Người hỏng mặt, kẻ suýt mất ngực vì tiêm silicone lỏng

Google News

Silicone lỏng bị cấm sử dụng trong ngành thẩm mỹ từ năm 1992. Dù vậy, rất nhiều "tín đồ dao kéo" vẫn lạm dụng chất này, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Do thiếu hiểu biết, nhiều chị em đã bỏ ra hàng nghìn USD để bơm silicone lỏng, đến khi đau nhức, nổi từng cục cứng, họ mới đến bệnh viện giải quyết hậu quả.
Hơn 10 khối u mọc kín ngực
10 năm trước, Trần Thúy Lan (Hà Nội) quyết định bơm, làm đầy vùng ngực bằng silicon lỏng. Thời gian gần đây, vòng một của chị xuất hiện những nang xơ cứng, đau tức và khó chịu.
Hơn 10 khối u to tiêm silicone lỏng trong ngực chị Lan. Ảnh: BSCC 
Sau thăm khám, kiểm tra, chị phải tiến hành phẫu thuật hút silicone trong ngực. Tiến sĩ, bác sĩ Mai Mạnh Tuấn (tốt nghiệp Học viện Quân y), người trực tiếp mổ cho chị Lan, cho biết: "Ngực bệnh nhân có hơn 10 khối u lớn, nhỏ, kích thước khoảng 2-3 cm, thậm chí 5 cm, kín hai bên ngực".
Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện các dịch trong nang có hiện tượng hoại tử, dịch vàng viêm bên trong. Tình trạng này để lâu sẽ gây ra hiện tượng viêm rò áp xe, hoại tử vùng ngực.
Cắt bỏ hoàn toàn mũi, lấy khối u 500 g từ ngực
Nhớ lại quãng thời gian biến chứng do tiêm silicone lỏng, Nguyễn Thị Khánh (47 tuổi) cho hay tuy đã qua khỏi cơn khủng hoảng nhưng vẫn còn ám ảnh khi nhìn thấy cơ thể mình bị tàn phá.
Bệnh nhân này chọn tiêm silicone dạo do giá rẻ, phù hợp với kinh tế và đã tiêm 2 mũi ở 2 má, 4 mũi ở ngực, mỗi mũi có giá 5 triệu đồng. Tuy nhiên, người phụ nữ quê Kiên Giang không biết rằng silicone lỏng đã lan qua các bộ phận xung quanh gây biến chứng nặng nề. Cuối năm 2015, khuôn mặt của người phụ nữ này xuất hiện những khối nhỏ, cứng như những viên sỏi, thêm phần ngực sưng to, đau nhức không chịu nổi..
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Lê Hồng Ngọc, Bệnh viện Trưng Vương (quận 10, TP.HCM) cho biết khi Khánh đến bệnh viện thăm khám mặt đã biến dạng nặng, phải cắt bỏ gần như hoàn toàn phần mũi, loại bỏ hết mô bị silicone tràn qua. Qua nhiều lần phẫu thuật tái tạo, mũi của bệnh nhân đã tạm ổn định.
Về phần ngực, TS.BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương, đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú hai bên. Các bác sĩ thấy các mô mỡ, mô tuyến vú của bệnh nhân có rất nhiều mủ và các khối u silicon. Ngoài ra, bệnh nhân còn những khối u kích thước hơn 5 mm rất cứng, màu đen xám ở cả hai bên vú. Khối silicone khi được lấy ra nặng 500 gram.
Mất mạng vì bơm silicone khắp cơ thể
Đó là trường hợp nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng (57 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) tử vong vào rạng sáng 27/4/2014. Nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 26/4 trong tình trạng vã mồ hôi, người xanh tái, sốt cao 39,5 độ C, lơ mơ, bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, theo dõi thuyên tắc phổi...
Qua kiểm tra, bác sĩ nhận thấy bà Hồng đã bơm silicone lỏng rải rác toàn thân gồm hai bầu ngực, gò má, vùng thái dương, vùng cổ, bàn tay, bàn chân. Người nhà bệnh nhân cho biết ngày 25/4, bà Hồng được một người làm nghề thẩm mỹ dạo đến nhà bơm silicone lỏng rải rác khắp cơ thể.
'Cậu nhỏ' biến dạng vì tiêm silicon lỏng tăng kích thước
Tự ti với kích thước của "cậu nhỏ", Trần Thanh Sơn (Hà Nội) đã bơm silicone lỏng để cải thiện tình hình. Thời gian gần đây, "cậu nhỏ" của anh có hiện tượng đau tức, xuất hiện nhiều khối u và phải tiến hành phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Đông Hưng, khoa Phẫu thuật Niệu - Sinh dục, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), cho biết: "Dương vật của bệnh nhân có 7 khối u nhỏ là silicone lỏng bị vón cục. Sau phẫu thuật, "của quý" bị biến dạng, có thể ảnh hưởng lớn đến cảm giác, chất lượng sinh hoạt tình dục của bệnh nhân".
Do phải lấy triệt để silicon, những mô nâng đỡ bên dưới da được cắt bỏ, thân dương vật sau khi mổ sẽ trở nên biến dạng, thậm chí vón cục lổn nhổn thành các ổ áp xe viêm nhiễm.
Cô gái chuyển giới mặt biến dạng sau khi nạo silicone
Gần đây, hot girl chuyển giới Mai Kim Trí (hay còn gọi Linda) công khai hình ảnh khuôn mặt bị biến dạng, sẹo, nhấp nhô sau khi nạo silicone lỏng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Linda cho biết đây là tình trạng sau hơn một tháng nạo silicone ra khỏi khuôn mặt đã biến dạng 70%. Gương mặt của cô không cải thiện mà ngày càng trở nên tồi tệ. Dù đã tiêm nhiều thuốc, vết thương bên trong chưa lành, méo mó, ứ dịch và sưng phù.
Gương mặt của Linda sau khi nạo silicone. Ảnh chụp màn hình 
TS Nguyễn Huy Thọ - Phó chủ tịch hội Phẫu thuật và tạo hình thẩm mỹ Hà Nội, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật hàm mặt và tạo hình, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, cho biết ông sợ nhất là các biến chứng phẫu thuật từ các chất bơm làm đầy cơ thể.
Thời kỳ trước, phẫu thuật thẩm mỹ rộ mốt bơm silicon lỏng trực tiếp. Bệnh nhân tìm đến bệnh viện để giải quyết biến chứng thường trình bày với các bác sĩ ở đây là họ bơm “mỡ hóa học”. Tuy nhiên, ông Thọ khẳng định đó chính là silicone lỏng được ngụy trang. Các chất này khi vào cơ thể được coi là “dị chất” và rất khó khăn khi xử lý. Nó được cơ thể bao bọc và có thể luồn lách đến các bộ phận khác. Bạch cầu khi gặp silicone lỏng sẽ dần biến mất, nếu vào thận, gan,… cũng đều rất ảnh hưởng.
“Ban đầu có thể các chất này sẽ gây dị ứng đỏ, sau gây viêm mũi, dạ dày… Viêm lâu dễ thành u, áp xe, tạo ổ mủ. Khi cơ thể không chịu được sẽ phá ra ngoài thành sẹo…”, ông cảnh báo
Cũng theo bác sĩ Mai Mạnh Tuấn, nếu mô bị thâm nhiễm là những vùng quan trọng như mi mắt, ống lệ mũi (dẫn nước mắt), sụn mũi, không thể lấy hết 100% do chúng là những cấu trúc quan trọng của khuôn mặt, cần bảo tồn bằng mọi giá.
Vị chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên: "Trước khi có quyết định làm đẹp, bạn nên lựa chọn đơn vị thẩm mỹ uy tín, đặc biệt chất liệu độn phải đảm bảo, được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận về độ an toàn và hiệu quả trên cơ thể".
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Theo Phương Anh/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)