Phát minh độc lạ: Sơn chống đạn từ vỏ trấu

Google News

(Kiến Thức) - Phát minh độc lạ như sơn chống đạn từ vỏ trấu đã được thử nghiệm cho thấy hiệu quả sử dụng cao.

Tập đoàn Kova (Việt Nam) đã cho ra đời phát minh độc lạ, một loại sơn chống đạn từ vỏ trấu, đã được thử nghiệm cho thấy hiệu quả sử dụng cao. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Kova, trong thành phần vỏ trấu SiO2 chiếm tỷ trọng lớn, có thể điều chế thành keo chất chống đạn nano composite. Trong đó, phụ gia Glutaraldehyde được thêm vào để cải thiện khả năng chống lại tốc độ bay của viên đạn khi va chạm. 
Gluta sẽ tạo ra sức mạnh và liên kết các cặp của nhóm amin có mặt trong hạt SiO2 và vải Kevlar; các nhóm Diamin và Amide trong vải Kevlar sẽ tạo ra liên kết chặt chẽ cải thiện đáng kể khả năng chống đạn. Sơn chống đạn Kova được chứng minh giúp làm giảm 60 - 70% trọng lượng áo, mà chất lượng vẫn tương đương các loại áo chống đạn khác.
Phat minh doc la: Son chong dan tu vo trau
 
Sự phát triển của áo giáp chống đạn đã có từ thời cổ xưa khi các cuộc giao tranh xảy ra. Với sự phát triển khoa học quân sự, các loại súng đạn ra đời đòi hỏi phải thay đổi áo giáp cho phù hợp, nhẹ hơn, an toàn hơn, đặc biệt với những viên đạn bay với tốc độ cao. 
Vật liệu chế tạo áo giáp chủ yếu vẫn là sợi dệt và các vật liệu phụ trợ khác. Sợi dệt vải có thể bằng sợi tơ nhện, được cải tiến với Biosteel có sức mạnh gấp 20 lần sợi thép cùng kích thước; cũng có thể là lông gà được xe thành sợi. Vải dệt từ sợi lông gà rất cứng và nhẹ do bên trong lông gà có cấu trúc tổ ong. Thông dụng nhất là vải sợi Kevlar, tuy nhiên áo chống đạn phải dùng từ 20 - 40 lớp sợi vải khiến áo trở nên rất nặng nề.
Vật liệu phụ trợ có thể là gốm, Corrundum, Saphia... với độ cứng cao. Bên cạnh vật liệu sản xuất áo giáp cứng, cũng có áo giáp mềm được sản xuất với vật liệu phụ trợ là các loại chất lỏng. Chất lỏng này được sơn vào vải Kevlar để tăng hiệu quả chống đạn và giảm số lượng các lớp vải Kevlar xuống còn 4 - 5 lớp mà hiệu quả chống đạn vẫn tương đương. 
Có hai loại chất lỏng thường được sử dụng là sơn nano STF và chất keo từ tính MR. Sơn STF có khả năng cứng đột ngột khi có tác động va chạm mạnh trong vòng 1/1.000 giây. MR là chất keo dầu trong có chứa các hạt sắt trôi lơ lửng. Vì là sắt nên khi có tác động từ trường các hạt sắt sẽ xếp thành hàng làm cho MR biến thành chất rắn tạo lớp màng bảo vệ bằng sắt vô cùng vững chắc. 
Tuy nhiên, một trở ngại là để tạo ra từ trường, các nhà khoa học phải gắn mạch điện tử vào áo chống đạn và khi ra trận những người lính phải bật công tắc cho dòng điện chạy qua áo để tạo ra từ trường. Điều đó có nghĩa là áo chống đạn sẽ vô tác dụng khi người dùng quên bật công tắc. 
An Khánh

Bình luận(0)