế, còn con gái đang học lớp 10. Tôi không cho cháu đi học thêm vì đưa đón không tiện, cũng không dám mời thầy về nhà dạy kèm, vì vợ chồng tôi đi vắng suốt ngày. Giải pháp nhờ anh trai kèm thêm môn toán, môn Anh văn cho em gái, ban đầu ngỡ là giải pháp ổn thỏa nhất: con trai được bố mẹ trả lương, đủ tiêu vặt, con gái được anh kèm học, đỡ mất thời gian buôn điện thoại với lũ bạn gái cùng trường.
 
 
Nhưng tháng thứ hai thì dù rất thương em, thằng anh cũng nổi quạu. Buổi học nào cũng la lối, đập bàn đập ghế um sùm. Con gái biểu tình: “Mẹ ơi con không học với anh Hai nữa” rồi nhất định ngồi lì ra, anh Hai không dám đánh em, nhưng cái tính cộc của thằng con trai nổi lên thì đá bàn đá ghế rồi hằm hằm bỏ đi một nước. Thế là thua cô em gái.

Khuyên nhủ, rầy la hoài không được, tôi đành phải ngồi vào bàn, trở thành khán giả bất đắc dĩ của lớp học hai anh em. “Dự giờ” đến lần thứ tư thì tôi phát hiện ra: “trò em” không bao giờ làm xong một bài tập nào mà “thầy anh” đồng ý. Lúc nào cũng còn lỗi này lỗi nọ. “Trò em” có làm hết mức, cặm cụi ngồi dò lui dò tới từng chút, “thầy anh” chỉ cần liếc qua là chỉ ngay ra chỗ sai. Thế là chỉ trích, thế là hờn dỗi, thầy càng chỉ chỗ sai trò càng ương bướng cãi. Đến một lúc trò đi đằng trò, thầy đi đằng thầy!

Nói chuyện rất lâu với “thầy anh”, cháu mới nhận ra một điều: hình như mình chưa bao giờ khen em gái. Tôi nhắc chàng gia sư bài học đầu tiên của nghề đi dạy: “dạy dỗ” mà con, “dạy” thì phải “dỗ”, “dạy” trước “dỗ” sau! Nhất là trong trường hợp của con, cái “uy” của ông thầy chưa đủ lớn! Thầy trò không thể cãi qua cãi lại, thầy mất uy mà trò cũng mất hứng học. Bình thường con là anh Hai, nhưng vô giờ học, con là ông thầy. Muốn trò giỏi, ông thầy phải nâng đỡ, ưu ái động viên, chứ chì chiết trách móc, trò nào muốn học…

Nói vậy, nhưng làm không dễ. Cô em gái cố tình chọc tức cho anh Hai bỏ dạy, nghĩ ra đủ thứ trò nghịch ngợm quái quỷ. Tôi lại phải ngồi kế bên những khi anh em bắt đầu vô giờ học kèm, để làm trọng tài phân xử. Lần hồi, anh Hai chững chạc hơn, không thèm chấp nhặt những trò trẻ con của Út. Em gái được khen vài lần, đã bớt cứng đầu, bớt cãi nheo nhẻo. Ba mẹ con cùng ngồi vào bàn khi tới giờ quy định. Tôi không còn nhớ mấy những kiến thức ngày xưa, nhưng nghe anh giảng bài cho em, cũng thỉnh thoảng nhớ ra vài chuyện vui vui hồi đi học để kể con nghe. Tôi kể chuyện hồi nhỏ bưng chén cơm nguội vừa ăn vừa học, bị ông ngoại la: “Học vậy rồi nuốt chữ vô bụng lộn với cơm à con!”. Cả ba mẹ con cười vang, Út tranh thủ “đá giò” anh Hai: “Mẹ, giờ ăn mà anh Hai cứ chê bài con hoài cũng không được ha mẹ! Giờ học thì học, giờ ăn thì ăn chớ!”.

Năm nay bé Út lên lớp 11, cuối năm rồi đạt học sinh giỏi, tôi hỏi con: “Sang năm có thuê thầy dạy kèm nữa không?”; con gái cười vui: “Con khoe với bạn con anh Hai dạy kèm dễ hiểu lắm, coi chừng năm nay anh Hai có thêm học trò nha mẹ!”. Tôi nhìn con cười, lòng lại thấy lo lo: không khéo lại phải “dự giờ” thêm năm nữa, vì ông thầy này chưa quen dạy lớp đông, mà các cô bé thời nay thì đủ thứ chuyện rắc rối.

Thôi thì phải ráng vậy. Giữ giờ “dạy kèm” của con cũng là giữ cái nền nếp học hành của gia đình. Chắc bây giờ con trai đã thấy: dạy học không hề dễ, dạy học là dạy người, mà cũng là tự dạy mình…

Theo Thanh Yên - PNonline

Bình luận(0)