Tin thầy bùa “mang thai” hơn 12 tháng chưa sinh

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều gia đình hiếm muộn tìm tới “thầy” giúp đỡ rồi có thai, sau đó vài chục tháng nhưng không thấy sinh con. Dù được cảnh báo, nhưng vẫn có nhiều người tin vào bùa chú, thuốc thánh. 

Theo các chuyên gia, quá mê muội vào những điều không có cơ sở khoa học sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tổn hại tâm lý bà mẹ, để lại hậu quả xấu cho xã hội.
Uống thuốc sắc + niệm chú = bụng to
Vợ chồng anh Đ.V.V. và chị T.T.Tr. quê ở Nam Định, cưới nhau hơn 10 năm chưa có con, thụ tinh nhân tạo 2 lần cũng không đậu thai, anh chị vào TP.HCM thuê nhà trọ để theo “thầy” cầu con. 
Anh V. cho biết: “Khi tới một nhà thờ ở Q.Thủ Đức cầu con, được một số người vào tư vấn mua thuốc lá cây về sắc uống kết hợp cầu kinh sẽ nhanh đậu thai. Tôi không biết những vị thuốc đó là lá cây gì, chỉ biết như thang thuốc bắc. Những gia đình đến cầu con đều mua”. 
Chị Tr. buồn rầu tiếp lời chồng: “Mong con quá nên ai chỉ sao thì làm vậy, em uống tổng cộng tất cả gần 100 thang thuốc, 25.000đ/thang, bụng cứ to dần như mang bầu 7 – 8 tháng, suốt 16 tháng trời mà không tới ngày sinh, bụng to nặng nề có lúc thấy như thai máy, đạp cuộn lên, mà kinh nguyệt vẫn đều hàng tháng. Em dừng uống thuốc sắc sau vài tháng thì bụng đã trở lại bình thường”.
Tin thay bua “mang thai” hon 12 thang chua sinh
 Chị K. đang mang bụng bầu gần 13 tháng, siêu âm không thấy thai.
Câu chuyện mang thai của chị T.T.K. (ngụ TX Thuận An, Bình Dương) thì lại ở dạng lừa bịp khác. Khệ nệ bê “bụng bầu” to, chị K. tâm sự: “Cưới nhau 8 năm rồi mà không có con, không tiếc tiền của tôi đi chữa chạy nhiều bệnh viện cũng vô phương. Giờ đi thụ tinh nhân tạo thì gia đình không còn tiền nữa. Duyên may gặp được thầy bà cao tay nên tôi mang thai tới nay là gần 13 tháng rồi”.
Khó khăn lắm chúng tôi mới được chị K. bật mí cho biết, người mà chị đến cầu con được gọi là “tiên bà”. Khi khám cho K, bà này nói buồng trứng của chị chai rồi nên 9 ngày đầu phải phẫu thuật “bằng phép” để lấy trứng lép ra, 9 ngày tiếp theo, phẫu thuật phép cấy trứng khỏe vào để thụ thai. Chị đi tới đi lui 18 ngày liên tục, kết hợp cầu trời nên đã mang “bầu”.
Xoa nhẹ bụng bầu, chị K. cho biết :“Tiên bà bảo tôi sẽ sinh đôi đứa trai đứa gái, và tụi nhỏ này đi ngang mông nên phải sinh mổ. Tôi mới đi siêu âm ở BV Từ Dũ nhưng chưa thấy thai mà sao con đạp giữ lắm, nhất là khi đói…”.
Không có cơ sở khoa học.
Theo TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), các gia đình hiếm muộn mong con quá, mục đích cuối cùng là có con nhưng không thể có được với cách chữa trị không có gì là khoa học như vậy, cũng chỉ như “chết đuối vớ được cọng rơm”. 
Việc bụng tự nhiên to lên, thứ nhất là do sau khi đi kêu cầu, thờ cúng đa số tâm lý các chị em sẽ tin rằng mình sắp có bầu hoặc đang có bầu, ăn uống bồi bổ, đi đứng nhẹ nhàng, có chị còn kiêng cả vận động. Có chị nghe “thầy”, uống những loại lá cây được cho là thuốc, sẽ gây tích nước trong cơ thể, nhiều khi chỉ một viên thuốc tán chứa corticoid lâu ngày tích nước khiến bụng to, tăng cân bất thường, siêu âm lại không có thai và kinh nguyệt vẫn có hàng tháng. Chị em hiếm muộn có thai giả luôn cảm tưởng có thai đạp trong bụng, hiện tượng bụng rềnh lên…đó là cảm giác chủ quan.
TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng, một điều đơn giản chị em nên biết về cơ thể mình, nếu như vẫn có kinh nguyệt bình thường thì chắc chắn không thể đang mang thai. Một khi cơ thể bắt đầu sản xuất các hormone dấu hiệu có thai (hCG) thì chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ dừng lại và tạm thời biến mất. Kết quả có thai chỉ được khẳng định tin cậy khi siêu âm, thử máu, thử nước tiểu.
“Dù tỷ lệ chữa hiếm muộn chưa thể đạt 100% nhưng khoa học vẫn là cơ sở chứng minh tin tưởng nhất, giúp kiểm tra rõ ràng về cơ địa để có hướng điều trị. Về khía cạnh tâm linh, đôi khi do mong muốn có con quá mức mà các gia đình quá mê muội, bị lợi dụng lòng tin, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, mang lại hậu quả không tốt”, TS.BS Tuyết nói.
Theo Luật sư. Trần Công Ly Tao, Đoàn Luật sư TPHCM: Đây là cách chữa bệnh phản khoa học, là hành vi trái pháp luật, phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để giám sát tính chất, mức độ hành vi, xử lý cho phù hợp. Hiện luật pháp chưa có điều luật quy định cụ thể xử lý đối với hành vi trên, thuộc loại tội phạm mới phát sinh. Trước hết cần xử lý hành chính, tuyên truyền, nhắc nhở. 
Hương Nguyên

Bình luận(0)