Bí quyết dùng máy đo đường huyết tránh sai số

Google News

(Kiến Thức) - Khi sử dụng máy đo đường huyết tại nhà, bạn cần cẩn trọng để tránh tình trạng sai số, từ đó ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Việc sử dụng một chiếc máy đo đường huyết tại nhà giúp nhiều người kiểm soát bệnh tiểu đường, nhất là người cao tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khi sử dụng máy cần cẩn trọng để tránh tình trạng sai số từ đó ảnh hưởng đến sức khoẻ, trong đó đặc biệt chú trọng yếu tố thay pin sau khoảng 6 tháng sử dụng. 
Sai số khoảng 5 - 10%
Là một người nghiên cứu về các máy y tế, KS Trần Hữu Cộng, Phó Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế cho hay, thông thường các máy đo nhanh các chỉ số tại nhà sẽ có sự sai số, nhất là sau một thời gian sử dụng. Chỉ số sai dao động khoảng dưới 10% so với các máy móc chính xác và hiện đại ở các bệnh viện. Vì thế, nắm vững yếu tố này sẽ giúp người dùng kiểm soát bệnh một cách tốt nhất. 
Cụ thể, theo vị chuyên gia này, yếu tố máy đo đường huyết nhanh bị sai số có thể do các nguyên nhân như thời điểm đo chưa hợp lý, hoặc do bảo quản và thay pin chưa đúng yêu cầu. Như thời điểm đo, để chính xác cần có sự ấn định về thời gian và các yếu tố tác động đến chỉ số đường huyết. 
Ví dụ, thời điểm đo nên duy trì một thời điểm nhất định, như quy định 6 giờ sáng, sau khi ngủ dậy và trước khi ăn. Ngày hôm nay đo thời điểm này thì ngày mai vẫn duy trì chính xác thời điểm đó. Nếu đo sau khi ăn, đường huyết thường tăng cao hơn trước khi ăn. Ngoài ra, không nên đo sau khi tập thể dục, thay vào đó cần đo trước khi tập. Bởi sau khi tập, đường trong máu cũng sẽ thay đổi với xu hướng sẽ thấp hơn chỉ số thực khi ổn định của cơ thể...
Đối với việc bảo quản, dù thiết kế của máy đo được thiết kế kín để tránh ảnh hưởng cao nhất đến vi mạch của máy nhưng vẫn có thể bị tác động bởi môi trường như độ ẩm, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Nhất là que thử, nếu để quá hạn hay bị ẩm ướt cũng sẽ cho chỉ số không đúng. 
“Một trong các nguyên nhân sai số chủ yếu do người sử dụng que thử chưa đảm bảo đúng yêu cầu. Que thử đường huyết được sản xuất dựa trên công nghệ tẩm hóa chất đặc thù. Khi tác động với máu, hóa chất này sẽ cho ra chỉ số đường. Tuy nhiên, chất lượng que thử bị ảnh hưởng bởi thời gian, nhiệt độ, khí hậu... càng để lâu sai số của que thử càng lớn. Trong khi đó, người dùng hiện nay không tuân thủ theo đúng thời gian khuyến cáo sử dụng. Thay vì chỉ dùng số que thử trong 3 tháng thì hầu hết người dùng đều kéo dài thời gian ra 8 tháng hoặc một năm”, Trần Hữu Cộng cho biết thêm. 
Bí quyét dùng máy do duòng huyét tranh sai so
 
Thay pin khoảng 6 tháng/lần
Chưa dừng lại đó, vị chuyên gia còn nhấn mạnh, một yếu tố hết sức quan trọng ảnh hưởng đến sự chính xác của các chỉ số khi sử dụng các loại máy đo nhanh đường huyết ở nhà chính là pin. Pin máy thường dùng được một năm, nhưng sau 6 tháng sẽ bị suy yếu. Nếu duy trì tình trạng này sẽ dẫn đến tình trạng bộ phận chuyển mạch hoạt động không được chính xác do không đủ năng lượng nên khi phân tích bị sai số. 
Vì thế, các chuyên gia khuyên, khi dùng máy cần thay pin khoảng 6 tháng/lần. Cần bảo quản máy ở nơi mát mẻ, có nhiệt độ khoảng 20 - 30oC. Khi trời nồm ẩm cần đặt máy ở vị trí không bị tác động. Khi trời nồm không được sấy máy, bởi nhiệt độ cao có thể làm chập hỏng các bảng mạch vốn rất mỏng của máy. Que thử cần bảo quản đúng yêu cầu và không nên để quá 3 tháng. Tránh tình trạng vì tiếc của, nghĩ vẫn còn dùng được nên nhiều người không thay pin hay que thử mới. 
Trường hợp chọn mua máy, nên chọn các hãng có tên tuổi, được nhiều người thừa nhận và xuất xứ từ các nước tiên tiến như Mỹ, Đức, Nhật, Pháp… Lý do, các hãng này đã vào Việt Nam lâu năm, được người dân và các chuyên gia kiểm chứng, thiết kế không bị tác động bởi môi trường hay khí hậu nước ta. Trước khi mua máy nên làm phép thử để đo kết quả này với kết quả đã đo tại bệnh viện để xác định có sai số hay không. 
KS Trần Hữu Cộng
Hiền Dung

>> xem thêm

Bình luận(0)